Bắc Kinh tìm thấy lợi ích chung với Phật tử Trung Quốc

Cách đây 4 năm, khi 8 vị cao tăng đắp y màu đỏ và vàng nghệ, tiến lên lễ đài trước tôn tượng Đức Phật, cử hành nghi thức tụng kinh ở thành phố Hàng Châu, miền Đông Trung Quốc, đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong thái độ của Trung Quốc đối với vấn đề tôn giáo. Đó là Diễn đàn Phật giáo Thế giới lần thứ I, được tổ chức tại Trung Quốc với sự tham dự của hơn 1.000 Tăng Ni. Trước đó, quốc gia này chưa từng bảo trợ chính thức cho một hội nghị tôn giáo nào với quy mô hoành tráng như thế.

Thời điểm báo hiệu phương thức tiếp cận chủ động tiên phong mới của Bắc Kinh đối với tôn giáo, đặc biệt ủng hộ Phật giáo, có thể là sự đối trọng  đối với sự bùng nổ Ki-tô giáo ở Trung Quốc. Căng thẳng vẫn còn trong mối quan hệ của Bắc Kinh với Phật giáo Tây Tạng, nhất là đối với các tín đồ trung thành với lãnh tụ tinh thần lưu vong của họ - Đức Dalai Lama. Bắc Kinh coi Đức Dalai Lama là phần tử “ly khai”, với mục đích gây chia rẽ Trung Quốc. Tuy nhiên, Phật giáo Trung Quốc không được coi là vấn đề nan giải về chính trị theo cách này. Một số chuyên gia ước tính có khoảng 200 triệu Phật tử ở Trung Quốc, và Phật giáo đã đi đầu trong việc làm thay đổi vai trò của các tổ chức tôn giáo, khi nó đến với công tác từ thiện.

namphoda1.bmp

 Đông đảo du khách đến tham quan chùa Nam Phổ Đà hàng năm

 

Tiên phong trong công tác từ thiện Phật giáo

 

Chư Tăng của ngôi chùa ngàn năm lịch sử Nam Phổ Đà ( Nanputuo Temple ) ở thành phố ven biển Đông nam Hạ Môn ( Xiamen ) đã đi đầu theo lối này. Năm 1994, họ đã thành lập tổ chức từ tế Phật giáo đầu tiên của Trung Quốc, Hòa thượng Zhengxin, một chức sắc của hội này cho biết. “Sự kiện này đã thúc đẩy các tổ chức Phật giáo khác tham gia công tác từ thiện”, Hòa thượng Zhengxin nói.

 

Hiện nay, quỹ tài trợ này là một trong những quỹ tài trợ tôn giáo phát triển nhất ở Trung Quốc, cùng với sự kiểm toán hàng năm, một tờ báo và một tạp chí. Phần lớn nguồn thu của hội do 45.000 hội viên đóng góp, trong đó mỗi hội viên tự nguyện đóng góp 1,5 USD/ 1 tháng. Một nhân viên văn phòng tên Lei cho biết anh tham gia hội này là do bạn bè vận động. “Một trong số những bạn bè của tôi đang đóng góp tiền cho quỹ tài trợ. Và bạn ấy đã tác động đến tôi”, Lei chia sẻ.

 

Sự đóng góp cho hội ngày càng gia tăng vì mọi người có nhiều nguồn thu nhập ổn định. Theo số liệu thống kê riêng của hội, năm 2009, sự đóng góp đã tăng hơn 11% so với các năm trước đó. Và hội cũng chưa bao giờ từng chi tiêu nhiều như thế. Tổng chi năm 2009 khoảng 1,75 triệu USD. Sau 16 năm thành lập, quỹ cứu tế chùa Nam Phổ Đà đã ủng hộ tổng cộng khoảng 7 triệu USD, trong đó tính luôn cả việc trợ cấp y tế miễn phí cho 210.000 người, xây dựng 25 trường học mới và sửa chữa 67 trường học khác.

 

Ni sư Putuo, thành viên quản trị khác của quỹ này cho biết: các quan chức chính quyền địa phương chọn các dự án được nhận tiền tài trợ. “Mỗi dự án đều có sự điều tra khảo sát. Chúng tôi dựa vào sự khảo sát đó của các quan chức trong Ban Tôn giáo chính quyền địa phương để tài trợ. Họ xem xét nơi nào khó khăn hoặc thiết bị y tế hay bất cứ cái gì khác trị giá bao nhiêu. 16 năm qua, mỗi dự án chúng tôi tài trợ đều kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương”, Sư cô Putuo thổ lộ.

 

Sự hợp tác với các tổ chức tôn giáo như thế đã đánh dấu bước tiến đáng kể từ lịch sử bất ổn gần đây của chính quyền Trung Quốc đối với đức khoan dung tôn giáo. Trong cuộc Cách mạng Văn hóa cách đây 4 thập niên, tất cả sự thờ phượng mang tính tôn giáo bị hạn chế, trong đó có Phật giáo. Chùa chiền, đình đền, miếu mạo bị phá hủy hoặc bị biến thành các nhà máy, hoặc trở thành các phương tiện lưu trữ; các di tích quý giá bị hủy hoại và chư Tăng bị giam cầm, thậm chí một số trường hợp còn bị sát hại.

namphoda2.bmp

Quỹ tài trợ chùa Nam Phổ Đà đã ủng hộ 20.000 USD

giúp Trường Tiểu học Neicuo xây dựng mới

 

Chính quyền địa phương hoan nghênh sự hỗ trợ

 

Nhưng ngày nay, các tổ chức tôn giáo ở Trung Quốc đang bắt đầu đóng vai trong rộng lớn hơn nhiều trong công tác cứu trợ. Trận động đất ở tỉnh Tứ Xuyên năm 2008 là một khúc ngoặt. Vào thời điểm đó, các quan chức mời các đoàn thể tôn giáo gồm: Phật giáo, Tin Lành, Công giáo La Mã tham gia công tác cứu trợ. Ở cấp độ địa phương, không hiếm các đoàn thể tôn giáo tham gia hoạt động mở phòng y tế từ thiện, xây cô nhi viện hoặc ủng hộ tiền cho người nghèo. Thậm chí, một số hội từ thiện đang tài trợ cho các dự án công trình công cộng như xây dựng cầu, đường xá.

 

Ông Andre Laliberte thuộc Đại học Ottawa đang nghiên cứu về hoạt động từ thiện Phật giáo ở Trung Quốc nói: “Những chính quyền địa phương bị kẹt về tiền mặt thì rất vui vẻ nhận tiền tài trợ từ các tổ chức tôn giáo muốn giúp đỡ họ”. Nhưng ông nói rằng việc này đang xảy ra một cách rất kín kẽ “vì chính quyền địa phương không muốn cung cấp thẻ tín dụng khi mà có thể tăng thêm lượng vốn xã hội cho các cơ quan này. Nó cũng tỏ ra nguy hiểm cho nhà nước. Nếu nhà nước không thể cung ứng cơ quan dịch vụ xã hội, thì nó trở thành một vấn đề hợp pháp của chính quyền”.

 

Sự gắn liền giữa nhà chùa và kinh tế địa phương

 

Một cơ sở nhận được bảo trợ từ quỹ tài trợ của chùa Nam Phổ Đà là một bệnh viện nhỏ, đơn sơ dành cho bệnh nhân phong, tọa lạc gần một trang trại chăn nuôi heo thuộc vùng ngoại ô thành phố Xiamen. Ban đầu nó tọa lạc trên đỉnh đồi, cách xa khu dân cư vì dân chúng sợ bệnh phong. Một số bệnh nhân đã sống tại cơ sở này trong nhiều thập niên, do bị gia đình bỏ rơi. Quỹ tài trợ cung cấp cho bệnh viện này khoảng 3.000 USD/năm. Tuy khoản tiền tài trợ ấy không nhiều lắm, nhưng Giám đốc Bệnh viện Chen Xichen nói nó tạo nên sự khác biệt lớn đối với bệnh nhân. “Quỹ tài trợ của chùa Nam Phổ Đà tặng cho chúng tôi tiền mặt, quạt máy, nồi cơm điện, quần áo, chăn màn, và giường chiếu”, ông giám đốc bệnh viện vừa nói vừa đưa tay chỉ hầu hết mọi đồ đạc sở hữu cá nhân trong một phòng bệnh nhân. “Thỉnh thoảng tôi hỏi các bệnh nhân có cần những thứ gì khác, nhưng họ chẳng bao giờ nghĩ đến bất cứ thứ gì khác”.

 

Chức năng kinh tế của các chùa vẫn còn có thể đi xa hơn. Mỗi năm, ít nhất có khoảng 2 triệu khách đến chùa Nam Phổ Đà. Ngôi chùa này là nơi hái ra tiền. Nhà hàng chay của chùa phục vụ hàng chục ngàn lượt khách, và nó đã làm phát sinh những người buôn bán nhang và đồ lưu niệm Phật giáo.

 

Theo Li Xiangping, thuộc Viện Phát triển Tôn giáo và Xã hội của Đại học Sư phạm Đông Hoa, du khách trả tiền vé tham quan chùa gần 900.000 USD/năm. Một phần thu nhập trong số đó dành để phát triển và tu bổ chùa, và một phần trong số đó cũng phải nộp cho chính quyền địa phương. “Sự phát triển kinh tế Phật giáo thường gắn liền với kinh tế chính quyền địa phương khi họ cùng đang lái xe với nhau. Hai bên có thể hợp tác qua việc quy hoạch các điểm du lịch và huê lợi du lịch. Việc này cũng giúp xây dựng hình ảnh của Phật giáo”, Li nói.

 

Trong quá khứ, vấn đề tiền bạc đã trở thành nguyên nhân gây nên sự tranh cãi trong các hành lang nơi mà âm nhạc Phật giáo ngày nay đã được hát. Trong những năm 1990, sự bất đồng trong việc quản lý nhà hàng tại chùa Nam Phổ Đà đã lên đến cực điểm của sự cách biệt, chư Tăng đã bắt giữ các quan chức chính quyền qua đêm, dẫn đến cuộc tấn công vào chùa của các lực lượng đặc biệt. Tuy nhiên ngày nay, mối quan hệ giữa nhà chùa và chính quyền địa phương trong tương quan kinh tế là hai bên cùng có lợi.

namphoda3.bmp

Hội sở của Quỹ tài trợ chùa Nam Phổ Đà

 

 

Ủng hộ Phật giáo phát triển

 

Các chuyên gia nghiên cứu như Laliberte tin rằng Bắc Kinh cũng đang ủng hộ Phật giáo vì lý do khác: để đối trọng với sự bùng nổ của Ki-tô giáo ở Trung Quốc. “Tôi có lý do để tin rằng Chính phủ Trung Quốc có thể đang khuyến khích các tổ chức Phật giáo chỉ vì họ lo lắng về sự truyền bá nhanh chóng của Thiên Chúa giáo và Tin Lành nói riêng”, ông Laliberte nhận định. Chính phủ không thể ngăn chặn nhu cầu giúp đỡ tâm linh, ông Laliberte nói nhưng thêm rằng: “Họ có thể thử chuyển nó và Phật giáo là ứng viên tốt. Cơ sở hạ tầng nằm ở đó và các tu sĩ Phật giáo đang sẵn sàng chấp nhận vai trò đó”.

 

Giới lãnh đạo Trung Quốc huy động tất cả mọi nguồn - trong đó có Phật tử - để xây dựng một “xã hội hòa hợp”, khẩu hiệu gần đây nhất của họ. Khi mọi người trở nên giàu có hơn, các chùa đang trở nên giống các tập đoàn đa quốc gia hơn với những tờ quyết toán của họ đang dày lên. Sự đóng góp của họ cho kho bạc chính phủ có thể chưa nhiều, nhưng chúng chắc chắn sẽ tăng theo thời gian. Và các lãnh đạo thực dụng Trung Quốc cầm chắc rằng chính quyền đang được lợi từ hiệu quả kinh tế của việc hồi sinh tôn giáo này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày