Bếp xuân

Bếp nghèo của mẹ - Ảnh minh họa
Bếp nghèo của mẹ - Ảnh minh họa

GN - Tôi thường nhớ về chái bếp của mẹ để nuôi dưỡng những hương vị ký ức trong nhiều năm tháng phiêu bạt xa quê. Bếp của mẹ nghèo xác xơ mái lá nhưng luôn ấm lửa và đượm mùi của hai tiếng “quê hương” - khác hẳn với mùi xào nấu đầy dầu mỡ, mùi bếp ga hiện đại, mùi của những bữa cơm rau thịt đầy ắp hoài nghi về lòng tham vô đáy của con người.

Năm nay lạnh, thèm đến se lòng ngọn lửa nhỏ từ bàn tay mẹ nhen lên. Chúng tôi ngồi xung quanh giơ bàn tay bé xíu ra hơ lửa. Hơn hai mươi năm sau, những bàn tay năm xưa đã in hằn đường chỉ thời gian đầy khắc nghiệt.

Mỗi lúc trở về vẫn muốn ngồi sưởi bên bếp mẹ lùi lụt khoai ngô và nghe những câu chuyện xóm làng thời đổi mới. Mẹ kể thủ thỉ và chậm rãi chuyện dự án nước sạch mới chạy qua thôn nhưng do thu giá quá cao nên không nhà nào đăng ký. Chuyện con đường cao tốc chạy qua xã đã giúp khối nhà đổi đời từ tiền đền bù đất. Chuyện người ta thi nhau chạy vào hộ nghèo để xin suất khám bệnh định kỳ trên bệnh viện và để con cái đi học được miễn giảm phần nào tiền học phí.

Chuyện mẹ kể chưa dứt thì nồi cá kho trên bếp đã đủ lửa dậy lên mùi thơm của nước tương phơi bằng nắng quê hương…

Bếp của mẹ mùa nào thức ấy. Những ngày xuân luôn có vị ngọt ngào của mẻ kẹo lạc ngày mưa. Khi trời đất ủ ê một màu xám xịt, mọi người nằm cuộn trong chăn ấm xem ti vi thì mẹ lục trong chiếc hòm gỗ mang lạc ra bóc vỏ. Mấy đứa cháu giờ sướng hơn chúng tôi ngày xưa, quà bánh lúc nào cũng đầy nhà, nên chúng không còn hào hứng với những món quà quê của mẹ. Nhưng tôi thì khác, dù đi khắp đây đó, thưởng thức đủ các món ngon nhưng vẫn thích kẹo chè lam, xôi xắn, khoai lang luộc…

Quà của mẹ mang hương vị đồng quê, giản dị nhưng ngọt ngào ấm cúng. Khói bếp bay về trời mờ ảo như hình ảnh mẹ tôi thấp thoáng trong miền ký ức.

Có đôi lúc tôi giật mình tự trách móc bản thân đã quá lâu không về thăm mẹ. Để đến mức hình ảnh mẹ hiện lên như ảo ảnh xa vời. Về với mẹ là về với căn bếp bám đầy bồ hóng. Vài giọt nắng len lỏi đậu lên vai người ngồi bẻ củi. Lòng tự hỏi còn những ngày mưa sẽ ra sao? Con cháu đủ đầy mà sao bếp mẹ dột từ mùa này sang mùa khác? Lòng thắt lại nghĩ đời trai vô dụng. Bao nhiêu năm phiêu bạt mưu sinh mà không cóp được từng viên gạch xây bếp mẹ khang trang để nắng mưa là chuyện của trời.

Có những ngày thức dậy trong tiếng ồn ã của xe cộ và máy móc vọng đến. Tôi thèm được ngồi yên trong bếp mẹ đến mềm lòng. Nhớ mùi bùn đất còn bám trên đôi bàn chân gầy gò của mẹ. Lúa vụ xuân mẹ kịp cấy trong cái rét buốt giá lạnh đầu năm. Vừa lên bờ còn chưa kịp rửa sạch tay chân mẹ đã chạy về nương nhờ bếp lửa. Tôi giờ cũng lấm láp bụi đời, trong cái lạnh co ro của mùa xuân miền Bắc cũng thèm được về sum vầy tựa vào mẹ và bếp lửa cho cõi lòng bớt đi phần đơn lạnh...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.
Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.

Thông tin hàng ngày