Bất cứ lúc nào cũng có thể là cơ hội cho sự bắt đầu

GN - Một bản tin trên báo điện tử vietnamnet.vn không mới nhưng đã được nhiều người đọc quan tâm, và cũng khiến không ít người nhói lòng, đó là “Người Việt Nam ở nhóm cuối bảng về tính trung thực”.

longtrungthuc.jpg

Lòng trung thực bao giờ được thắp sáng trở lại?

Thông tin này được cho là kết quả nghiên cứu của ông Simon Gachter và các đồng nghiệp của ông thuộc Đại học Nottingham - Anh quốc. Dĩ nhiên kết quả điều tra nào cũng mang tính tương đối, bởi dữ liệu của nhóm nghiên cứu này thu thập từ thông tin có sẵn cùng với việc khảo sát hơn hai ngàn thanh niên có tuổi đời khoảng 22 đến từ hơn hai mươi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Gần đây, nhiều thông tin liên quan tới việc bổ nhiệm con cháu vào những vị trí lãnh đạo bất chấp những yêu cầu năng lực và kinh nghiệm, tệ nạn thực phẩm bẩn, thậm chí làm giả cả dược liệu Đông, Tây y, người từng đứng đầu cơ quan phòng chống tội phạm công nghệ cao lại bị khởi tố vì có dấu hiệu liên quan tới việc bảo kê cho nạn đánh bạc xuyên quốc gia, v.v… đã làm cho niềm tin trong xã hội bị chao đảo.

Nhiều diễn đàn báo chí cũng gióng lên những hồi chuông cảnh báo về những nguyên nhân dung túng cho sự thiếu trung thực, những thói hư tật xấu, khiến nó trở thành hội chứng đáng quan tâm và lo ngại.

Có ý kiến cho rằng, hệ thống giáo dục của chúng ta hiện nay tùy tiện, thiếu sự xử phạt nghiêm minh, đặt cái tôi quá lớn, không chú trọng rèn luyện và thiếu tính tự lập, thích danh hão, chạy đua với thành tích..., và chính những điều này đã tạo điều kiện cho việc “nuôi dưỡng” hạt giống không trung thực trong người trẻ, chủ nhân ông của đất nước sau này.

Giáo dục không chỉ tùy thuộc vào nhà trường, mà có cả gia đình, cộng đồng xã hội, tôn giáo, và cá nhân. Nhân cách một con người được hình thành tùy thuộc vào nhiều yếu tố trong tinh thần duyên sinh, không thể chỗ thì nỗ lực xây dựng, nơi thì tùy tiện ích kỷ. Nói một cách khác, giáo dục không chỉ qua tri thức, mà phải song hành cùng lời nói và việc làm. Đối với người trẻ, giá trị đạo đức sống động nhất không phải qua các bài học, mà chính là qua hành xử của người lớn trong đời sống hàng ngày, điều mà cha ông ta gọi là “thân giáo”.

Trong kinh Pháp cú, kệ thứ 11 và 12 của phẩm Song yếu, Đức Phật đã đề cập tới hai loại tư duy, đó là tà tư duy và chánh tư duy. Tà tư duy chính là sự thiếu trung thực, hoặc nhìn nhận một cách sai lầm, lấy sự giả dối làm chân thật, và cho rằng chân thật là không chân thật. Ngược lại, chánh tư duy đơn giản cái gì chân thật thì cho là chân thật, không chân thật thì biết và cho là không chân thật, hay nói cách khác, đó là tính trung thực trong ứng xử của con người.

Tà tư duy dẫn tới những hành động không trung thực, chắc chắn không đem lại lợi lạc lâu dài, làm nên nhân cách, uy tín của mình trong cộng đồng. Chánh tư duy là con đường đưa đến phẩm giá con người, đem lại sự an lạc cho mình, cho môi trường sống một cách lâu bền.

Với tinh thần Phật giáo, mọi sự thay đổi căn bản phải bắt đầu từ nhận thức. Để có được nhận thức đúng đắn, điều quan trọng nhất là phải dũng cảm nhìn nhận thực tế, tỉnh táo tìm ra nguyên nhân và có một giải pháp để khắc phục. Với tính chất vô thường của cuộc đời, bất cứ lúc nào cũng có thể là cơ hội cho sự bắt đầu, không bao giờ là quá muộn.

Thích Pháp Hỷ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày