GNO - Sáng nay, 22-3, bạn đọc đã có buổi giao lưu với nhà văn - bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nhân dịp ra mắt hai tác phẩm mới: Cõi Phật đâu xa và Một hôm gặp lại.
Buổi trò chuyện diễn ra tại gian hàng Phương Nam (công viên Lê Văn Tám, Q.1, TP.HCM), do nhà văn Nguyễn Đông Thức dẫn chương trình.
Nhà văn - bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc giao lưu cùng bạn đọc
Nhiều câu hỏi được bạn đọc đặt ra và được bác sĩ trả lời hết sức thú vị. Như câu hỏi "qua các tác phẩm của bác sĩ, tôi thấy để “hết bệnh” thì phải sống thanh thản và vui vẻ. Thưa bác sĩ, làm sao mình có thể vui vẻ được, khi cứ ra khỏi nhà là gặp chuyện bực mình?".
Bác sĩ Ngọc trả lời, con người lúc nào cũng có thể bực mình, như vậy có nghĩa là mình phải tự tạo ra một môi trường không bực mình, để mình sống trong đó, mà để không bực mình thì phải tạo từ trong tâm mình - tâm bình an. Cho nên ông Duy-ma-cật rất hay, hồi xưa mình hay nói tâm, mà tìm tâm không ra nên ông mới làm tờ giấy giả bệnh, rồi mọi người đến thăm thì ông mới nói về cái thân, vì thân thì ai cũng như ai “mọi người đều bình đẳng trước bệnh”. Lấy cái thân bệnh để hướng dẫn người ta đi vào tu tập, để làm tâm an, khi tâm an thì ra đường bớt căng thẳng về nhà bớt căng thẳng.
Hoặc như câu hỏi, trong cuốn “Cõi Phật đâu xa” giúp tôi thấy những điều trong kinh điển rất thâm sâu, mới mẻ và trí huệ nhưng khi đến các chùa ngày nay tôi không cảm nhận được những điều đó mà chỉ thấy thùng công đức? Xin bác sĩ giải thích?
Bác sĩ cho rằng, thực tế ngày nay có một vài điều như vậy, có nhiều khi đến một số chùa mình thấy không có hài lòng cách làm việc để truyền đạt Phật pháp. Còn khi viết trong sách thì có thời gian để nghiền ngẫm sâu xa hơn. Nhưng ở trong chùa hiện nay có rất nhiều vị thầy hay lắm, mặc dù thầy không nói hay nghĩ như mình nhưng có một đời sống đặc biệt - mình có thể học hỏi được.
Trong đạo Phật có nói, nếu đọc sách không thôi thì mình là một cái đãy sách, nếu đọc không mà không tu thì cũng là tu mù. Trong Phật pháp dặn có 3 điều là Văn (nghe) - Tư (suy luận, suy nghĩ, trầm tư về điều đó) - Tu (thực hành).
Có nhiều vị thầy còn trẻ, còn mới nên chưa thành thạo, vì thế chúng ta chịu khó tiếp xúc với các vị thầy giỏi, nhiều khi sống đời sống rất đơn sơ, chúng ta phải phục lăn, bởi vì nhiều vị sống rất sâu sắc, chân thành theo đúng lời Phật dạy.
Trong đời sống chúng ta thấy bên cạnh chùa có thùng phước sương, hình ảnh đó đi vô đời sống rồi, chùa cũng cần tiền để xây dựng, làm lễ lạc… cái đó là tùy hỷ. Trong đạo Phật có chữ tùy hỷ rất hay là không phải nhiều, không phải ít, mà do lòng mình vui theo, người nào mà biết tùy hỷ thì tự nhiên nhan sắc khỏi cần đi thẩm mỹ viện cũng đẹp vì mình không cần ganh tị, so bì nữa… - bác sĩ Hồng Ngọc trả lời bạn đọc.
Tác giả ký tặng sách
Buổi giao lưu trò chuyện với nhiều lứa tuổi bạn đọc khác nhau, ở đó ai cũng tìm thấy những câu chuyện của mình trong cách trả lời, từng trang viết của bác sĩ, nhà văn Đỗ Hồng Ngọc.
“Cõi Phật đâu xa” - thấp thoáng lời kinh Duy-ma-cật, gồm 12 bài viết, tương ứng với 12 chương trong kinh Duy-ma-cật sở thuyết. Ở mỗi bài viết, xen lẫn với các phần trích dẫn kinh, tác giả biểu lộ cái thấy, cái hiểu của mình về những điều mà kinh nói đến, bằng lối văn dí dỏm. Tác phẩm gồm 276 trang, giá bìa 138.000 đồng.
“Một hôm gặp lại” là tuyển tập tùy bút vừa quen mà cũng vừa lạ, có bài hình như đã đọc đâu đó rồi, trong cuốn sách nào đó của tác giả, cũng có thể thấy trên mạng, có khi bị đổi cái tựa, khuyết danh… Tác phẩm gồm 300 trang, giá bìa 145.000 đồng. Cả hai tác phẩm do Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ TP.HCM xuất bản, đơn vị liên doanh là Công ty TNHH sách Phương Nam. |
Như Danh