Anh Gù chị Gù

GN - Chị gù, anh cũng gù. Hai người gù gặp nhau trong quán sinh tố của chị. Chị Gù là gương mặt quen của xóm này. Còn anh Gù, làm sao để tỏ, làm sao để biết đây. Anh mới tới đây vài bữa nay, biết anh là khách du lịch ghé qua thoáng chốc rồi đi hay là mới chuyển về nơi này, hoặc khách qua đường, sinh sống cư ngụ gần nơi đây. Chị nhìn anh như nhìn một người cùng chung cảnh ngộ. Chiếc lưng gù lên đằng sau lớp áo trông mới chật vật và khổ cực làm sao.

Nhưng làm sao để nói chuyện với anh, ánh mắt chị Gù nhìn ra xa thì không nói được với anh điều gì, anh cũng chẳng lại ngồi gần chỗ chị bán sinh tố để mà chị có cơ hội trò chuyện. Đến rồi đi như khách, như một cơn gió, tốp khách này đến rồi tốp khách kia đến. Chị quay cuồng với sinh tố bơ, sinh tố dứa, nước ép ổi, nước ép bưởi, có sữa không sữa, có đường không đường, ít đá nhiều đá. Vậy rồi thoáng thấy anh Gù đấy mà anh lại đi đâu. Cuối cùng mất tăm. Chị loay hoay nhận hàng trái cây mới gửi lên, kiểm tra trái cây, loại nào dùng được ngay, loại nào phải đợi tới ngày mai, rồi nói mấy đứa phụ quán sắp xếp bàn ghế. Chị còn liên kết với nhà đối diện bán nem nướng, chả cá, khách vào quán vừa tiện ăn nem vừa tiện gọi ly nước. Mặt bằng vì thế cũng mở rộng ra hơn.

FDA2B714-ADCE-4A52-A761-0540C484B206.jpeg

Chị lại gặp lại anh một lần nữa, khi đang ngoài quán, chẳng phải ở quán chị mà ở quán bún kề bên ăn sáng. Bà chị quán bún có đôi mắt không đều nhau, mấy đứa nhỏ hay cầm tờ tiền lại, xìa ra rồi nói, cho con hai tô bún bà lé. Bị quở mấy lần, nhắc nhở mấy lần mấy đứa nhỏ mới thôi. Trẻ con mà, biết gì, thấy người lớn nói gì thì nói lại y như thế thôi. Đến chị cũng bị gọi là sinh tố chị gù. Khác là thay bà bằng chị thôi, có gì đâu. Đứng tại quán bún, khi chờ lấy bịch bún, anh có quay sang nhìn chị rồi cười một cái. Chị cười đáp lễ rồi hỏi, anh ở đâu tới đây. Anh nói, mới dọn đến căn nhà trong hẻm. Anh chỉ vào cái hẻm hun hút tôi tối sát bên cạnh quán sinh tố của chị. Chị cười với anh lần nữa khi đưa tiền bì bún rồi đi, vì biết thế nào cũng còn gặp lại, nay đã thành hàng xóm rồi mà.

Chị Gù thân thiện. Cái thân thiện không phải từ dân buôn bán mà thân thiện thiệt sự, bởi chị Gù nghĩ mình đã không toàn vẹn về hình thức thì cũng nên niềm nở để mọi người thương yêu, buôn bán kiếm sống qua ngày. Chị chào anh Gù khi anh tới mua ly sinh tố hồng xiêm, nhưng chị can, anh đừng mua loại này, hôm nay nhập vào trái cứng đơ, không ăn được đâu, tui nói thiệt. Vậy là thôi, anh gọi ly khác, chanh dây, rồi sẵn ngồi bàn gần chỗ chị bán nhất, trò chuyện. Anh ở đâu tới đây, chị bán sinh tố lâu chưa. Chuyện nhà vòng ra chuyện xóm, chuyện người này tới chuyện người kia, nói đủ chuyện nhưng mãi đến khi anh Gù qua quán sinh tố tầm được hai ba tháng, chị Gù mới bắt chuyện, cái chuyện mà hai người vẫn đồng cảm với nhau mà không dám nói, anh bị gù từ khi nào, rồi mọi người đối xử với anh làm sao. Anh cởi mở và thành thật, ánh nhìn bao dung. Ngay từ khi sinh ra anh đã bị gù, mẹ anh vì kinh sợ với hình hài con mình, phút bồng bột đã bỏ anh ở lại trạm xá. Một cô y tá thương tình giữ anh ở lại và nuôi anh, thành mẹ anh, bây giờ anh cũng học theo nghề y, làm y tá để nhớ công ơn của bà. Vậy rồi vợ con anh làm sao, anh Gù nói thân anh cũng gặp may, dù mẹ đẻ không nhận anh ngay sau đó, nhưng cuối cùng anh cũng biết bản quán của mình, và cũng có quê nội. Vợ anh thương anh, không màng chuyện lưng gù, hai vợ chồng ở với nhau cũng được vài năm, rồi khi bà mẹ y tá của anh bị đau nằm một chỗ, anh bàn tính với vợ, mỗi người mỗi nẻo, vợ anh lo con cái ở nhà, anh qua chỗ mẹ chăm bà lúc tuổi già. Rồi công chuyện anh tính sao, anh Gù làm y tá, bây giờ tạm thời chuyển qua phòng khám của một người quen gần đấy. Hay nhỉ. Hay cái gì. Cuộc đời ấy, cứ như ly sinh tố này nè, trộn lẫn vào nhau, quấy tung lên, mà vẫn vị nào ra vị ấy, những người như tui với anh, vậy mà cũng có cuộc sống an ổn, bình lặng, dẫu đôi khi cũng nép mình.

Anh là đàn ông, cũng đỡ. Chị là đàn bà con gái, tự ti và buồn tủi nhiều cỡ nào. Anh giấu suy nghĩ trong đầu không nói ra. Chị vừa xúc đá vô tô, đưa cho mấy đứa phụ bàn mang ra cho khách vừa nói. Tui sinh ra may mắn hơn anh là vẫn còn ở với cha mẹ, nay tui chỉ còn cha thôi, cha tôi già rồi, ông cũng chạy bàn lặt vặt ở cái quán sinh tố này nè. Mấy cha con nương tựa nhau mà sống, tui cũng chẳng chồng con gì, ở với mấy đứa cháu ở quê ra, đứa nào không có việc làm thì tui kêu lên đây, vừa phụ bán vừa hủ hỉ cho vui. Hoặc không, mùa hè mấy đứa nhỏ không đi học, tui gọi lên đây hết, vừa chơi với tui, vừa nhìn ngó cho biết đó biết đây. Chị bán sinh tố không hề ngại ngần khi nói tới cái lưng gù của mình, nhưng mỗi người mỗi số phận. Có cái nghề để sống, để vượt qua, để vui một niềm vui nào đó là hay lắm rồi.

Vài hôm không thấy rồi vài tháng không thấy, chị Gù soi mãi trong đống khách của mình vẫn không thấy cái lưng gù nhô lên. Chị muốn tâm sự với anh nhiều hơn, muốn làm bạn với anh, dù chỉ mới gặp có vài lần nhưng chị cũng cảm mến con người anh, hình như anh có nét gì đó giống chị. Một tháng sau, anh Gù xuất hiện trên chiếc xe lăn. Chân anh bị gãy, và đôi chân vốn đã yếu rồi bây giờ thì bị vậy, thế thôi thì dùng xe lăn vậy. Anh Gù nói, anh đang gầy dựng một câu lạc bộ những người khó khăn, giúp họ có công ăn chuyện làm, cái này hồi phòng khám của một bác sĩ đã gầy nên, anh duy trì… Mặc dù chân đau, anh vẫn đi xe lăn đến chỗ những người trong câu lạc bộ, người đang đánh giày, người may vá, người hớt tóc. Anh đến đấy và động viên, và chia sẻ… Vậy còn ai chia sẻ cho anh, anh quan tâm tới thiệt nhiều người, còn thân anh? Chị Gù nói, nghe đâu, hôm anh gãy chân nằm viện người ta có vô giúp anh tiền viện phí đúng không, vậy mà anh chia hết cho những người khó khăn cùng phòng. Anh Gù cười, chuyện có chi đâu mà chị nói như kinh thiên động địa. Ừ thì cũng chẳng có gì, nhưng cứ nghĩ thân anh cũng khó khăn, cũng hoàn cảnh, còn mẹ già, anh cũng tham gia câu lạc bộ giúp đỡ mọi người… vậy là đủ rồi chứ. Chị Gù thắc mắc. Anh Gù cười, chắc có lẽ sinh ra đã bị gù, rồi được người mẹ y tá nuôi dưỡng cho đến lớn nên lòng tôi lúc nào cũng nghĩ đến mọi người, nếu năm xưa mẹ không nuôi tôi thì làm sao có được tôi như ngày hôm nay, vả lại trong cuộc đời, tiền bạc đến rồi đi, còn kiếm ra được, nhưng trong phút chốc, những hoàn cảnh khó khăn không được ai đưa bàn tay giúp đỡ, níu lại thì họ sẽ đau buồn cùng cực đến cỡ nào, và cũng bởi thân tôi, tôi nghĩ, đấy cũng là một niềm vui, sống sao mỗi ngày đều là một ngày có ý nghĩa và mọi người nhớ đến mình, yêu thương mình. Chị Gù gật đầu, cái này thì chị đồng tình. Chị cũng bán sinh tố, nhưng cũng chẳng nhất thiết vì tiền, vì chị đâu chồng đâu con, chị có nhà nhỏ mặt đường với ông cha già, buôn bán cũng là một niềm vui, và niềm vui này chị có phần nhiều hơn cả.

Chị Gù nghĩ ra một ý. Hay anh Gù gọi những người có hoàn cảnh khó khăn đến, chị Gù sẽ giúp cho họ một việc làm, một chân chạy bàn, hay một tay xay sinh tố, hoặc qua quán bên kia đường nướng nem bán… Đấy cũng là một ý hay. Có phải những người cùng cảnh ngộ họ sẽ thấu hiểu nhau, và dần dà, họ tập thấu hiểu những người xung quanh, như một mối duyên đẹp đẽ trong cuộc đời. Anh Gù và chị Gù ư, lưng gù nhưng trái tim họ thật đẹp, và nụ cười họ mới hiền hòa làm sao. Anh Gù nói, được, tôi sẽ liên hệ và báo ngay cho chị sắp xếp, rồi anh và chiếc xe lăn đi vào ngõ nhỏ, ở đó có người mẹ già y tá của anh, có lẽ, chiếc áo blouse trắng của mẹ anh đã làm nên một điều thật đẹp, gieo vào anh những ý nghĩ thiện lương đầu tiên của đời mình. Và không những vậy, còn lan tỏa đến nhiều người khác nữa, như chị Gù. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bà con vùng nhiễm mặn nhận nước lọc từ đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá

Đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá (TP.Vũng Tàu) trao 600 bình nước ngọt đến 300 gia đình tại Bến Tre

GNO - Sáng 24-4, đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá do Đại đức Thích Thiện Triều, Thư ký Ban Trị sự GHPGVN TP.Vũng Tàu (BR-VT) và Ni sư Thích nữ Phước Duyên, Phó trụ trì Linh Quang tịnh xá (TP.Vũng Tàu) tiếp tục trao 600 bình nước ngọt đến các xã đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt tại tỉnh Bến Tre.

Thông tin hàng ngày