Hội nghị Khoa học, Thiền định và Chánh niệm tại Bhutan

Hội nghị Khoa học, Thiền định và Chánh niệm tại Bhutan diễn ra từ ngày 3 đến 6-6
Hội nghị Khoa học, Thiền định và Chánh niệm tại Bhutan diễn ra từ ngày 3 đến 6-6
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Vừa qua, Hội nghị Khoa học, Thiền định và Chánh niệm, một sự kiện được mong đợi nhất tại Bhutan, đã chính thức khai mạc tại thủ đô Thimphu trong không khí trang nghiêm, và ấn tượng bởi sự kết hợp giữa lễ nghi truyền thống và tinh thần tiến bộ hiện đại.

Diễn ra từ ngày 3 đến 6-6, sự kiện kéo dài bốn ngày này là hội nghị Phật giáo quốc tế lần thứ năm của Vương quốc Bhutan, do Trung ương Tăng đoàn Bhutan (Zhung Dratshang) phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Bhutan và Hạnh phúc Quốc gia (CBS) tổ chức.

Vượt lên trên khuôn khổ truyền thống của các diễn đàn quốc tế trước đây với trọng tâm xoay quanh Phật giáo Kim cương thừa, lần tổ chức thứ năm này đã mở rộng vòng tay đón nhận những tiếng nói từ mọi truyền thống Phật giáo cũng như từ các ngành học thế tục ở khắp nơi trên thế giới. Hội nghị quy tụ gần 500 đại biểu, khách mời, học giả và diễn giả đến từ Bhutan và nhiều quốc gia như Hồng Kông, Hungary, Ấn Độ, Nhật Bản, Latvia, Myanmar, Nam Phi, Thái Lan, Ukraine, Venezuela, Hoa Kỳ, cùng nhiều nước khác.

Thành phần tham dự bao gồm các học giả uy tín, nhà khoa học, triết gia, hành giả của Kim cương thừa và các bậc trưởng lão tinh thần từ nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau. Họ cùng trình bày, khảo sát và thảo luận về các phương pháp thực hành, tư tưởng và quan điểm Phật giáo, nhằm mở ra những cuộc đối thoại liên ngành, đem ngọn đèn trí tuệ của giáo pháp cổ xưa để soi sáng các khía cạnh khác nhau của công nghệ, nghiên cứu và đời sống xã hội trong thế kỷ XXI.

Các thành viên của Hoàng gia Bhutan và chư Tăng lãnh đạo Trung ương Tăng đoàn quang lâm hội nghị
Các thành viên của Hoàng gia Bhutan và chư Tăng lãnh đạo Trung ương Tăng đoàn quang lâm hội nghị

Phát biểu trong buổi gặp gỡ thân mật trước thềm hội nghị, Thủ tướng Bhutan Tshering Tobgay đã chia sẻ nhiều suy ngẫm sâu sắc về giá trị bền vững của các thực hành Phật giáo trong xã hội đương đại. “Nếu tâm trí xao động, các mối quan hệ sẽ đổ vỡ; và nếu trái tim nặng trĩu, thì ngay cả công nghệ tối tân nhất cũng không thể đem lại cho con người bình an và hạnh phúc”, ông nhấn mạnh và đồng thời cũng khẳng định rằng ngay cả những phương pháp căn bản như thiền định và chánh niệm cũng đã chứng minh hiệu quả rõ rệt đối với những ai kiên nhẫn hành trì.

Ông cũng nhận định rằng những bất ổn về khí hậu, bất công xã hội và áp lực tinh thần không phải là những vấn đề riêng biệt. “Để giải quyết, không chỉ cần chính sách hay công nghệ, mà còn cần một sự hiểu biết sâu sắc hơn về bản thân, các mối quan hệ, và thế giới mà chúng ta đang sống, và đó chính là cốt lõi của chánh niệm”.

“Vì vậy, một sự kiện mà ở đó khoa học gặp gỡ thiền định, nơi nghiên cứu kết nối với trí tuệ cổ xưa, là điều hết sức cần thiết. Khi chánh niệm trở thành một phong trào toàn cầu, chúng tôi hy vọng rằng xã hội sẽ hướng đến việc xem tâm thức vừa là cội nguồn, vừa là giải pháp cho nhiều thách thức hiện nay… Hội nghị lần này chính là sự phản ánh của tầm nhìn đó”, ông cho biết thêm.

Hơn 200 đại biểu quốc tế và 60 diễn giả toàn cầu đã cùng thảo luận về những chủ đề xoay quanh Phật giáo, nhằm tìm hiểu và đưa ra giải pháp cho các vấn đề cốt lõi của thế kỷ XXI, bao gồm: nghiên cứu thần kinh, trí tuệ nhân tạo, bảo vệ tâm lý và nhận thức, giáo dục và sức khỏe, mối liên hệ giữa môi trường và thực hành tâm linh, cũng như các nghiên cứu về đạo đức và ý thức.

Trước làn sóng thay đổi nhanh chóng về xã hội, môi trường, kinh tế và công nghệ, các diễn giả cũng tập trung vào việc làm thế nào những phương pháp thiền định có thể góp phần phát triển trí tuệ cảm xúc, sáng tạo, chữa lành nghiện ngập, hỗ trợ người có vấn đề về thần kinh và cải thiện sức khỏe tinh thần.

Trong một nghi lễ trang nghiêm và giàu tính biểu tượng, hội nghị đã chính thức khai mạc dưới sự hiện diện của hoàng thái hậu Ashi Dorji Wangmo Wangchuck, công chúa hoàng gia Sonam Dechan Wangchuck, Đức Vairotsana Rinpoche và Đức Dorje Lopen - Pháp chủ của Trung ương Tăng đoàn Bhutan.

Trong bài phát biểu khai mạc, Đức Dorje Lopen đã nhấn mạnh giá trị vô giá và năng lực chuyển hóa sâu sắc của Phật pháp đối với hành giả cũng như toàn xã hội nhân loại. “Phật giáo, nói một cách tổng quát, là giáo pháp được truyền dạy bởi bậc Đạo sư vĩ đại – Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Giáo pháp sâu rộng ấy có thể được quy về hai con đường: Kinh thừa (Sutrayāna) và Mật thừa (Mantrayāna), cả hai đều dẫn đến giải thoát. Kinh thừa là con đường căn bản, nhấn mạnh đến sự viên mãn của nhân duyên, trong khi Mật thừa - con đường thù thắng - chú trọng đến thành tựu và mục tiêu thực hành. Hai phương pháp này hợp thành một tiến trình đưa hành giả đến giác ngộ”.

Trên nền tảng Mật thừa, ngài nhấn mạnh vai trò thiết yếu của việc thanh tịnh hóa các ảnh hưởng tiêu cực và ổn định ba cửa: thân, khẩu, ý, để thiền định có thể phát huy lợi ích tối thượng.

Ngài giảng: “Chức năng của thân, khẩu, và ý có thể chia thành ba: ngoại tại, nội tại và tâm linh. Về mặt ngoại tại, dễ nhận thấy rằng ta nên tránh mọi hành vi gây hại. Trong bất kỳ pháp hành nào, tâm phải xa lìa tà kiến – những tư tưởng gây tổn hại cho mình và người khác”.

“Trong thiền quán hay các pháp hành có quán tưởng, tâm chính là đầu tàu điều khiển thân và khẩu. Khi tâm được an định và thanh tịnh, thân và khẩu sẽ tự nhiên hướng về hành vi thiện lành. Nhưng cũng chính tâm ấy kéo ta trở về quá khứ, hoặc dựng xây lâu đài ảo mộng trong tương lai. Vì vậy, trong thực hành, chúng ta không nên ngoái nhìn quá khứ, cũng không vội lên kế hoạch cho tương lai, mà nên nhất tâm đặt tâm vào hiện tại để không bị phân tâm hay lay động bởi cảm xúc phiền não. Nếu giữ được thân, khẩu, ý trong khuôn khổ đó, thì việc hành trì sẽ đúng pháp và mang lại lợi lạc”.

Trung tâm Nghiên cứu Bhutan và Hạnh phúc Quốc gia (CBS), đồng tổ chức hội nghị, là đơn vị trực thuộc Chính phủ Bhutan, chuyên nghiên cứu và điều phối các hoạt động liên quan đến triết lý phát triển “Tổng Hạnh phúc Quốc gia” (Gross National Happiness – GNH). Với dân số chỉ khoảng 727.145 người (theo điều tra dân số 2022), Bhutan là một trong những quốc gia nhỏ nhất và ít công nghiệp hóa nhất thế giới, nhưng lại có kinh nghiệm phong phú trong việc duy trì sự cân bằng tinh tế giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững – điều được phản ánh trong chính sách phát triển lấy hạnh phúc làm thước đo thay vì GDP.

Triết lý GNH do Quốc vương thứ tư của Bhutan – Jigme Singye Wangchuck – khởi xướng từ cuối thập niên 1970, dựa trên nền tảng văn hóa Phật giáo truyền thống của quốc gia. GNH gồm bốn trụ cột chính: quản trị tốt, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống, và bảo tồn môi trường.

Chủ tịch CBS, Dasho Karma Ura, đã có bài phát biểu chào mừng sâu sắc: “Tôi xin được phỏng diễn lời thi sĩ và bậc Thánh giả vĩ đại Jigme Lingpa thế kỷ XVIII, trong bài ‘Khúc ca của sự hội ngộ’ - bài hát được một nghệ sĩ của chúng ta thể hiện sáng nay. Ngài ví các đệ tử như những con công đáp xuống cây, và đó là một cây như ý – vì do nguyện lực và nghiệp duyên tương ứng – mà chúng ta đã cùng đến nơi này. Đây là cơ hội để chúng ta cùng uống dòng cam lồ (amrita) dòng pháp vị có năng lực trưởng dưỡng và giải thoát chúng ta. Trong bài ca ấy, tuy ở Tây Tạng, nhưng đối tượng là một người Bhutan, đệ tử chính của ngài”.

Ông cũng bày tỏ lòng kính ngưỡng sâu sắc đến hoàng thái hậu Bhutan và công chúa Sonam Dechan Wangchuck – những người đã cống hiến không mệt mỏi cho các cộng đồng thiệt thòi thông qua Quỹ Tarayana.

Các đại biểu tham dự hội nghị đã thảo luận về giải pháp cho các vấn đề thế kỷ với nguồn cảm hứng Phật giáo
Các đại biểu tham dự hội nghị đã thảo luận về giải pháp cho các vấn đề thế kỷ với nguồn cảm hứng Phật giáo

Bhutan – quốc gia Phật giáo Kim cương thừa cuối cùng còn tồn tại trên thế giới – nằm giữa hai cường quốc Ấn Độ và Trung Quốc. Truyền thống tâm linh này đã ăn sâu vào tâm thức và văn hóa Bhutan suốt từ thế kỷ thứ VIII khi Đại sư Liên Hoa Sanh truyền bá giáo pháp nơi đây. Khoảng 85% dân số Bhutan theo Phật giáo, chủ yếu thuộc các truyền phái Drukpa Kagyu và Nyingma của Kim cương thừa.

Kế thừa nền tảng tâm linh từ Hội nghị Kim cương thừa Quốc tế đầu tiên vào năm 2016, hội nghị lần thứ năm này tiếp tục khẳng định tầm quan trọng bất biến và tính ứng dụng rộng lớn của Phật pháp trong cả đời sống thế tục lẫn tâm linh. Các đại biểu sẽ tiếp tục những cuộc thảo luận xuyên ngành nhằm xây dựng nhịp cầu kết nối giữa trí tuệ cổ xưa và tri thức khoa học hiện đại – hướng đến một thế giới đầy từ bi, trí tuệ và bền vững cho tất cả chúng sinh.

(Phổ Tịnh tổng hợp, theo buddhistdoor.net)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Trí Huệ trao quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa Xuân An đến Đại đức Thích Quảng Thắng

Lâm Đồng: Chùa Xuân An có tân trụ trì

GNO - Sáng 4-7, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lâm Đồng tổ chức công bố quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa Xuân An (xã Bắc Bình, tỉnh Lâm Đồng) cho Đại đức Thích Quảng Thắng.

Thông tin hàng ngày