Bệnh tay chân miệng ở TP.HCM tăng nhanh

Tuần cuối tháng 9, thành phố ghi nhận 640 ca tay chân miệng, cao nhất tính theo tuần kể từ đầu năm đến nay.

taychanmieng.jpg

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết ba tuần qua, số trẻ mắc tay chân miệng ghi nhận tại bệnh viện tăng cao. Trung bình mỗi ngày có hơn 30 trẻ cần điều trị nội trú. Trong đó, luôn có hai đến ba trẻ bị nặng độ 2B, độ 3 đã biến chứng về thần kinh như chới với, giật mình, mạch nhanh, huyết áp cao.

Những tháng trước đó, khi thực hiện giãn cách xã hội phòng tránh Covid-19, có thời điểm bệnh viện không điều trị ca tay chân miệng nào.

"Bệnh tay chân miệng đã vào mùa, đỉnh dịch có thể vào tháng 10", bác sĩ Khanh nói.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố (HDCD), tính từ đầu năm đến nay, TP.HCM ghi nhận 6.358 ca tay chân miệng, riêng tuần qua đến 640 ca. Số ca trong tuần tăng tại 19 quận, huyện, trong đó có 4 địa phương ở mức độ cảnh báo. HCDC cảnh báo tình trạng đáng báo động và cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh để dịch không lây lan trên diện rộng.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm chủ yếu do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên, lây truyền qua đường tiêu hóa. Bệnh lây từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các nốt phỏng, phân, chất nôn của người bệnh. Khả năng lây cao nhất là trong một tuần sau khi trẻ khởi phát triệu chứng. Tuy nhiên virus có thể tồn tại trong cơ thể trẻ vài tuần sau đó.

Bệnh dễ lây lan nhất là những nơi đông trẻ như trường mẫu giáo, nhóm trẻ. Hiện nay do trẻ em, học sinh tập trung trở lại vào năm học mới, là thời điểm bệnh tay chân miệng có thể bùng phát.

Triệu chứng dễ thấy nhất là trẻ sốt kèm nổi bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân. Khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau: sốt cao liên tục khó hạ, giật mình, chới với khi ngủ hoặc thức, run tay chân, đi đứng loạng choạng không vững, nôn ói liên tục, lừ đừ, li bì hoặc không tiếp xúc, co giật, da xanh tái, thở mệt hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ba mẹ thấy lo lắng... phải đưa trẻ nhập viện ngay.

Bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng ngừa. HCDC khuyến cáo người dân phòng bệnh cho trẻ bằng ba sạch: ăn uống sạch - ở sạch, bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch.

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. Cha mẹ cho trẻ nghỉ học khi mắc bệnh để hạn chế lây lan cho trẻ khác.

Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên chủ yếu là điều trị triệu chứng. Phụ huynh chăm sóc trẻ tại nhà như: giữ sạch các vết phồng rộp hoặc vảy và tránh chạm vào chúng; cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ nuốt; sử dụng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, bù đủ nước cho cơ thể theo hướng dẫn của bác sĩ.

Thư Anh / VnExpress

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Hòa thượng Thích Huệ Thông: “Muốn đăng ký con dấu mới phải thành lập Ban Quản trị tự viện”

GNO - Liên quan hướng dẫn về con dấu Ban Quản trị tự viện ngày 24-4-2024 của C06 - Bộ Công an và con dấu của tự viện đang lưu hành còn hiệu lực hay không, Báo Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư GHPGVN, về vấn đề đang được quan tâm này.
Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày