Ba cũng cõng nắng cõng mưa

GNO - Người ta thường nói: Ba gần con gái, mẹ gần con trai. Điều này cũng đúng với tôi. Nhưng một ngày khi xa cả ba, cả mẹ, tôi chợt nhận ra rằng mình cũng gần ba, như gần mẹ; có khác chăng là tôi chưa từng cầm lấy tay ba, ôm ba vào lòng như cách tôi cầm tay mẹ và ôm mẹ vào lòng...

slide-4.jpg

Ba và con - Ảnh minh họa

Cũng như bao người cùng thời ở quê, nội không có điều kiện cho ba ăn học đến nơi đến chốn, nên cuộc mưu sinh của ba cho gia đình nhiều nỗi chống chầy, cơ cực. Ba cưới mẹ, rồi ra riêng với đôi bàn tay trắng. Bốn đứa con lần lượt ra đời. Các con ba vì thế mà phải sớm có ý thức tự lập. Chị thay ba mẹ quán xuyến nhà cửa, trông coi em út. Và cái thùng sinh tố, mấy trăm đồng một bịch theo hai chị đến trường và rong ruổi khắp xóm trong, xóm ngoài.

Ngồi ngẫm lại, nhà mình làm không biết bao nhiêu nghề để mưu sinh. Ba mẹ cắt cỏn từng số tiền nhỏ nhoi kiếm được để xây nên ngôi nhà che mưa, che nắng đàng hoàng; để tụi con được học hành đến nơi đến chốn. Dù là khó khăn, là thiếu thốn nhưng ba mẹ đã làm hết sức mình, và tụi con cũng không dám đòi hỏi gì hơn. Vì con biết nếu muốn thêm thì ba mẹ sẽ thêm phần lao nhọc; và con biết ba mẹ thương tụi con nhiều gấp bao nhiêu lần những thứ ba mẹ cho tụi con.

Có những ngày sóng gió, và có những lúc người đầu tàu kiệt sức và mất phương hướng. Con thuyền yêu thương chao đảo trước những cơn sóng đời hung bạo. Sóng gió đi qua bao giờ cũng để lại những mất mát.

Vì không phải là Thánh nhân nên con người cần học cách tha thứ và hàn gắn yêu thương. Bởi trên đời này, dù cho vật đổi sao dời thì con cái vẫn là giọt máu của cha mẹ. Tình bạn có thể phai nhạt, tình yêu có thể đổi thay nhưng tình cha - con, mẹ - con là bất diệt. Nếu không phải thế, thì có lẽ người ta sẽ không nói: Lá rụng về cội hay Nước mắt chảy xuôi. Và dù trong mọi hoàn cảnh, con của ba cũng cố sống cho tốt để người đời không vin vào sự hỏng hóc nào mà bình phẩm hay cười chê đối với ba mẹ. Như cách mà nội vẫn nói về ba: “Chỉ có thằng Sáu là không làm tao lo, không làm tao khổ.”

Sắp sang tuổi lục tuần, da ba trổ đồi mồi, mặt ba nhiều nếp nhăn hơn và nhiều những vết chân chim như hằn lên những nỗi lo toan, nhọc nhằn với trách nhiệm của người cha. Rồi cũng đến ngày ba không phải lo chu cấp tiền ăn, tiền học cho con. Gánh nặng trên vai đã nhẹ dần và ba có thời gian sống cho mình nhiều hơn. Vậy mà lâu lâu về thăm nhà, ba lại cầm tiền cho con. Con không nhận, rồi ba bảo: “Con cầm đi, không là bao nhiêu, nhưng con cầm để biết dù cuộc sống có khó khăn nhưng ba mẹ vẫn ở bên cạnh”. Và con thấm thía hơn ý nghĩa - con dù lớn đến mấy vẫn là con của ba mẹ. Con biết, tiền ba kiếm được rất khó khăn, đó là mồ hôi và nước mắt của ba dưới cái nắng chang chang ngoài ruộng, ngoài đường. Cầm tiền ba cho mà con thấy xót xa quá.

Ba ơi, dù thực tại hay những tháng ngày đã qua có làm xa cách thâm tình thế nào đi chăng nữa thì con cũng hiểu cái khó, cái khổ mà ba phải bất lực chấp nhận; thế nên ba đừng vì thế mà nghĩ mình phải làm bất cứ gì để bù đắp hay hàn gắn những tổn thương chưa bao giờ là mong muốn của ba.

Đúng là có lúc con đã giận ba, giận ba nhiều lắm; nhưng khi con về nhà, nhìn khuôn mặt gầy gò sương gió của ba, con thấy lòng thanh thản hơn vì con biết ba vẫn luôn thương con, dù trong thinh lặng và xa cách. Không phải đến khi làm cha, làm mẹ thì người ta mới thấm thía hết tình thương yêu cao quý của bậc sinh thành dành cho con cái. Từng việc làm, dù là nhỏ nhặt nhất nếu ta biết cảm, biết nghe và biết thương bằng con tim, bằng sự trân quý thì ta sẽ hiểu thế nào là ơn nghĩa cù lao.

Xin cho con được thành tâm sám hối những nghi ngại về tình yêu thương của ba. Con tin rồi sẽ có nụ cười ngày đoàn viên. Bởi một lẽ dù vạn lý xa xôi, những ai biết thương nhau, biết nghĩ về nhau sẽ câu thông được với nhau; mà đã là tình thâm thì đâu dễ dàng mất đi, nhất là khi ta biết đó là một mối thâm tình thiêng liêng và vô giá…

Trần Trọng Hiếu

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày