GN - Trong một lần thăm quê, biết được những “người anh em” cùng chiến tuyến năm xưa không quay trở về, lại không nằm giữa lòng đất quê hương, bà Mai Thị Tuyết (SN 1946, cựu chiến binh phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM) đã tự mình đi tìm, và viết tất cả 14.000 bức thư gửi về cho gia đình của các thân nhân liệt sĩ...
Từ tâm nguyện “Tớ sẽ đi tìm các cậu”…
Khi nhận được hồi âm: “Bà ơi, con nhận được tin của bà, con mừng hơn vàng. Lâu nay, con không biết bố con ở đâu, nhờ thư của bà mà con biết bố con chết ở đây. Đến một ngày nào đó, con sẽ vào đấy để tìm bố”, bà tin rằng, công sức mình bỏ ra là hoàn toàn xứng đáng.
Trong những năm tháng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất ở chiến trường miền Nam, miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc, làm nhiệm vụ chi viện lực lượng, vật chất cho miền Nam. Thời bấy giờ, bà Mai Thị Tuyết nguyên là xã đội trưởng xã Hải Chính (H.Hải Hậu, Nam Định), là người phụ nữ đầu tiên làm công tác chỉ huy chiến đấu ở phía Bắc.
Chiến tranh đi qua, hòa bình lập lại, bà theo chồng Nam tiến định cư, công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam TP.HCM. Cuộc sống của bà cứ bình lặng trôi đi. Năm 2003, bà có dịp trở về thăm quê, trở lại nơi chiến đấu cũ. Điều khiến bà xót xa nhất là những người bà đã vận động và đưa đi vào chiến trường miền Nam năm xưa đại đa số không quay trở lại. Số người trở về rất ít, không ít người mang trên mình thương tật do chiến tranh để lại, cuộc sống rất chật vật và khó khăn.
Bà Mai Thị Tuyết, nữ cựu chiến binh đã viết hơn 14.000 bức thư cho thân nhân liệt sĩ
Nghĩ mình may mắn được nhìn giây phút đất nước thống nhất, trong khi đó, những người anh em từng kề vai, sát cánh cùng bà đã nằm lại ở chiến trường. “Họ ra đi không phải vì tôi mà vì đất nước, vì nghĩa vụ thiêng liêng của tuổi trẻ, nhưng dù sao tôi cũng có một phần trách nhiệm. Ngày đó, chính tôi là người đã đưa anh em đi vào trận chiến. Tôi ra nghĩa trang, thắp cho các anh một nén nhang và tự nhủ với lòng mình “Tớ sẽ đi tìm các cậu”, bà Tuyết nhớ lại.
Nói là làm, đầu năm 2004, bà bắt đầu “khăn gói” lên đường thực hiện tâm nguyện của mình. Đôi chân của bà đã rong ruổi khắp các tỉnh miền Đông Nam Bộ để tìm thông tin những người đã mất từng làm nhiệm vụ tại các đơn vị Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4).
“Trong giấy báo tử tôi được tiếp xúc, chỉ có ghi vỏn vẹn mấy dòng: ‘Hy sinh ở mặt trận phía Nam, mai táng gần đơn vị’. Gia đình liệt sĩ không biết con em họ, người thân của họ nằm ở đâu. Lúc đầu, tôi đi tìm mộ ở các nghĩa trang liệt sĩ. Hơn 1.000 lá thư được gửi đi nhưng dường như không có kết quả, vì tên tuổi liệt sĩ đã ghi vào mộ rồi, đại đa số người ta đã biết.
Tôi quyết định tìm nơi mai táng lúc hy sinh của các liệt sĩ. Đầu tiên, tôi chỉ làm ở tỉnh Nam Định (quê hương của bà Tuyết - NV), sau đó mở rộng địa bàn hơn ở nhiều tỉnh, thành khác. Từ tỉnh Cao Bằng cho đến các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình…”, người nữ cựu chiến binh hồi ức lại.
Hàng tháng, sau khi lĩnh số tiền lương thương binh, bà lại lên đường. Ở những địa điểm gần như: Tây Ninh, Đồng Nai… bà đi về trong ngày. Những nơi ở xa hơn, không về kịp, bà phải ở lại qua đêm. Cứ khi nào hết tiền thì bà về nhà, đợi lĩnh lương xong, bà lại đi tiếp. Cuộc hành trình của bà miệt mài 8 năm như vậy. Đến năm 2013, bà mới có đầy đủ thông tin tên, tuổi, quê quán, đơn vị và nơi hy sinh hoặc nơi an táng của các liệt sĩ và bắt đầu ngồi lại để viết và gửi thư cho từng gia đình ở miền Bắc. Đến hôm nay, bà đã gửi xấp xỉ 14.000 lá thư cho các gia đình.
Đến… chấp nhận nhiều thương đau để tìm mộ liệt sĩ
Là một phụ nữ đã qua tuổi ngũ tuần, một mình gồng gánh trên vai trách nhiệm không hề đơn giản, bà đã trải qua nhiều biến cố và không ít những gian nan, thử thách. Bà kể: “Ban đầu, việc tìm mộ liệt sĩ của tôi bị cản trở rất nhiều. Tôi đến Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để xin thông tin nhưng người ta không cho, và đặt nhiều hoài nghi không hay. Nhưng tôi luôn kiên trì, chỉ muốn góp chút công sức nhỏ nhoi cho đồng đội, cho thân nhân của các gia đình liệt sĩ mà thôi”.
Bà nói tiếp: “Vào Sở, các anh cung cấp ít lắm. Tôi phải vào đơn vị của trung đoàn, tìm nơi liệt sĩ được mai táng lúc hy sinh. Danh sách đầy đủ tôi có được là do ông Nguyễn Sỹ Hồ cung cấp. Ông ấy không có đủ điều kiện để viết thư cho các gia đình liệt sĩ với đồng lương ít ỏi của mình. Vả lại, thư đi thì nhiều mà thư hồi âm thì ít. Ông ấy không hiểu được các địa danh cũ hiện nay đã thay đổi, chưa kể, thân nhân của liệt sĩ cũng đã mất, người đưa thư không đủ nhiệt tình… cho nên thư mất”.
Hàng trăm vạn khó khăn nhưng bà Tuyết vẫn không nguôi hy vọng. Bà tìm địa chỉ mới của thân nhân liệt sĩ. Không tìm được người thân, bà gửi thư cho UBND xã, nhờ các anh hỗ trợ, giúp đỡ. Có nhiều đơn vị rất nhiệt thành, không chỉ giúp bà đưa thư, tìm hiểu thông tin mà còn gọi điện cho bà để nói “Bà ơi, bà xem xã con còn có những ai nữa, bà báo giúp cho con nhé”. Đó là động lực lớn lao, bà cảm nhận được niềm vui và niềm mong mỏi, hy vọng của thân nhân liệt sĩ dành cho mình. Thế nên, bao nhiêu phiền muộn tan biến hết, bà lại có thêm “sức mạnh” để bước tiếp trên hành trình của mình.
Thế nhưng, trên hành trình ấy, bà nhận ra nhiều nỗi đau xót khác, đó là không ít người chưa thấu hiểu được sự hy sinh, mất mát của các các gia đình liệt sĩ, nỗi đau đáu tìm được mộ người thân. Và vì thế, những bức thư tay và thông điệp trong thư bà chia sẻ không được đến tay người nhận. Thậm chí có những xã họ xé, vứt thư vào thùng rác. “Cô lao công của xã đó, thấy được thư, mới báo cho gia đình liệt sĩ. Có khi, xã đội trưởng không đưa thư cho dân, họ để vào trong cặp táp của họ. Thư đi đã lâu mà không có hồi âm, tôi trở về xã hỏi thăm người dân, mới biết rõ thực hư. Tôi phải trực tiếp trao trả hồ sơ cho họ lần nữa”, bà Tuyết run run nói.
Bà hồi ức lại, bà đã trải qua rất nhiều lời đe dọa, ngăn cản của những đối tượng trục lợi trong việc tìm hài cốt liệt sĩ khi biết bà thực hiện công việc này. Nhưng, bà kiên quyết bảo: “Anh không cấm được trái tim tôi. Tôi đang làm cho liệt sĩ đấy, nếu anh là một cựu chiến binh chân chính, anh thương đồng đội, tại sao anh biết tin mà không đưa tin...”.
Thậm chí, bà Tuyết từng nhận tin nhắn dọa giết “mày đang giẫm chân trên mũi dao của bọn tao đấy. Bọn tao sẽ cho mày biết bọn tao là ai. Tao đang ở gần nhà mày. Tao chờ cơ hội xử mày đấy”. Và, chúng cho một số người đi xe ô-tô đến quần khu vực nơi bà ở, chủ yếu cho mọi người biết là đang “săn” bà Tuyết để áp đảo tinh thần của bà. “Nhưng lúc ấy, tôi chỉ nghĩ rằng, nếu giờ nó có giết mình thì 14.000 lá thư cũng đã đến với các gia đình liệt sĩ. Tôi có chết cũng không có gì ân hận, nuối tiếc”, bà nhớ lại.
Để có thể đưa những bức thư đến với thân nhân các liệt sĩ, bà đã nén rất nhiều nỗi niềm riêng. Khi bà bắt đầu hành trình tìm một liệt sĩ không bao lâu thì người con thứ hai của bà mất. Năm 2013, lúc bà bắt đầu viết thư cũng là lúc việc làm ăn của con trai lớn thất bại, gia đình bị phá sản.
Với đồng lương ít ỏi không đủ nuôi 3 miệng ăn, bà phải quang gánh hột vịt lộn, chè đỗ ra đầu hẻm bán. Cuộc sống của bà lúc ấy thực sự rất khó khăn. Có những bữa ăn đạm bạc thôi nhưng bà vẫn phải tiết kiệm để dành cho công việc tìm các liệt sĩ. Cứ thế, bà chắt chiu từng đồng, mua phong bì, tem thư và viết thư gởi đi khắp nơi.
Hành trình tâm linh thầm lặng đi tìm đồng đội, giúp gia đình thân nhân liệt sĩ tìm lại người thân… của bà đã đóng góp rất lớn cho hàng ngàn gia đình. Công việc ấy “tỏa sáng giữa đời thường”. Như, bà nói, nếu có phút giây nào đó bà lãng quên đồng đội, hoặc lãng quên tâm nguyện “Tớ sẽ đi tìm các cậu” thì bà cũng sẽ khó lòng thực hiện được công việc gian nan này...