Bà La sát

GN - Lần đầu tiên tôi gặp chị là ở Bếp cơm tình thương.

Quản lý bếp là anh Liêm. Biết phụ nữ ai cũng bận bịu đủ thứ việc nhà cho nên anh Liêm đề ra thời gian biểu rất linh hoạt để người bận rộn nhất cũng có thể tham gia được.

Ai rảnh được nguyên ngày thì tới phụ việc nguyên ngày, ai rảnh được một buổi thì tới một buổi, ai phải đi làm hoặc đưa con đi học thì tới bếp vào lúc năm giờ sáng để chuẩn bị lửa củi nồi niêu và cân đong các loại sao cho vừa với số lượng cơm trong ngày, đến sáu giờ ba mươi thì về. Ai phải lo bữa sáng cho gia đình thì lúc này đã xong, họ sẽ xuất hiện nối tiếp để bắt đầu khâu lặt xắt rau củ… Đầu bếp chính tới lúc tám giờ để tẩm ướp nêm nếm và nấu nướng…

Những người bận đi làm cơ quan cả sáng lẫn chiều thì cũng tham gia được ở khâu rửa chén bát nồi niêu vào lúc cuối ngày.

Cứ vậy mà Bếp cơm tình thương hoạt động được hai năm. Có những ngày công việc rất nhịp nhàng vì những nhóm nối tiếp nhau khá cân đối, và cũng có những ngày công việc rối tung vì nhiều người đến cùng lúc vào khâu này nhưng lại quá ít người cho khâu kế tiếp. Những lúc đó, điện thoại của anh Liêm kêu réo hết người này tới người kia đến “ứng cứu”.

Tôi gặp chị trong những lần “ứng cứu” đó. Sự xuất hiện của chị khiến căn bếp như có một lò lửa di động vì sự nhiệt tình ùn ùn toát ra.

Thường thì những người thuộc diện “ứng cứu” không rành công việc cho nên đầu bếp nhờ gì làm nấy, còn chị thì tự xông vào tất cả mọi khâu, từ xắt rau cỡ nào thì vừa cho tới ngâm nấm trong nước muối cỡ bao nhiêu phút thì phải vớt ra cho tới đậu khuôn nên luộc trước khi chế biến cho nó dai…

Ai cũng liếc nhìn chị và không hẹn mà ai cũng rùng vai khi chị đi về phía khác. Anh Liêm cười cười “Thông cảm thông cảm, hôm nay kẹt người quá…”, câu nói vang lên bằng giọng mà ai hiểu sao cũng được.

Rồi thì chị xông về phía đầu bếp, người mà tất cả trong bếp kể cả anh Liêm cũng phải kiêng nể.

-  Canh bí đỏ hả? - Chị nhìn vô nồi canh bí đỏ trên bếp rồi ngoái nhìn về phía mấy rổ rau - Sao không thấy rau ngổ? Bí đỏ phải nêm ngổ mới thơm đậm, nêm ngò chán phèo.

Đầu bếp không nói năng gì. Biết tính đầu bếp mà nín lặng là sắp có chuyện, tụi tôi ai cũng hồi hộp. 

Chị lấy đôi đũa thò vô nồi đậu kho tương rồi chấm tay vô đầu đũa nếm nếm, lắc đầu:

-  Hơi lạt. Ăn chơi chơi thì được nhưng ăn với cơm thì phải thêm chút muối.

Đầu bếp nhìn chị rồi nhìn quanh chúng tôi, cái nhìn ra ý hỏi “Mụ nhiều chuyện” này ở đâu ra?

Chị móc điện thoại trong túi ra “Ra chợ coi có rau ngổ mua dùm chị hai ký lô đi cưng. Không không… nồi canh nhà chị chỉ mấy cọng là đủ, lần này là mua cho bếp của chùa. Nồi canh to bằng nửa thùng phi mà. Đem tới chùa dùm chị nghen. Nhanh, canh sắp chín rồi”.

Đầu bếp nổi giận:

-  Chị mua rau ngổ thì chị đem về nhà chị đi nghe.

Chị nhún vai nhìn đầu bếp như nhìn một kẻ ương bướng cứng đầu có sẵn người góp ý hay ho cho mà không chịu nghe. Rồi chị xách cây chổi đi ra sân như ở trong này mà rảnh quá thì phí.

Tiếng chổi quét sồn sột vọng vô bếp.

                                                *

Chẳng biết làm sao mà chị trở thành người của mọi ngóc ngách. Buổi sáng tới chùa, thấy chị đang lau bàn thờ và châm dầu vô mấy cây đèn. Giọng chị bực bội “Ai thắp nhang mà vặn tim đèn cao quá làm nó cháy khô cong hết”, rồi chị móc điện thoại ra nói lanh lảnh  “Đem tới chùa mớ tim đèn…. ờ, loại đèn hột vịt đó cưng”.

Tất cả hàng quán đều là “cưng”. Lễ Vu lan, lá xanh thì còn nhiều mà vải màu hồng làm hoa đã hết, chị gọi điện thoại “Đem tới chùa năm mét vải màu hồng đi cưng”. Tôi tò mò muốn biết “cưng” của chị là ai, hóa ra đó là ông xe ôm tóc muối tiêu và kéo dài từ trán xuống vành tai là cái thẹo đỏ lòm. Hai cánh tay ông ta đầy những hình xăm rắn rít. Nhìn là biết dân giang hồ.

Việc gì chị cũng gọi ông xe ôm này và ông ta đi mua đem tới cho chị.

                                                *

Thấy Bếp cơm tình thương không mặn mà với sự có mặt của mình, chị xông vào bếp chính của chùa. Sự xuất hiện hừng hực nhiệt tình của chị khiến các bác làm công quả lâu năm cũng phải e dè.

Nào là mua rau ở kia thì sạch hơn tốt hơn cho sức khỏe của quý sư, mua đậu khuôn ở nơi nọ thì đúng là chế biến từ đậu nành sạch, nào là chùa còn miếng đất trống phía sau, để chị kêu người tới trồng rau mầm…

Người đó chính là ông xe ôm, “cưng” của chị.

Ai vô bếp, chị nhìn từng ngón tay và yêu cầu cắt móng ngay lập tức mới được, còn những bàn tay mà móng sơn xanh đỏ thì chị cấm tiệt, chỉ được đụng vô củi lửa hoặc quét rác mà thôi. Nấu ăn món chay cho người tu hành thì tay phải sạch tuyệt đối, chị nói vậy,  giọng của chị oang oang đến nỗi chủ nhân của những bàn tay bị cấm đó đỏ nhừ mặt mũi, có muốn méc Sư bà cái tội độc đoán của chị cũng không thể mở lời được vì đúng là tay cắt móng ngắn đương nhiên sạch sẽ hơn là cái chắc.

Rửa chén bát chị cũng để mắt tới, là úp chén úp tô đừng có chồng khít lên nhau không có chỗ thoáng cho nó khô hẳn, chồng khít kiểu đó cầm cái chén lên lúc nào cũng ươn ướt.

Bếp chùa dần vắng những người quen thuộc, họ tuyên bố khi nào Sư bà cấm cửa chị thì họ mới quay lại sinh hoạt như trước.

Chùa có cấm cửa ai bao giờ.

                                                *

Một buổi sáng mùa hè, cổng chùa vang tiếng khóc oe oe.

Chị bế đứa bé vào chánh điện, lạy Phật xin cho chị nhận bé làm con. Nhân duyên làm sao mà lại gặp nhau ở chốn này.

Mọi người nói nuôi con nhỏ thì chị không còn thời gian và sức lực để tới chùa thường xuyên nữa. Nhưng không, sau vài tuần lúng túng với công việc làm mẹ, chị lại xuất hiện ở bếp chùa chăm chỉ hơn siêng năng hơn và có phần còn nhiệt tình hơn - “Bữa nay có người thừa kế rồi cho nên phải làm nhiều hơn”, chị thường cười to mà nói vậy, như đang tích cóp phúc đức thành một món tài sản.

Đang trộn món gỏi, sực nhớ, chị lau tay, móc điện thoại ra “Tới giờ cho cháu bú rồi đó, má nhớ súc lại bình bằng nước sôi nghe”. Đang múc canh nóng hổi ra tô, chị ngừng lại móc điện thoại ra “Má rờ coi em bé có tè dầm không thì thay tã liền nghe”…

Người ta nói chị tới chùa tu mà thành Phật là má của chị mới đúng, ai mà nhận con nuôi rồi đem đứa nhỏ hành bà già chăm sóc bao giờ. Nói vậy mà cũng là nói sau lưng thôi, từ ngày có em bé chị dữ tính thấy rõ, như gà mẹ xù lông xù cánh bảo vệ gà con, ai nói động tới đứa nhỏ là chị nạt ngang liền “Đừng có nhắc, em bé ách xì mệt người tội nghiệp nó”.

Bé được ba tháng, chị cho nó nằm xe nôi đẩy lên chùa xin Sư bà một lá bùa đeo cổ để tối được ngủ ngon. Em bé ở nhà thì chị nạt nộ không cho mọi người nhắc tới, nhưng khi đưa em bé lên chùa, mọi người xúm xít bồng ẵm nựng nịu thì chị vui lắm, chịu lắng nghe mấy bà truyền kinh nghiệm chăm sóc con nít. Cỡ một tháng nữa là cho ăn dặm chút chút được rồi. Thêm mấy tháng nữa thì hầm xương ống lấy nước ngọt nấu cháo, mấy tháng nữa thì ăn được thịt xay với rau củ… ờ, khoa học bây giờ khuyên nên cho bé ăn cá.

Chị thừ người. Chị ăn chay trường được hai năm rồi, sau lần đứt đoạn đó.

*

Sáng hôm đó chị tới bếp chùa như thường lệ. Khác thường là chị không nói năng gì.

Chiều tối, chị xin Sư bà cho chị được tụng kinh Thủy sám.

Dứt buổi tụng, chị lau nước mắt, xin phép từ nay không tới chùa nấu cơm chay cho quý sư được nữa vì bắt đầu từ ngày mai, bàn tay chị phải nấu bột mặn cho em bé.

*

Không còn chị “cai quản” nhà bếp, những người cũ lục tục quay trở lại. Họ nhắc lại kỷ niệm không vui về chị, đặc biệt là ông xe ôm dữ tướng lui tới chùa nhìn thật khó coi.

Sư bà nhỏ nhẹ kể, hồi đó ông xe ôm ở tù sau một trận đánh nhau, vợ ông ta bỏ đi để lại hai đứa con bơ vơ. Khi đó đang ăn chay trường nhưng thấy thương hai đứa nhỏ cho nên chị ngày ngày đi chợ mua thịt cá nấu cơm cho tụi nó. Ông xe ôm ra tù, khóc gọi chị là mẹ và dạy hai đứa con gọi chị là bà.

Chị vừa nối lại việc ăn chay trường được hai năm thì gặp em bé này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày