Anh quốc: Bảo tồn bản kinh Pháp hoa cổ trên giấy

0:00 / 0:00
0:00

GN - “Mở khóa Di sản văn tự Phật giáo” (Unlocking Buddhist Written Heritage) là nội dung hội thảo chuyên đề do Thư viện Anh quốc tổ chức hồi tháng 2, quy tụ học giả thế giới chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn và phục hồi các bộ sưu tập kinh văn viết tay cổ xưa đang được lưu giữ tại thư viện này.


Trong số các hiện vật được khảo cứu có cuộn kinh Pháp hoa bằng giấy với niên đại từ thế kỷ thứ VII xuất xứ từ Trung Quốc, được phát hiện vào năm 1907.

1a.png

Một phần của cuộn kinh văn bị cháy nằm trong "Dự án số hóa bản thủ bút kinh Pháp hoa" do Thư viện Anh quốc đảm trách phục hồi

Theo đó, quy trình phục hồi và bảo tồn cổ vật quý này được chia sẻ bởi hai chuyên gia Mélodie Doumy và Marie Kaladgew của Thư viện Anh quốc. Documy chuyên tổ chức trưng bày các bộ sưu tập Trung Quốc, phụ trách các hiện vật văn hóa thuộc Trung Quốc, Con đường Tơ lụa, Phật giáo, lịch sử các bộ sưu tập và ngoại giao văn hóa. Trong khi đó, chuyên gia số hóa và bảo tồn văn bản trên giấy cuộn Kaladgew đảm nhận nghiên cứu so sánh, đối chiếu phương pháp, kỹ thuật bảo tồn của châu Á và phương Tây.

Từ việc phục hồi, ý nghĩa lịch sử và văn hóa quan trọng của cổ vật được gợi mở

Các hoạt động bảo tồn nói trên nằm trong Dự án Quốc tế Đôn Hoàng (International Dunhuang Project - IDP) nhằm số hóa và phát hành trực tuyến gần 800 bản kinh Pháp hoa tiếng Trung Quốc - dự kiến hoàn tất vào năm 2022. Công trình này được tiến hành từ năm 2017 và sẽ được kiểm tra, nghiệm thu vào giữa năm 2021.


Tại Thư viện Anh quốc, hiện vật được lưu trữ với mã Or.8.210/S.2364, là phẩm thứ 25 - Bồ-tát Quán Thế Âm trong bộ kinh Pháp hoa, theo bản dịch tiếng Trung Quốc năm 406 Tây lịch của Thiền sư Cưu-ma-la-thập (344-413). Đồng thời, cổ vật Phật giáo này đã được xác nhận bán cho nhà thám hiểm, sưu tầm và nghiên cứu người Hungary gốc Anh Aurel Stein, cùng nhiều hiện vật văn hóa khác trong chuyến thám hiểm của ông đến Đôn Hoàng (Trung Quốc) năm 1907.

Các chuyên gia cũng chỉ ra hành trình của cuộn kinh giấy theo thời gian và không gian. Cụ thể, tác phẩm được phát hiện tại Hang động Ngàn tượng Phật, thuộc khu phức hợp Hang động Mạc Cao - gần Đôn Hoàng (tỉnh Cam Túc, Trung Quốc). Là trung tâm diễn ra các hoạt động kinh tế, chính trị và văn hóa khu vực lục địa Á - Âu, giữa các hành trình của Con đường Tơ lụa phía Bắc và phía Nam, Đôn Hoàng phát triển thịnh đạt trong khoảng thế kỷ IV-XIV, với ảnh hưởng đa văn hóa từ Trung Á, Ấn Độ, Tây Tạng. Trong thời gian này, Mạc Cao trở thành trung tâm nghệ thuật và tín thờ Phật giáo; tuy nhiên đến thế kỷ XX, khu phức hợp được bảo hộ bởi một tổ chức tư nhân. Được biết đến với tên gọi Hang động 17 - Hang động Thư viện Đôn Hoàng cũng là “nơi thờ tự và cầu nguyện của tín đồ Phật giáo, chứa đựng kho báu gồm hàng chục ngàn văn bản khắc trên đá, các bức bích họa và nhiều hiện vật khác” - theo kết quả khảo cổ.

Một số giả thiết cho thấy hang động này có thể từng bị cô lập vào thế kỷ XI và đa số các văn bản được tìm thấy nơi đây là kinh văn Phật giáo, bên cạnh các hiện vật mang văn tự thuộc nền văn hóa dân gian thời kỳ trung cổ.

Theo Doumy, Cuộn kinh giấy Pháp hoa không chỉ mang ý nghĩa khảo cổ học mà còn mở ra bối cảnh về phương thức sống của cộng đồng tôn giáo về mặt không gian và thời gian; đồng thời “nguyên tắc bảo tồn kinh văn đã phát triển tương tự như sự phát triển của y học, khai thác các kỹ thuật hình ảnh và phân tích khoa học” - chuyên gia khẳng định.

Các nhà phục hồi gợi ý, chất liệu chính của cuộn kinh giấy từ xơ tre, mực viết carbon, chấm kết thúc câu bằng mực màu đỏ. Hiện vật được tạo thành từ nhiều trang giấy, cuộn quanh một lõi gỗ trung tâm. Đây là vật thiêng liêng, được dùng trong các nghi lễ Phật giáo và cũng là hiện vật khảo cổ học được chuyền tay nhiều lần, từ khi được tạo tác cho đến khi được phục hồi, bảo tồn qua nhiều hành trình khác nhau.

Bên cạnh đó, các vệt cháy sém và vệt dầu trên cuộn kinh bộc lộ bằng chứng liên quan đến nghi thức tôn giáo. Các dấu tích của nước và mốc cho thấy hiện vật này được cất giữ trong môi trường hang đá - thiếu sự thông thoáng, ẩm độ cao hoặc từng trầm mình trong nước ngập. Những dấu tay lưu lại cung cấp giả thiết và thông tin quan trọng về quá trình chế tác, sự đa dạng về chất lượng và nguồn gốc của giấy. Uế bẩn của loài dơi, chim chóc trên hiện vật gợi ý về nơi lưu giữ cuộn kinh; các nếp gấp cho thấy mức độ thường xuyên và tần suất cuộn kinh được sử dụng theo thời gian.

Những thách thức trong công tác bảo tồn cổ vật Phật giáo

Từ quan sát thực trạng cuộn kinh giấy, các chuyên gia chỉ ra hai bằng chứng về nỗ lực bảo vệ cuộn kinh này của người sử dụng - đó là việc sử dụng loại thuốc nhuộm màu vàng, phủ trên bề mặt các trang kinh để ngăn sự xâm hại của côn trùng và sản sinh nấm mốc; việc tái sử dụng giấy làm từ xơ tre, đắp vá các trang kinh để khắc phục tình trạng cuộn kinh bị hư hoại.

Nhằm đảm bảo kết quả tốt nhất, các chuyên gia dành nhiều thời gian phản biện và thống nhất phương thức bảo tồn. Từ đó, các phương pháp sửa chữa được sàng lọc cẩn thận, chú trọng việc ổn định hiện vật, tiếp xúc nhẹ nhàng và tránh làm nghiêm trọng thêm những hư hỏng vốn có. Các chuyên gia cũng cố gắng cải thiện và duy trì sự hiển thị tốt nhất của văn bản trên các trang kinh. Các vết vá cũ, vết nước và ố bẩn không cần thiết phải bị xóa đi hay làm sạch bởi đây là bằng chứng ghi nhận hành trình dịch chuyển của cuộn kinh - Kaladgew nhấn mạnh.

Cuộn kinh Pháp hoa không ở trạng thái tốt khi được xử lý với những phần giấy không an toàn để cuộn hoặc gỡ cuộn, các vết dầu ố làm cho một số trang giấy trở nên giòn hơn. Giấy của cuộn kinh không còn chất lượng nguyên liệu ban đầu, trở nên thô ráp; keo dán hầu như không thể kết dính với các bề mặt giấy, làm biến dạng cuộn giấy, các vệt dán chồng chéo lên nhau gây ra sự biến dạng, mòn rách. Trước thực trạng này, các chuyên gia phục hồi chọn cách can thiệp linh động và phù hợp đối với cuộn kinh. Quy trình “điều trị” được bắt đầu bằng việc đánh giá nội dung và mức độ can thiệp, cân nhắc kỹ lưỡng giữa tác dụng và rủi ro khi can thiệp. Công tác phục hồi và bảo quản cũng bị hạn chế bởi nhiều tác nhân bên ngoài như thời gian, tiền bạc, sự hiểu biết và phân tích kỹ thuật chuyên ngành.

Bằng các kỹ thuật nghiệp vụ chuyên biệt, đội ngũ chuyên gia đã cẩn trọng trong từng thao tác bảo tồn đối với di sản quý này. Sự đối thoại và hợp tác chặt chẽ giữa các chuyên gia phục hồi và người tổ chức trưng bày hiện vật trong quá trình thực hiện đã chứng minh cho giá trị của công trình bảo tồn cuộn kinh giấy cổ xưa này. Trong các lựa chọn kỹ thuật và thao tác phục hồi, ưu tiên hàng đầu được đặt ra là không làm sai lệch sự hiểu biết về hiện vật này ở người sử dụng hay các nhà thẩm định trong tương lai, các chuyên gia đã hạn chế tối đa những thay đổi hình dạng bên ngoài của bản kinh. Đặc biệt, can thiệp kỹ thuật chỉ được áp dụng khi thực sự cần thiết - đây là những quyết định không hề dễ dàng, trong khi các thông tin liên quan đến “đời sống” của các hiện vật trong bộ sưu tập cần được phản ánh chân thật trong hệ thống danh mục của thư viện với ghi nhận đầy đủ về những sửa chữa đã được thực hiện trong việc “kéo dài sự sống” của các hiện vật tôn giáo cổ xưa mang giá trị lịch sử và khảo cổ học quan trọng.

Trần Trọng Hiếu / Báo Giác Ngộ

(theo The Buddhist Door, The British Library)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày