Bến bình yên

GN - Chiều nay, con vô tình đọc được bản tin ngắn của báo Giác Ngộ kêu gọi độc giả viết về chủ đề “Bến bờ nhân gian” nhân mùa Vu lan - Báo hiếu.

“Trong đời mỗi người, hẳn ai cũng lớn lên bởi những ân tình. Đó là tình cảm gia đình, tình thầy trò, tình Linh sơn cốt nhục. Không hiếm những mối thâm tình đã đỡ nâng giúp ta vượt qua, đi tới và hướng về phía ánh sáng từ người thân thương, thầy Tổ để quay về nương tựa vững chãi trên bước đường đời, đường tu.

Nay mùa Vu lan đến, mùa hiếu hạnh về. Tất nhiên hiếu thì không có mùa. Nhưng những tháng ngày như thế này sẽ gợi lên cho mỗi người nhớ đến ơn trọng trong nhiều đời nhất, để rồi được an ủi, chia sẻ bằng tình thương vô bờ bến ấy”.

Đọc đến đây, bất giác con nhớ về thầy - bến bình yên cho con được neo đậu sau những chông chênh, vấp ngã.

Anh (1).JPG


Thầy tôi - Ảnh: Quảng Trung

Người con “lấm lem”. Con tìm đến thầy chỉ là sự khiên cưỡng, vì lúc đó chẳng có niềm tin với ai.

Con biết thầy qua lời giới thiệu của một sư cô học cùng lớp với sư huynh bây giờ. Con nhớ như in ngày đầu tiên gặp thầy. Thầy hỏi thăm con từ đâu đến, quê quán ở đâu…? Tất cả những câu hỏi mang tính thủ tục căn bản của mọi cuộc gặp đầu tiên. Thầy hỏi, con đáp. Duy chỉ có câu hỏi vì sao con đến đây là câu thầy hỏi đến ba lần nhưng con không trả lời. Bởi vì con không thể mở lòng ra để kể với thầy rằng con đã trải qua những gì, hay những ai đã làm con mất niềm tin,… Con không thể kể những điều không tốt mà con đã trải qua. Vì trong những chuyện không hay kia vẫn có những điều tốt đẹp để con nhớ về. Thầy biết không? Con đã nghĩ con sẽ không nói lý do vì sao con đến nơi này. Nếu sự gặp gỡ giữa con và thầy hôm nay đủ duyên, thầy cảm nhận được sự chân thành nơi con thì thầy sẽ chấp nhận. Còn nếu không đủ duyên thì thầy không nhận con cũng chẳng sao. Vì đằng nào con cũng không có niềm tin vào ai, có mất thêm nữa cũng không vấn đề gì.

Nhưng thầy ạ, mọi thứ khác với suy nghĩ của con. Thầy từ ái, mỉm cười và nói: Thầy hỏi lý do vì sao con đến đây con không trả lời cũng không sao. Không cần biết con từ đâu đến, nhưng con tự nguyện đến đây và xin ở thì con là đệ tử của thầy. Rồi thầy đặt tên cho con. Thầy nói thầy sẽ đặt pháp danh con là QUẢNG TRUNG. Quảng là rộng lớn, Trung không phải là rộng vừa vừa mà chữ Trung ở dưới có bộ tâm, nghĩa là hết lòng. Quảng Trung là thầy mong con có tấm lòng rộng lớn và luôn hết lòng vì người khác. Có thể bây giờ thầy không nhớ những gì thầy đã nói trong lần gặp con đầu tiên. Nhưng con thì con nhớ rất rõ, rất kỹ những gì ngày đầu tiên thầy nói.

 Những câu nói vô cùng đơn giản của thầy đã níu con lại khi con ở giữa ranh giới giữa đời và đạo, là động lực để con vượt qua những cơn bão lòng. Một lần nọ, khi con làm sai, có người nói rằng, “không biết thầy lượm ở đâu một đứa đầu đường xó chợ về để nó làm khổ tui” - câu nói trên không làm con buồn hay giận mà chỉ làm con ĐAU. Tất cả như vỡ òa, bao nhiêu kìm nén từ lâu bất giác tuôn trào theo nước mắt. Con xin thầy về quê như một cách trốn tránh và để cho lòng mình có một khoảng trống đủ để suy nghĩ. Con nghĩ con đến với thầy bằng một tấm lòng nhiều thương tổn, một vẻ ngoài lì lợm và bất cần. Thầy chính là người dùng sự bao dung của mình vá từng mảnh vỡ trong tâm hồn con. Thầy cho con niềm tin rằng cuộc đời này đâu đó vẫn tồn tại hai chữ tình người.

Con đến không mang lại niềm an lạc cho thầy, trái lại còn làm thầy phiền não. Biết ơn thầy từ bi tiếp nhận con, nhưng bản thân con còn nhiều thiếu sót. Con không muốn vì con mà thầy phải khó xử, nên lúc ấy con đã nghĩ hay là nhân dịp này con đi luôn và không trở về nữa. Nhưng khi về quê, đến ngày con hẹn vô lại mà chưa thấy con, thầy đã gọi con:

- Trung hả, sao giờ này chưa thấy con về?

- Dạ, con đang ở trên xe thưa thầy.

Tắt điện thoại, có gì đó nhói nhói trong lòng. Và con quyết định dù có thế nào đi chăng nữa cũng chẳng rời đi. Mấy năm trôi qua, thời gian không nhiều nhưng cũng chẳng còn mới, con nhớ lần con làm thầy giận nhất là lần con xin thầy đi nuôi cô bạn nằm trong bệnh viện. Thầy không cho nhưng con vẫn lén đi. Đến sáng, con đã cố gắng về sớm để thầy không biết, tuy nhiên ngoài dự đoán của con. Thầy biết và đã rất giận. Con nghe tiếng thầy gọi lớn trước phòng: Trung! Tại sao thầy không cho con đi mà con vẫn cố tình đi hả?

Con chắp tay im lặng. Thầy cũng lặng im quay đi. Quý thầy nói, chưa bao giờ thấy thầy giận đến như thế. Có lẽ, vì con còn nhỏ lại chân ướt chân ráo ở đây, không quen biết ai, thầy lo lắng nên mới thế. Chứ thật ra con cảm nhận được sự quan tâm, lo lắng của thầy với từng người trong chùa.

Rồi đến khi bác sĩ phát hiện thầy bị xơ gan, giãn tĩnh mạch thực quản giai đoạn 3. Cả chùa ai cũng lo lắng, thầy Quảng Phước phải từ Bình Phước ra vô liên tục. Từ đó bắt đầu cho những chuỗi ngày vào ra bệnh viện. Và những lần thấy thầy từ hết bệnh viện này qua bệnh viện khác, điều đó thành nỗi sợ trong con. Có lần thầy bị ói ra máu, vô cấp cứu bác sĩ nói thầy bị vỡ tĩnh mạch trong thực quản, phải nội soi và dùng thiết bị để thắt những vết ửng đỏ trong thành thực quản nếu không sẽ bị mất nhiều máu. Thầy Quảng Phước từ Bình Phước vô chưa kịp. Con loay hoay chẳng biết như thế nào.

 Lúc đó thầy lắc đầu, thầy nói thầy không muốn làm vì nó đau và khó chịu lắm. Thầy không làm đâu. Con biết, với thầy mỗi lần nội soi không gây mê là mỗi lần thầy bị đau, bị khó chịu, nhưng con không biết làm gì hơn ngoài cố gắng kìm lòng mà nói: Thưa thầy! Thầy cố gắng lên, những lúc này chỉ có thầy tự cố gắng vượt qua. Dù con có thương thầy đi chăng nữa con cũng chẳng gánh bệnh thay thầy được. Thầy cố lên!

Thầy im lặng để bác sĩ đưa vào phòng nội soi. Con ở bên ngoài nguyện cầu Đức Quan Âm. Một lúc sau bác sĩ ra nói vì máu ra nhiều nên thực quản chỉ toàn máu, không thấy các vết đỏ để thắt, tuy nhiên máu đã bớt chảy. Thầy Quảng Phước vào đến nơi để lo cho thầy, và thầy cũng qua được cơn nguy hiểm.

Đó chỉ là một trong số những lần thầy phải vào cấp cứu. Nhiều lần đứng trước lằn ranh giữa sinh và tử, tuy thân thể thầy đau đớn nhưng thầy luôn mang một tinh thần lạc quan. Khi chuyện trò cùng những bệnh nhân cùng phòng hay các y bác sĩ, sự hài hước của thầy đã truyền cho họ niềm vui mà quên đi sự đau đớn hay nỗi nhọc nhằn của người thân chăm bệnh. Đó là những bài học về thân giáo mà thầy đã dạy con.

Tuổi tác thầy ngày một lớn, bệnh duyên ngày một nhiều, bản thân con còn nhiều thiếu sót, còn ham vui, còn nghịch ngợm, còn nhiều tập khí xấu… con sợ sự trưởng thành của con chẳng chạy theo kịp lẽ vô thường. Nhưng từng ngày, từng ngày con vẫn đang cố gắng hoàn thiện mình. Để con không phụ lòng thầy đã thắp đuốc cho con.

Với con, thầy không chỉ là vị thầy cho con niềm tin, động lực bước trên con đường đạo mà thầy còn là người cha người mẹ - vị thầy sinh ra “giới thân, huệ mạng”.

* Tin, video liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Người thân mất lúc nửa đêm giỗ vào ngày nào?

GNO - Ông cụ nhà tôi mất lúc 23 giờ 50 ngày 20-12-Quý Mão. Vì ông mất lúc 23 giờ 50 là giờ Tý, mà giờ Tý nối liền giữa hai ngày (từ 23 giờ ngày 20-12 đến 1 giờ ngày 21-12) nên một số người thân cho rằng ông mất vào ngày 21-12-Quý Mão. Cách tính ngày mất như vậy có chính xác không? 

Thông tin hàng ngày