Bánh nào ngon nhất?

Giác Ngộ - Trên báo Giác Ngộ số 567, tác giả Tâm Nguyên có kể lại câu chuyện một người ăn mày, đang lúc đói, tình cờ may mắn đi qua một lò bánh mì. Ông dừng lại và xin ông chủ một miếng bánh cho đỡ đói.

Thế nhưng thay vì cho người ăn mày một mẩu bánh lót lòng thì ông chủ lại thao thao bất tuyệt giảng về nghệ thuật làm bánh của ông, về công nghệ tinh xảo, thậm chí cả "đạo đức" nghề nghiệp… cao quý của ông ta mà không hề quan tâm đến nhu cầu của người đối diện, rất nhỏ và rất giản đơn: một miếng bánh để qua cơn đói lả. Người ăn mày đành bỏ đi chỗ khác, trả lời rằng bánh mì chỗ khác dẫu dở hơn, mặn hơn nhưng có thể làm no bụng chứ không chỉ no tai!

Câu chuyện đó khiến chúng ta liên tưởng đến những con số trên các báo cáo mà nếu nghe đọc lên đầy ấn tượng: thành phố nào cũng vượt GDP 11 đến 13% . GDP đầu người chỗ nào nghèo nhất cũng từ 1.000 USD trở lên, còn thành phố lớn thì đến 3.100 (TP.HCM); tỷ lệ xóa đói giảm nghèo rất cao; những dự án nhà ở hấp dẫn cho mọi người; những công trình cầu đường mang tầm vóc… Những nhà máy điện nguyên tử, những con tàu cao tốc… Những con số ấy dù định lượng hay những bản báo cáo đầy chất định tính không biết có được người dân hiểu không khi các đại biểu Quốc hội mỗi lần họp cử tri thì lại nghe người dân nhắc mãi chuyện các đô thị được cho là phát triển, ngay cả thủ đô Hà Nội nước ngập sau mưa, hố tử thần, giá cả hàng tiêu dùng tăng quá cao so với sức mua của họ… rồi tiền điện, tiền gas, học phí, tiền thuốc chữa bệnh leo thang, được làm giá… và còn nhiều chuyện bất như ý nữa. Tại sao những thành tựu kinh tế không được cảm nhận đồng đều giữa các tầng lớp? Chúng ta nhớ triết gia Pháp Jean Paul Satre có lần đã viết: "Tác phẩm La Nausée của tôi chẳng có giá trị gì trước một đứa bé châu Phi đang đói". Cổ nhân đã dạy "Có thực mới vực được đạo". Lý thuyết có cao siêu thế nào thì cũng không đủ sức hấp dẫn mọi người một khi người ta còn quay cuồng trong cơm áo. Ý nghĩa của một đời làm cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vì một mục tiêu rất thực tế, hết sức cụ thể: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc: Đồng bào tôi ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".

Nhà thơ Trần Dần đã từng viết:

Chính chiếc nôi Việt Bắc/ bế bồng ta
Qua/ tất cả/ tháng năm đầy lửa
nuôi ta/ nuôi cách mạng lớn khôn
Ta bầu bạn/ củ khoai môn/ nương sắn…

Và ông khẳng định :

Đi!/ Tất cả!
cũng đừng bao giờ/ vỗ nợ/ nhân dân!

Vâng, người dân thì luôn cần thực tế, lúc đói, mọi người cần giải pháp thực tế, như người hành khất trong câu chuyện trên cần một miếng bánh mì lót dạ. Lý thuyết dù hay ho, con số dù ấn tượng thế nào cũng không thể giúp người qua cơn đói cồn cào.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày