GN - Rạng sáng 4-11, bão số 12 (Damrey) vào Việt Nam, với tâm điểm là tỉnh Khánh Hòa, sau đó lan qua khu vực Tây Nguyên. Ngay sau bão, lụt lớn dâng cao ở các tỉnh thành miền Trung (từ Thừa Thiên Huế đến cuối Nam Trung Bộ) gây ngập lụt nhiều nhà dân, trong đó có nhiều chùa bị nước lụt bao vây.
Thống kê đến thời điểm này, có trên 110 người bị chết, gần 30 người mất tích, hàng trăm ngàn ngôi nhà bị hư hại, sập và tốc mái. Sau bão, những bàn tay chia sẻ - như thường lệ - lại được nắm chặt bằng nhiều hoạt động thiết thực...
Tịnh xá Ngọc Kim (Khánh Hòa) bị sập hoàn toàn do bão số 12 - Ảnh: N.K
Những dòng tin đắng lòng
Đó là những dòng tin được Giác Ngộ online cập nhật trong những ngày diễn ra bão và lụt lớn ở miền Trung, được bạn đọc quan tâm chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội. “Một tịnh xá bị sập hoàn toàn do bão số 12”, tin được đăng vào ngày 5-11, với nội dung: Bão số 12 có tên quốc tế là Damrey - đổ bộ vào khu vực Nam Trung Bộ vào sáng sớm 4-11, quét qua Tây Nguyên, trong đó, mạnh nhất là khu vực tỉnh Khánh Hòa. Tại thôn Hà Già, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa - tịnh xá Ngọc Kim - trú xứ của ĐĐ.Thích Giác Chân và ĐĐ.Thích Giác Thọ bị sập đổ hoàn toàn.
ĐĐ.Thích Giác Nhường, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo tỉnh Đắk Nông cho biết, tịnh xá Ngọc Kim là nơi 2 sư đệ của thầy đang lưu trú, hành đạo, hiện chư Tăng không có chỗ ở, tôn tượng Đức Phật và Bồ-tát an định giữa gió mưa bão tố, nhìn rất đau lòng.
Và sau đó, ngày 6-11, bản tin “Quảng Nam: Nhiều chùa bị ngập lụt” với chùm ảnh mô tả cảnh nước lũ lênh láng ở các chùa trên địa bàn tỉnh như chùa Thạnh Bình (H.Quế Sơn); chùa Đại Phước, Tam Hòa, Tam Phước, Lộc Nghĩa (Đại Lộc); chùa Kim Sơn (H.Nông Sơn); chùa Thiện Giác, Ngọc Châu, Châu Phong (Điện Bàn); chùa Lầu, Long Phước, Phổ Am, Phổ Châu (H.Duy Xuyên); chùa Pháp Bảo, Bảo Thắng (TP.Hội An); chùa Phú Quang, Linh Bửu (TP.Tam Kỳ)...
Cùng ngày, “Thêm một ngôi chùa bị sập hoàn toàn do bão số 12” - đó là tịnh thất Bảo Sơn ở thôn Đắc Lộc, xã Vĩnh Phương, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, SC.Thích nữ Hạnh Đạt, trụ trì tịnh thất chia sẻ với PV Giác Ngộ rằng, bão số 12 đi qua đã làm tịnh thất sập hoàn toàn, chỉ còn nền móng trơ trọi, với đống gạch ngói đổ nát. Do vậy, vào buổi tối, Sư cô phải ngủ nhờ nhà người dân gần đó. Thế nhưng, khi Phật tử cúng chùa thùng mì cô cũng chia sẻ cho những nhà xung quanh, “vì bà con ở đây cũng đang bị đói, sau bão nhiều nhà bị tốc mái và bị ngập ở nhiều nơi thuộc xã Vĩnh Phương”, Sư cô Hạnh Đạt kể. Điều đáng nói là ngôi tịnh thất vừa mới được quý sư cô xây dựng khang trang và an vị Phật vào ngày 21-8-2017 qua, là nơi tu học của Phật tử quanh vùng.
Tiếp tục thông tin về bão, CTV Giác Ngộ ở Khánh Hòa gửi tin “Chùa Đào Viên, Linh Quang bị bão số 12 tàn phá”, mô tả, 2 ngôi chùa bị bão làm hư hại nghiêm trọng...
“Thương quá” là từ ngữ được gửi về tòa soạn nhiều nhất, cùng lời thì thầm cầu nguyện cho bão số 13 hay áp thấp không tiếp tục tấn công vào nước ta, nhất là khi Đài khí tượng thủy văn dự báo có một cơn bão nữa đã hình thành trên Biển Đông. Càng thương hơn khi nhiều cơ quan truyền thông bên ngoài, trên mạng xã hội đầy những hình ảnh tang thương của bão lũ, những xác người nơi lồng bè ở Khánh Hòa được vớt lên và mới tìm thấy cách đây vài ba ngày, có thi thể không người thân thích. Rồi lở đất đá ở Bắc Trà My (Quảng Nam) làm gần chục người chết, phải huy động hàng trăm người tìm kiếm thi thể nạn nhân, người mất tích...
Tới những bàn tay san sẻ
“Nóng ruột với bà con vùng lũ, chư Ni đội mưa đi cứu trợ” (Giác Ngộ online ngày 8-11) ghi nhận những món quà cứu đói đầu tiên được chư Ni TP.Đà Nẵng đem tới cho bà con ở Hòa Vang (Đà Nẵng), Đại Lộc (Quảng Nam) từ ngày 6 tới 8-11. Mì và bánh mì cùng nước sạch, là thứ cần thiết nhất trong cảnh lụt vẫn dâng cao.
Trong khi đó, với tình hữu nghị, Nga quyết định viện trợ 5 triệu USD, Mỹ trên 1 triệu USD để giúp bà con vùng bão. Ngay trước thềm Hội nghị APEC diễn ra tại Đà Nẵng, chuyến hàng cứu trợ được Nga chuyển bằng chuyên cơ đã đến Khánh Hòa.
Cũng tại tâm bão này, ngày 6-11, HT.Thích Ngộ Tánh, Trưởng BTS Phật giáo tỉnh Khánh Hòa đã ký thông bạch kêu gọi cứu trợ bão số 12, nêu rõ: “Trong tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật, lá lành đùm lá rách, BTS kêu gọi chư tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử đã may mắn không bị thiệt hại, hãy phát tâm dõng mãnh, ủng hộ tịnh tài tịnh vật cho những nạn nhân do cơn bão gây ra để nhanh chóng khắc phục khó khăn, sớm trở lại cuộc sống bình thường”.
Trao đổi với PV Giác Ngộ, ĐĐ.Thích Thiện Phước - Phó ban kiêm Chánh Thư ký BTS Phật giáo tỉnh Khánh Hòa, cho biết ngay sau khi bão số 12 đi qua, BTS đã có chuyến thăm đến huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa và Diên Khánh vào ngày 6 và 7-11-2017 nhằm khảo sát tình hình và gửi tặng tạm 10 triệu đồng đến các BTS để khắc phục một số khó khăn trước mắt.
Theo Đại đức Chánh Thư ký, trong những ngày qua nhiều phái đoàn Phật giáo trong, ngoài tỉnh cũng đã đến Khánh Hòa cứu trợ, giúp đỡ bà con những huyện bị ảnh hưởng nặng. Ban TTXH Phật giáo tỉnh cũng đã có những kế hoạch cứu trợ và sớm thực hiện trong ít ngày nữa. “Đặc biệt, BTS Phật giáo tỉnh chú trọng đến việc cứu trợ cho những gia đình có người bị mất, nhà cửa bị sập, đang khó khăn về thức ăn, nước uống cũng như sinh hoạt sau bão số 12. Còn các chùa bị hư hại sau bão sẽ từ từ xây dựng lại khi đời sống bà con được ổn định”, ĐĐ.Thích Thiện Phước bày tỏ.
“Quan Âm tu viện tặng tôn đến 8 tịnh xá, tịnh thất”, đây là một trong những đoàn từ thiện đến với bà con bão số 12 sớm nhất. Thông tin trên Giác Ngộ online ngày 12-11 thể hiện: Chia sẻ kịp thời khó khăn của đồng bào bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 12 đi qua tại tỉnh Khánh Hòa, từ ngày 8 đến 10-11, Quan Âm tu viện (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) do SC.Thích nữ Huệ Đức, trụ trì chùa đã hướng dẫn Phật tử đến tận nơi chia sẻ khó khăn với các tịnh xá, tịnh thất, đồng bào huyện Ninh Hòa, tổng trị giá chuyến cứu trợ hơn 326 triệu đồng.
Trong khi đó, sáng 8-11, chư tôn đức Ban HDPT PG tỉnh Quảng Nam cùng Nhóm từ thiện Tâm Hạnh (TP.Đà Nẵng) đã kịp thời cứu trợ phát 300 phần quà đến bà con vùng ngập lụt tại xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) với tổng trị giá quà tặng 60 triệu đồng.
Tất nhiên, vẫn còn nhiều tổ chức, nhiều chùa và các nhóm thiện nguyện đang vận động hay đang trên đường đến với bà con miền Trung thông qua chương trình từ thiện sau bão.
Đặc biệt, giữa lúc hiểm nguy của bão, anh Nguyễn Bá Luân, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Nam và một số đồng nghiệp, trong khi cơn bão số 12 còn đang hoành hành, đã bất chấp hiểm nguy, dũng cảm đưa ca-nô ra biển cùng các lực lượng chức năng kịp thời cứu được nhiều người dân gặp nạn. Hành động của anh Luân được nhiều người tán dương là thiện lành, ví von rằng “hơn xây chùa” và được Thủ tướng Chính phủ gửi thư khen ngợi.
Bên cạnh lời kêu gọi cấp cứu cho người dân vùng bão lụt, thì một diễn đàn cũng đã diễn ra khi có ý kiến cho rằng, cần tìm hiểu những nhu cầu, khó khăn thực sự của người dân, để không nên trùng lắp đem mì, nước mắm tới. Vì như thế sẽ làm dư những nhu yếu phẩm nhưng lại không thiết thực lắm. Đây thực ra cũng là điều lưu tâm trong công tác từ thiện: cần tìm hiểu kỹ nơi mình đến, cần những dự án dài hơi, tiếp sức cho người dân có sinh kế ổn định thông qua những công trình cụ thể, phù hợp với địa phương chứ không phải làm nhiều, dàn trải, chỉ mới trao “con cá” chứ chưa trao được cho người nghèo “cần câu”...
(Mời bạn đọc xem thêm bài viết Làm từ thiện từ góc nhìn của người trong cuộc, đăng ở trang 10-11, Giác Ngộ số 924, ra ngày 24-11, tiếp nối câu chuyện này...).
Chúc Thiệu - Nhã An
tổng hợp