Đêm 3/2, trên các con đường Nguyễn Thị Minh Khai, Phạm Ngọc Thạch tràn ngập những tấm thư pháp, câu đối đỏ... bày bán thu hút người qua lại.
Say sưa theo hồn con chữ
Mê mải trò chuyện với khách về bức thư pháp trên tường, trông "ông đồ" trẻ Thiên Quyết già dặn chẳng khác ông đồ già ngày xưa. Không biết "cái thần" bức tranh ra sao, nhưng xem cái cách Thiên Quyết trò chuyện với khách hết sức nhập tâm cũng đủ hiểu người khách đã bị thuyết phục.
Với trăm bức tranh cùng chữ thư pháp bày bán, Thiên Quyết giải thích: “Mỗi tác phẩm đều có những ý nghĩa riêng. Cách hiểu của mình và của khách có khi theo những hướng khác nhau. Qua trao đổi, mình lại có thêm cái nhìn mới về tác phẩm do mình tạo ra, cho dù tranh có bán được hay không”.
Năm 2010, năm lên ngôi của loài hổ, nhiều ông đồ trẻ, trong đó có Quyết đều thu hút khách bằng những bức hình vẽ hổ. Theo Quyết, cái khó nhất là phải thể hiện được cái thần của loài động vật này. Không chỉ hình vẽ mà chữ viết, nét bút cũng phải thể hiện thần thái vừa mạnh mẽ, vừa uyển chuyển theo dáng con hổ.
Đang là sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM nhưng Quyết đã có thâm niên theo học thư pháp gần 10 năm nay. “Có nhiều lúc, tôi cũng nản, muốn bỏ cuộc vì không thể diễn tả được ý tưởng của mình ra giấy. Nhưng sự đam mê giúp tôi vượt qua cho đến bây giờ” - Quyết chia sẻ.
Thể hiện cái thần trên giấy đã khó, vậy mà, ông đồ trẻ Nguyễn Thanh Thái còn say mê học cách vẽ chữ trên đá. Theo Thái, vẽ chữ trên đá khó hơn trên giấy vì không thể có được những dải mực tinh tế. Chữ trên đá bao giờ cũng ít uyển chuyển hơn mà từng giọt mực chạm vào, đá hầu như hút hết vào lòng.
Dù khó khăn, nhưng Thái chưa một lần bỏ cuộc. Thậm chí, đã theo các ông đồ lớn tuổi hơn để học 5 năm trời.
Câu thư pháp “độc” của giới trẻ
Thông thường, những người khách đến mua tranh được các thầy đồ đưa cuốn sách tổng hợp nhiều câu đối, câu văn hay để chọn. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ trước khi "xin chữ" đã tự nghĩ ra cho mình những câu "không giống ai" khiến các ông đồ cũng phải bật cười. Thậm chí, có những câu, đến ông đồ trẻ còn phải cười ra nước mắt.
Có cô gái đến xin chữ, nghĩ hoài không ra câu gì hay, cuối cùng chọn câu: Bình tĩnh, tự tin, không cay cú. Âm thầm, chịu đựng, trả thù sau. Mới đọc câu đầu, ông đồ này còn chăm chú lắng nghe, nhưng đến câu thứ 2, ông vừa nhịn cười vừa thảo bức thư pháp.
Nhiều bạn trẻ khác lại thích dùng những câu như: “Thôi kệ, mọi chuyện rồi cũng qua” hay “Chẳng biết ngày mai sẽ ra sao. Nhưng nếu có sao thì cũng chẳng sao”... Thực tế hơn, có bạn còn nhờ ông đồ ghi lên móc gắn chìa khóa xe máy: mượn xe nhớ đổ xăng.
Khách đến "phố ông đồ" không chỉ có trẻ mà có nhiều người già, có cả em bé mới lên năm. Những người già thường thích câu đối đỏ, trẻ hơn lại thích tranh ảnh kèm chữ thư pháp để treo cho sang nhà cửa ngày Tết, tuổi mới lớn lại thích những câu ngắn gọn, nội dung dễ hiểu và vui nhộn.
Những hình ảnh "phố ông đồ" trong đêm đầu tiên: