GN - Hơn hai tuần qua, ở nhiều nơi, Đại lễ Kính mừng khánh đản của Đức Phật lần thứ 2.641, Phật lịch 2561 diễn ra trong niềm hân hoan tôn vinh tuệ giác của Đức Thế Tôn, dư âm vẫn còn trong lòng hàng triệu người con Phật…
Thông điệp của sự thật vượt thời gian và không gian
Đại lễ Kính mừng Phật đản là sự kiện “đến hẹn lại lên”, nhưng không vì thế mà trở thành nhàm chán, ngược lại, luôn đem đến nhiều cảm xúc cho người con Phật cũng như những ai yêu mến nếp sống an lạc - hạnh phúc ít bị điều kiện hóa, đầy tình thương và trí tuệ mà Đức Phật đã thuyết giảng.
Những cảm xúc hân hoan, vui tươi được nhân rộng khắp nơi trong gần hai mươi năm trở lại đây, khi mà Liên Hiệp Quốc công nhận Ngày Vesak - kỷ niệm Đức Phật Đản sinh, Thành đạo và Nhập diệt là sự kiện văn hóa, tâm linh của toàn nhân loại. Sự tôn vinh ấy minh chứng về tính chất hòa bình của đạo Phật đã được lịch sử nhân loại ghi nhận suốt hơn hai ngàn sáu trăm năm qua. Điều đó cũng có nghĩa là tôn vinh giá trị nhân văn, nhân bản và khả năng kiến tạo hòa bình, an lạc, hạnh phúc của con người mà Đức Phật đã dạy.
Đại lễ Phật đản được tổ chức trang nghiêm, long trọng tại Việt Nam Quốc Tự - TP.HCM - Ảnh: Vũ Giang
Qua các thông điệp nhân Ngày Vesak, lãnh đạo Liên Hiệp Quốc, UNESCO cũng như một số lãnh đạo các quốc gia đã khẳng định những lời dạy của Đức Phật là giải pháp cho những khủng hoảng trầm trọng hiện nay về môi trường sinh thái, đạo đức lối sống, đe dọa nền hòa bình thế giới… đang thách thức sự tồn vong của nhân loại trên trái đất này. Đại lễ Phật đản - Ngày Vesak chính là cơ hội để tất cả cùng suy ngẫm lại, tìm kiếm giải pháp đích thực và lâu bền trong mục đích mà Đức Phật đã nhấn mạnh trong tất cả kinh điển, đó là vì lợi ích, an lạc cho số đông.
Chính vì vậy, qua truyền thông, chúng ta thấy khắp nơi, từ châu Á đến châu Phi, châu Âu, châu Mỹ…, từ trụ sở của Liên Hiệp Quốc đến các quốc gia, vùng lãnh thổ, sự kiện này được tổ chức trở thành một lễ hội văn hóa, tâm linh vừa thiêng liêng nhưng đầy vui tươi trong tinh thần đó. Và cũng do vậy, nó luôn mới, hài hòa, đem lại nhiều cảm xúc cho nhiều người.
Những hình ảnh ấn tượng
Những ngày qua, với mạng lưới phóng viên, cộng tác viên dù đang còn khiêm tốn, nhưng chỉ với những gì phản ánh trên các ấn phẩm, đặc biệt cập nhật liên tục trên Giác Ngộ online, đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều người.
Thật xúc động với lễ hội Hoa sen mừng Phật đản tại Hàn Quốc rộn ràng, hoan hỷ những năm gần đây có sự hiện diện của đoàn diễu hành là Tăng Ni, Phật tử các thế hệ với Đạo kỳ và Quốc kỳ Việt Nam cùng xe hoa biểu tượng chùa Một Cột trên các đường phố ở thủ đô Seoul và các tỉnh thành khác.
7 đóa sen huyền nhiệm mừng Phật đản trên sông Hương, cố đô Huế - Ảnh: Ngô Thúy Hồng
Ở trong nước, từ mừng Đại lễ Phật đản - Vesak Liên Hiệp Quốc 2008 lần đầu tiên do Chính phủ Việt Nam đăng cai tổ chức, tại cố đô Huế các Tăng Ni trẻ đã sáng kiến thực hiện 7 đóa sen khổng lồ trên sông Hương thơ mộng và làm lễ thắp sáng thiêng liêng, thì đến nay, biểu tượng cho sự thị hiện của Đức Phật trong cuộc đời qua bảy bước đi đầu tiên sau khi đản sinh đã được nhân lên, hiện diện tại Hội An, Đà Nẵng, TP.HCM - trên dòng kênh Nhiêu Lộc được hồi sinh, và năm nay lần đầu tiên có mặt tại hồ Xuân Hương của TP cao nguyên Đà Lạt.
Lần đầu tiên năm nay, Phật giáo TP Đà Lạt thiết trí 7 đóa sen khổng lồ mừng Phật đản trên hồ Xuân Hương
- Ảnh: Thích Hạnh Định
Hoa sen trong tâm thức của số đông mặc nhiên được xem là biểu trưng cho tinh thần phụng sự của đạo Phật. Hoa sen cũng đã từng được số đông đề nghị là Quốc hoa của Việt Nam. Bảy đóa sen dẫu không có bất cứ một hình ảnh tôn giáo nào thì cũng được hiểu đó là bảy bước chân của Đức Phật, pháp thân của Đức Phật trên thế gian này.
& đóa sen trắng mừng Phật đản trên kênh Nhiêu Lộc - Ảnh: Vũ Giang
Có thể nói, đây là hình ảnh ấn tượng, được rất nhiều người đồng thuận đánh giá cao trong mùa Phật đản năm nay - mùa sen nở tỏa hương thơm ngát các miền quê của đất nước. Hình ảnh này cũng được hiểu những gì mà Đức Phật thuyết giảng thiết thực cho việc kiến tạo hạnh phúc thực sự của con người, vượt lên cả những quy tắc tôn giáo thông thường và được thế giới tôn vinh.
Không thể không nhắc đến nghi thức thiêng liêng rước Phật đản sinh bằng hình thức diễu hành đi bộ tại TP.HCM mới được tổ chức những năm gần đây, cũng như tại cố đô Huế, thủ đô Hà Nội và Quảng Nam trong mùa Phật đản vừa qua. Qua thống kê của Giác Ngộ, đó là một trong những thông tin Phật đản được nhiều người quan tâm theo dõi cũng như bày tỏ nhiều cảm xúc nhất.
Vài điều bất thường nhỏ
Người viết muốn nói “bất thường”, bởi những sự vụ này là cá biệt và không ảnh hưởng đến không khí hân hoan chung. Đó là việc UBND xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn - TP.HCM ra công văn trong đó có yêu cầu “Không được treo cờ, biểu ngữ, pano ngoài phạm vi khuôn viên của các cơ sở tự viện của GHPGVN, không được treo băng ngang đường, trên các vỉa hè, lòng đường gây mất mỹ quan đô thị để nhằm góp phần giữ gìn trật tự an toàn giao thông, tạo mỹ quan đô thị, giúp các tuyến giao thông được thông thoáng, sạch đẹp…”. Công văn này đã được Tăng Ni, Phật tử phản ánh lên Giáo hội TP.HCM, và chính ông Trưởng ban Tôn giáo TP cũng đã đề nghị chính quyền xã Bà Điểm thu hồi kịp thời, qua phát ngôn của chính vị đứng đầu cơ quan quản lý về tôn giáo TP mà báo Giác Ngộ đã đăng tải.
Tại TP.Đà Nẵng, UBND xã Hòa Khương (H.Hòa Vang) cũng ra một văn bản hướng dẫn thực hiện chỉ thị của Phòng Nội vụ huyện Hòa Vang tại Văn bản số 645/UBND-NV ngày 25-4-2017, “về việc hướng dẫn quản lý lễ Phật đản PL.2561 - DL.2017”; tại điểm 2, chính quyền xã đã yêu cầu: “Các cá nhân đạo hữu Phật tử đang sinh hoạt tại chùa cơ sở nếu có nhu cầu lập hương án, treo cờ Tổ quốc, cờ Phật giáo đón mừng Đại lễ tại nhà riêng thì phải xin phép UBND xã Hòa Khương để được hướng dẫn và chỉ thị thực hiện trong khuôn viên nhà ở trong thời gian từ ngày 3-5-2017 đến hết ngày 11-5-2017 (nhằm ngày 8 đến ngày 16 tháng Tư năm 2017 âm lịch” (trích văn bản, chỗ in đậm là của GN).
Ở tỉnh cao nguyên Gia Lai, Sở Nội vụ cũng đã ra Công văn 119/SNV-BTG, trong đó “Không chấp thuận treo cờ Phật giáo tại tư gia Phật tử...”.
Nhiều Phật tử đã phản ánh về tòa soạn Báo Giác Ngộ, phản ứng rằng chỉ thị của chính quyền xã Hòa Khương và Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai tại các văn bản trên là không phù hợp với quyền tự do tín ngưỡng, quyền được bày tỏ tình cảm tôn giáo của công dân được quy định trong Hiến pháp Việt Nam cũng như các pháp lệnh về tôn giáo hiện hành. Trao đổi với ĐĐ.Thích Huệ Chấn, Trưởng BTS GHPGVN H.Hòa Vang qua điện thoại ngày 6-5-2017, chúng tôi được Đại đức xác nhận thông tin tại xã Hòa Khương và cho biết BTS PG huyện đã làm việc với Phòng Nội vụ H.Hòa Vang về vấn đề trên, lãnh đạo Phòng Nội vụ cho biết sẽ đề nghị thu hồi Văn bản 645/UBND-NV. Đại đức Trưởng BTS cũng cho biết thêm, sau Đại lễ Phật đản này, BTS PG huyện cũng sẽ đăng ký làm việc với Phòng Nội vụ huyện về những vấn đề liên quan tới quản lý tôn giáo trên địa bàn huyện.
Dù là những “bất thường” chỉ ở hai xã ở hai tỉnh thành và một sở cấp tỉnh, một thuộc TP.HCM và một ở TP.Đà Nẵng mà Tăng Ni, Phật tử phản ánh, nhưng trong môi trường truyền thông hiện nay, nếu không được xử lý kịp thời sẽ dễ đưa đến những hậu quả không tốt trong dư luận, ảnh hưởng đến chính sách về tự do tôn giáo ở nước ta, tạo nên sự hoang mang cho người có tín ngưỡng đạo Phật.
Một cách tổng quan, may mắn là những điều bất thường trên đã không làm mất không khí hoan hỷ kính mừng Đại lễ Phật đản, một sự kiện lớn không chỉ được tổ chức ở các quốc gia và vùng lãnh thổ, mà còn được tổ chức, tôn vinh tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc và tại các trung tâm, chi nhánh của tổ chức quốc tế này, cũng như các quốc gia thành viên ở năm châu, như Nghị quyết đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua trong phiên họp khoáng đại ngày 15-12-1999. Xin mượn lời thơ của Thiền sư Nhất Hạnh để nói lên cảm xúc của người có tín ngưỡng đạo Phật nhân ngày Phật đản:
Thế Tôn là tình yêu đầu
Thế Tôn là tình yêu tinh khôi
Nghĩa là không bao giờ
Sẽ cần tình yêu cuối
Người là dòng sông tâm linh
Tuy đã từng chảy qua
Hàng triệu kiếp luân hồi
Nhưng luôn luôn còn mới”…