Báo Giác Ngộ đến với tuyến đầu Bắc Giang

Y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch đọc báo Giác Ngộ trước giờ họp giao ban
Y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch đọc báo Giác Ngộ trước giờ họp giao ban
0:00 / 0:00
0:00
GN - Có những món quà tưởng chừng như nhỏ nhưng lại có giá trị và vô cùng ý nghĩa khi được trao tặng cho nơi nào đó, một ai đó đang cần.

Món quà nhỏ, ý nghĩa lớn

Từ những ngày đầu của đợt tái bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam, chị Vũ Thị Xuân Quý, pháp danh Diệu Ân, chủ chuỗi nhà hàng chay Tâm An Lạc, thủ đô Hà Nội đã trích nguồn quỹ “Cơm tùy tâm” trong chuỗi nhà hàng của mình, kết nối với nhóm bạn hữu là doanh nhân, Phật tử chùa Long Hưng (huyện Đông Anh, Hà Nội) tặng quà đến 24 trung tâm cách ly, điều trị bệnh Covid-19 tại các tỉnh thành Bắc Giang, Bắc Ninh và Hà Nội.

Chị Vũ Thị Xuân Quý (giữa) cùng các bạn đạo chuẩn bị sách, báo Phật giáo tặng tuyến đầu chống dịch

Chị Vũ Thị Xuân Quý (giữa) cùng các bạn đạo chuẩn bị sách, báo Phật giáo tặng tuyến đầu chống dịch

Trong món quà của chị Xuân Quý và các bạn Phật tử trao tặng, bên cạnh những sản phẩm hỗ trợ công tác chống dịch, các sản phẩm y tế, trang phục bảo hộ, khẩu trang, còn có những món quà tinh thần như sách, báo Giác Ngộ. Ngoài đặt báo Giác Ngộ các số mới, chị Xuân Quý xin tòa soạn tặng những quyển sách báo cũ và dày công trao tặng đến các nơi đang thực hiện công tác điều trị dịch bệnh.

Chị Nguyễn Mai Hoa, Điều dưỡng trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang mừng rỡ: “Chúng tôi nhận được rất nhiều tình cảm sẻ chia với y bác sĩ, bệnh nhân ở đây, nhưng chắc chỉ có chùa Long Hưng tặng cho chúng tôi những quyển sách, báo quý giá để ngoài những giờ làm việc căng thẳng, bệnh nhân và các y bác sĩ có thời gian đọc những bài viết chia sẻ rất hay về cuộc sống, giúp chúng tôi có cái nhìn sâu lắng hơn về ý nghĩa cuộc đời, về tình người, về dịch bệnh và nỗ lực vượt qua”.

Chị Vũ Thị Xuân Quý đại diện trao quà, báo Giác Ngộ đến các điểm cách ly, điều trị Covid-19

Chị Vũ Thị Xuân Quý đại diện trao quà, báo Giác Ngộ đến các điểm cách ly, điều trị Covid-19

Tại khu cách ly tập trung số 28 (Trường Tiểu học xã Đồng Phúc) tỉnh Bắc Giang, khi nhận được những quyển sách Phật giáo và báo Giác Ngộ, bác sĩ Nguyễn Bình Minh, công tác tại Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng đã rất xúc động. Đích thân bác sĩ Minh đi chia cho tất cả các bạn đang thực hiện cách ly tập trung số 28 mỗi người một quyển và không quên dặn dò sử dụng riêng biệt, không chuyền tay nhau, để đảm bảo công tác chống dịch tốt nhất.

Bác sĩ Minh kể lại: “Khi tôi phát tận tay các bạn, khuyên các bạn của tôi bỏ bớt thời gian lướt Facebook để đọc, xem, nghe thông tin bổ ích từ báo Phật giáo, để rèn cho tâm mình lương thiện hơn, tiếp thu năng lượng tích cực hơn, các bạn ấy rất vui, hoan hỷ đón nhận những món quà đặc biệt mà quý thầy, bạn hữu đồng tu gửi tặng”.

Lan tỏa năng lượng lành nơi tuyến đầu chống dịch

Bác sĩ Nguyễn Văn Hà, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang xúc động cho biết: “Trong tâm dịch, các y bác sĩ tuyến đầu thực sự cảm động và biết ơn lòng hảo tâm của người dân khắp nơi đã chia sẻ khó khăn, động viên chúng tôi cả về vật chất và tinh thần. Đặc biệt, tình cảm của quý Hòa thượng, chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử thông qua chương trình trao tặng quà, sách, báo Giác Ngộ v.v... đã tiếp thêm sức mạnh tâm linh cho chúng tôi, giúp đỡ chúng tôi tăng thêm năng lượng tích cực để thực hiện tốt vai trò nhiệm vụ của bác sĩ tuyến đầu chống dịch”.

“Những lời dạy của Đức Phật qua báo Giác Ngộ đã giúp chúng tôi tăng trưởng thêm lòng từ bi, tình yêu thương hơn. Triết lý nhân văn của Đức Phật đã nhắc nhở, cho chúng tôi động lực, ý thức hơn về sứ mệnh cứu và giữ mạng sống của người bệnh, coi mạng sống của họ như mạng sống của mình”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hà

Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang

Khi quyển sách Phật giáo, báo Giác Ngộ được trao đi, cũng là lúc lời cảm ơn được hồi đáp trở lại. Nói như lời điều dưỡng viên Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, khoa Ngoại thần kinh chia sẻ: “Thông tin trên báo Giác Ngộ là những món quà vô giá, rất có ý nghĩa với anh chị em chúng tôi trong những ngày căng mình chống dịch”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Huệ, Khoa Nội thần kinh cơ xương khớp Bệnh viện Đa Khoa Bắc Giang tăng cường khu điều trị F0 Bệnh viện Dã chiến Bắc Giang cũng trải lòng: “Dưới cái nắng nóng hầm hập tại các khu cách ly, khu điều trị bệnh nhân Covid-19, không khí chống dịch căng thẳng đã phần nào dịu bớt trước tình cảm của mọi người khắp nơi nói riêng, báo Giác Ngộ nói chung, gửi về. Sự sẻ chia cả tinh thần vật chất lẫn hiện vật, là sự tiếp sức, động viên rất lớn cho đội ngũ y bác sĩ và bệnh nhân”.

Báo Giác Ngộ đã tiếp thêm sức mạnh tâm linh cho các y, bác sĩ tuyến đầu
Báo Giác Ngộ đã tiếp thêm sức mạnh tâm linh cho các y, bác sĩ tuyến đầu

Hơn 1.800 là con số đầu sách, báo Phật giáo chị và nhóm bạn đạo đã gửi đi trong đợt dịch lần thứ 4 này. Khi hỏi về động lực kết nối, đưa báo Giác Ngộ hiện diện nơi tuyến đầu chống dịch, chị Xuân Quý bộc bạch: “Chúng mình hiểu được, sự động viên và tiếp sức về tinh thần đến đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu chống dịch là rất quan trọng. Chúng mình luôn tin, sự nhân văn từ triết lý của đạo Phật sẽ tiếp thêm năng lượng cho đội ngũ y bác sĩ. Kết quả cho hành động của chúng mình đã nhận về đáp án đúng như vậy”.

Giá như biết đến báo Giác Ngộ sớm hơn…

Ngày trước tôi luôn nghĩ việc giác ngộ sẽ chỉ có ở những người đi tu, những cao tăng đắc đạo bởi hàng nghìn năm qua, người ta đã thêu dệt lên quanh hai chữ “giác ngộ” biết bao câu chuyện huyền bí.

Tôi từng nghĩ rằng giác ngộ là thành tựu của những vị cao tăng kỳ hình dị tướng nào đó, đã cắt đứt duyên trần, nhiều năm tu luyện cực khổ, có những quyền năng siêu phàm. Nhưng khi tiếp cận với những bài viết trên báo Giác Ngộ, tôi hiểu rằng, “Đạo Phật nói rằng tu là một tiến trình thay đổi và chuyển hóa; thay đổi điều chưa tốt thành tốt, chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc” - như trong bài viết “Hiểu mình là giác ngộ” của tác giả Hoàng Nguyên.

Qua rất nhiều bài viết, nhất là chuyên mục “Điểm nhìn” trên báo Giác Ngộ đã giúp tôi thấy việc tu tập trở nên gần gũi và trong đời sống nơi đâu ta cũng nhìn thấy được sự tu tập. Câu chuyện xuống tóc để đi vào tâm dịch của bác sĩ Đặng Minh Hiệu, việc hoạt động vì môi trường xanh của cô thủ lĩnh 18 tuổi Đặng Thị Thơm, sự hy sinh thân mình cứu người của anh hùng 9x Nguyễn Văn Nhã…., và rất nhiều những việc có ích cho đời sống. Sự toàn tâm, toàn ý cho hành trình giúp đỡ mọi người là một hành động đẹp, bản thân tôi cảm nhận một cách chân thật và gần gũi khái niệm thông thường không thể diễn đạt, thuyết phục bằng lời, vượt lên mọi ngôn ngữ đó là sự “giải thoát”.

Tôi ngộ ra một điều như trong Thiền tông, tu tập không cần chấp nhặt quá vào kinh sách; kinh sách được dùng làm phương tiện để tham khảo chứ không phải mục đích đến. Mục đích tối thượng của tu tập theo Thiền tông là liễu ngộ Phật tính, thấu suốt bản tâm thanh tịnh của chính mình, thoát khỏi sinh tử luân hồi và sống với bản tâm thanh tịnh, nếu có nhân duyên thì hoằng hóa giúp và cùng tu tập ngộ đạo như mình, làm lợi lạc quần sinh.

Đến với báo Giác Ngộ, tôi nhận thấy Phật rất gần mỗi người, Phật ở trong tâm, giác ngộ và giải thoát cũng rất gần gũi, bình dị trong mỗi hành động trong cuộc sống thường ngày, không phải là cái gì quá vi diệu và cao siêu.

Và, giá như tôi biết đến báo Giác Ngộ sớm hơn.

Ngụy Thị Hoạt

Phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tìm người thân

Tìm người thân

Cháu Minh Đạo đã đi khỏi nhà và không có liên lạc với gia đình trong hơn 3 ngày qua. Vì những biểu hiện tâm lý có phần chuyển biến không tích cực, nên phải thường xuyên theo dõi trị liệu. Gia đình chúng tôi mong được sự giúp đỡ của chư tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử tại các tự viện...

Thông tin hàng ngày