Bí ẩn nhục thân các thiền sư - Kỳ 3: Chuyện lạ từ làng Phật Tích

Nhà điêu khắc Bùi Đình Quang (trái) và nhà nhân chủng học Nguyễn Lân Cường tái tạo hình dạng của nhục thân thiền sư Chuyết Chuyết dựa vào di cốt còn lại - Ảnh tác giả cung cấp
Nhà điêu khắc Bùi Đình Quang (trái) và nhà nhân chủng học Nguyễn Lân Cường tái tạo hình dạng của nhục thân thiền sư Chuyết Chuyết dựa vào di cốt còn lại - Ảnh tác giả cung cấp
Chùa Phật Tích - ngôi chùa thời Lý nghìn năm tuổi còn giữ được pho tượng đá lớn nhất và những con thú bằng đá, nằm trên lưng chừng núi Lạn Kha, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Nhưng tại sao lại có tên Lạn Kha, Tiên Du và Phật Tích?

Chuyện xưa

Trèo lên đỉnh núi phía sau chùa, chúng ta sẽ bắt gặp mấy khối đá vuông, mặt phẳng. Các cụ già trong làng bảo đấy là bàn cờ tiên. Tương truyền, trong làng lúc đó có một chàng tiều phu tên gọi là Vương Chất. Một hôm, nhân lên núi đốn củi, Vương Chất thấy hai cụ già râu tóc bạc phơ đang ngồi đánh cờ trên tảng đá bằng phẳng. Hai cụ vừa đánh cờ vừa ăn đào và vứt hột sang bên. Vương Chất vừa xem cờ, vừa nhặt hạt đào để ngậm tiếp. Ván cờ vừa xong, nhìn xuống chân, thấy chiếc cán rìu đã mục và cũng là lúc hai cụ biến vào sau hàng thông hiu quạnh... Soi mình trong bóng nước thấy râu tóc bạc trắng, chàng mới chợt hiểu rằng mình đã lạm sống một thời gian dài ở cõi tiên - một năm bằng sáu, bảy mươi năm ở cõi trần. Thế là, vì có tiên xuống chơi mà người ta gọi là Tiên Du và cũng vì “cán rìu mục nát” mà núi ở đây cũng còn có tên là Lạn Kha...

Truyện kể lại, chùa xưa rộng rãi khang trang có tới 300 tòa nhà. Chỉ riêng công việc dọn dẹp đã cần tới 70 người. Đặc biệt ngọn tháp của chùa cao vời vợi, nhòa lẫn trong mây, đến nỗi ở tận kinh thành Thăng Long vẫn còn nhìn rõ. Nhà vua ngạc nhiên hỏi cận thần cớ sao ở nơi thôn dã mà lại có cây tháp cao hơn cả cung điện trong hoàng thành? Sau lời “quở” đó, cây tháp thần kỳ bị đổ dọc theo sườn núi, gạch đổ xuống tới tận đầu làng dài gần cây số, nơi ấy nay còn tên là “Ngõ Gạch”. Dưới lòng đáy tháp lộ ra một pho tượng Phật sừng sững. Pho tượng ấy nay vẫn còn, gọi là tượng Phật A Di Đà. Để ghi lại tích Phật ấy, làng đổi tên là Phật Tích và dời lên sườn núi.

Bí ẩn tháp Báo Nghiêm

Vào một đêm cuối tháng 8.1989, trời mưa tầm tã, những tia sét cuối hè xé ngang bầu trời tối đen như mực, liếm sang cả phía sau sườn núi Lạn Kha. Chính trong cái đêm mưa bão ấy, kẻ gian đã lẻn lên sau chùa phá ô cửa nhỏ bằng đá của tháp Báo Nghiêm, hòng tìm kiếm vàng bạc, hay tượng đồng đen trong tháp. Tháp Báo Nghiêm, dựng năm Chính Hòa thứ 13 (1692), cao bốn tầng. Mặt tháp có chạm tượng Phật, ngồi trên tòa sen. Bọn trộm có ngờ đâu, trong lòng tháp chỉ vỏn vẹn có một vại sành, trong đó đựng xương và những mảnh vỡ của một pho tượng cổ. Ngày hôm sau, đoàn tham quan gồm bảy nhà sư do Thượng tọa Thích Thanh Quang - trụ trì chùa Quỳnh Lâm (tỉnh Quảng Ninh) dẫn đầu lên thăm khu tháp bỗng nhìn thấy các mảnh xương, mảnh bồi nằm tung tóe dưới chân tháp. Thượng tọa vội báo cho Ban di tích “Tìm thấy di hài của Phật Tổ rồi!...”. Ông Trần Xuân Trường và Ban di tích của chùa vội gom lại xương và các mảnh bồi vào trong một hòm kính đặt ở chùa. Chẳng mấy chốc, cái tin tìm thấy thi hài của “Phật Tổ” lan đi rất nhanh. Đúng vào thời gian này, tôi đang nghiên cứu tại Viện Khảo cổ học Viện Hàn lâm khoa học Cộng hòa Liên bang Nga (Liên Xô cũ) ở Moscow. Về nước vào đầu tháng 3.1991, thì giữa tháng 4, tôi được Ban di tích của chùa Phật Tích mời lên nghiên cứu nhục thân của thiền sư.

Ngày 26.4.1991, trở lại chùa Phật Tích lần thứ hai, suốt cả một ngày trời tôi loay hoay chắp gắn và khớp được ống chân phải với phần dưới của đùi, tạo thành một góc nhọn, chúng tôi khẳng định tư thế hai chân ngồi xếp bằng tròn của pho tượng. Chúng tôi đã phát hiện ra 209 mảnh bồi và 133 mảnh xương. Nghiên cứu góc xương mu, khuyết ngồi lớn, mỏm chũm... chiều dài xương đùi, chúng tôi cho rằng đây là di hài của một người đàn ông chừng 65-70 tuổi, cao 1,59m. Đặc biệt chúng tôi tìm được bảy đoạn dây đồng nằm lọt giữa mảnh bồi. Như vậy, chắc chắn người ta đã dựng khung xương trước nhờ những đoạn dây đồng và bồi ra bên ngoài để tạo tượng. Chất bồi cũng là sơn ta, vải màn, mạt cưa, đất... giống chất bồi của thiền sư Vũ Khắc Minh, nhưng cách tạo tượng thì khác hẳn vì không bồi trực tiếp lên thi hài.

Nhìn chiếc vại đựng thi hài, chúng tôi thấy nét vẽ rồng bằng phẩm màu rất sơ sài, nên tôi và nhà khảo cổ học Trịnh Cao Tưởng đều cho rằng đây là chiếc vại có niên đại rất muộn - chỉ cách ngày nay vài chục năm, không thể so sánh với niên đại của tháp. Thế thì có đúng đây là di hài của thiền sư Chuyết Chuyết hay không? Tại sao bức tượng có xương cốt của ngài lại bị đập vỡ và để trong vại đặt trong tháp Báo Nghiêm của chùa Phật Tích? Tất cả những câu hỏi trên mãi sau này chúng tôi mới có lời giải đáp...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Toàn cảnh khai mạc Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

Thượng tọa Thích Đức Thiện tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

GNO - Nhận lời mời của Hiệp hội giao lưu Văn hóa và Tôn giáo Trung Hoa, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, đoàn đại biểu GHPGVN do Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự dẫn đầu đã tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao (BFA) 2024 diễn ra từ 26 đến 29-3-2024 tại Hải Nam, Trung Quốc.

Thông tin hàng ngày