Hiện nay, chùa Long Thiền đã trùng tu ngôi bảo tháp, có dựng tấm bia mới. Riêng tấm bia cũ thì được gắn ở bức bình phong hậu đầu, nằm phía sau thân tháp.
Trong bài viết này, chúng tôi khảo sát tấm bia cũ, một văn bia tháp khá xưa. Bia được làm bằng loại đá sa thạch, loại đá thuộc địa phương ở đây. Loại đá này có màu xám trắng, khác với loại đá sa thạch ở miền Trung, màu gan gà. Do viếng thăm chùa trong thời gian ngắn nên chưa kịp đo kích thước của bia. Bia thuộc loại bia lớn, lòng bia đục âm, trán bia nhún ba vòng để tạo hình, hoa sen được tạo hình ngay phần dưới nằm vị trí giữa, cánh sen vươn tỏa sang hai bên tạo tính đăng đối, hai cánh sen dưới cùng biến hóa thành một dạng dây lá. Có thể thấy đây là một tổ hợp trang trí trán bia hoàn chỉnh với hình tượng “liên hóa”. Dạng mô-típ liên hóa tạo hình như thế thường thấy trên trán bia và đế bia ở miền Trung, có niên đại sớm1. Điều đặc biệt là nhìn kỹ xung quanh bia, nhận ra phía trên có hai ô vuông lấy nền thấp. Phía phải có mấy chữ Hán như sau: “Đệ tử đẳng phụng tự 弟子等奉祀”, nghĩa là chúng đệ tử vâng thờ. Phía dưới gần đế bia còn hai chữ “chi tháp 之塔”. Hai hàng chữ này nằm rìa bên phải và cuối bia, nét đục sâu, chữ lớn hơn lòng bia mà ta giới thiệu ở dưới. Điều đó cho thấy, nguyên xưa tấm bia lớn, được thế hệ sau cho hạ nền, làm lại lòng bia, cho khắc đục nội dung. Dấu vết lòng văn của văn khắc cũ vẫn còn mà chúng tôi chỉ ra ở trên.2
Lòng bia có ba hàng chữ Hán, hàng giữa khắc chữ lớn hơn hàng hai bên. Bia bị bào mòn bởi thời gian và thời tiết nên khoảng trên mờ chữ, không thể đọc ra. Phía trên hai bên đề hai chữ Hán, tỷ lệ bằng hàng giữa. Đó là hai chữ “Lâm Tế”. Hàng giữa như sau:
Sa-môn []3 Trần thượng Ẩn hạ Sơn lão lực sinh bảo tháp.
沙門[]陳上隱下山老力生寳塔。
Tạm dịch:
Bảo tháp Sa-môn họ Trần trước Ẩn sau Sơn lão Hòa thượng.
Chữ “thượng, hạ” trong đạo hiệu được khắc chữ nhỏ. Hai hàng hai bên khắc tụt xuống, lối khắc chữ theo kiểu lạc khoản, tức hàng bên trái viết cao hơn hàng bên phải. Chúng tôi xin cung lục:
[Tuế thứ] Nhâm Thân quý hạ Thượng hoán cát đán.4
[歲次]壬申季夏上浣吉旦。
Tạm dịch:
Ngày tốt Thượng hoán, cuối hè năm Nhâm Thân.
Hàng bên phải đề:
Đệ tử: Phật Chiếu, Phật Bảo, Phật Định đồng chúng đẳng lập thạch.
弟子佛照,佛寳,佛定仝衆等立石。
Tạm dịch:
Đệ tử Phật Chiếu, Phật Bảo, Phật Định cùng đại chúng lập bia.
Hàng giữa một chữ mờ đọc không được, có thể là chữ tính 姓. Vì sau có chữ Trần là một tộc trong bách tính, thì từ đi trước là chữ tính/tánh. Lực sinh là từ dịch ý của từ Hòa thượng5. Một số vị Tổ dùng từ Lực sinh thay chữ Hòa thượng. Cùng thời có Hòa thượng Minh Dung Pháp Thông (1691-1749) trong bản in Nhân quả thực lục6, tờ cuối tác phẩm có ghi:
龍德五年十月十三日,乞士明融法通力生重梓。
Tạm dịch:
Ngày 13 tháng 10 năm Long Đức thứ 5, khất sĩ là Hòa thượng Minh Dung Pháp Thông khắc ván lại.
Như vậy, cùng thế kỷ XVIII, dùng chữ Lực sinh thay cho chữ Hòa thượng. Lạc khoản niên đại, hai chữ đầu “Tuế thứ” khá mờ. Chữ “Nhâm Thân” còn rõ nét. Chúng tôi nhìn kỹ, sợ đọc nhầm, nhưng đúng là Nhâm Thân. Thượng hoán cũng là thượng tuần, một tháng có 3 tuần, mỗi tuần 10 ngày. Thượng hoán là 10 ngày đầu của tháng. Quý hạ tức cuối hè, thuộc tháng 6 âm lịch. Việc đổi năm Nhâm Thân sang dương lịch sẽ bàn ở dưới.
Lạc khoản bên phải cho biết, ba vị đệ tử đại diện môn đồ là Phật Chiếu, Phật Bảo, Phật Định đứng dựng bia. Như vậy, đây là bia tháp của Hòa thượng Ẩn Sơn tộc Trần thuộc thiền phái Lâm Tế. Thông tin trên bia khá ít, chúng ta phải đọc thêm bài vị trong tổ đường chùa Long Thiền. Một bài vị sơn son thếp vàng, gắn với đế tọa. Phía trên chia làm ba khung nối kết, mỗi khung có đường viền nhỏ, bên trong khắc chữ. Xin trích ra:
臨濟正宗三十五世諱佛照上慶下瑞印山和尙猊座。
臨濟正宗三十四世諱成岳上隱下山老力生覺靈猊座。
臨濟正宗三十六世諱祖金上慈下真和尙覺猊座。
Tạm dịch:
Nghê tọa Hòa thượng húy Phật Chiếu trước Khánh sau Thụy [hiệu] Ấn Sơn đời 35 Lâm Tế chính tông.
Nghê tọa giác linh lão Lực sinh húy Thành Nhạc trước Ẩn hạ Sơn đời 34 Lâm Tế chính tông.
Nghê tọa giác linh Hòa thượng húy Tổ Kim trước Từ sau Chơn đời 36 Lâm Tế chính tông.
Đây là bài vị thờ ba Tổ đầu của chùa Long Thiền. Đáng chú ý là lòng văn giữa, khắc về Hòa thượng Ẩn Sơn, cung cấp thêm tên húy là Thành Nhạc đời 34 phái Lâm Tế. Điều này bổ sung văn khắc trên bia tháp, đúng là ngài theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần.
Xét ra các vị đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông hành đạo thuộc thế kỷ XVIII, nên bia ghi năm Nhâm Thân được đổi sang là năm 1752. Nguyễn Hiền Đức trong công trình Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, tập II có khảo về Hòa thượng Thành Nhạc Ẩn Sơn. Soạn giả dựa theo lời kể của hai vị Tỳ-kheo chùa núi Châu Thới cho rằng: “Hòa thượng Thành Nhạc đã khai sơn chùa trên núi Châu Thới. Hòa thượng Ẩn Nhạc vẫn thỉnh thoảng xuống bến Ngựa ở trên sông Đồng Nai để tắm, sau này các đệ tử hay pháp tôn mới lập chùa Long Thiền (xã Bửu Hòa, tỉnh Biên Hòa sau này). Hòa thượng Thành Nhạc Ẩn Sơn viên tịch ngày 17 tháng Chạp năm Bính Thân (1776) ở chùa núi Châu Thới, đệ tử lập tháp ở gần chùa để an táng và thờ cúng. Sau này, tháp này bị hư sập nên đệ tử lập thêm tháp ở chùa Long Thiền để thờ vọng”.7
Lời kể trên cũng cần kiểm chứng. Tháp mộ tại chùa Long Thiền khá xưa, có cả bia chí; trong khi chùa núi Châu Thới không có tháp mộ. Sách Gia Định thành thông chí viết về núi Châu Thới không có ghi về Hòa thượng Thành Nhạc Ẩn Sơn8. Tác giả cho ngài viên tịch ngày 17 tháng Chạp năm Bính Thân (1776). Xem kỹ lạc khoản bên trái ở bia thì năm lập bia là năm Nhâm Thân (1752), chứ không phải năm Bính Thân. Thời gian lập bia là cuối hè tức tháng 6. Tác giả có thể dựa vào ngày kỵ giỗ tại chùa Long Thiền và bia tháp để ghi thời gian viên tịch chăng?
Chùa Long Thiền kỵ giỗ Tổ khai sơn ngày 17 tháng Chạp thì đó chính là ngày tháng viên tịch của Hòa thượng. Đối với năm viên tịch, thì phải lùi lại một năm, tức năm 1751. Vì Hòa thượng tịch cuối năm, tháng 6 năm sau mới hoàn thành ngôi bảo tháp và dựng bia. Chúng tôi chưa thấy chỗ nào ghi ngày, tháng, năm viên tịch của Hòa thượng Ẩn Sơn.
Trong bia có xuất hiện ba vị đệ tử là Phật Chiếu, Phật Bảo và Phật Định. Bài vị trích dẫn thấy có ghi vị Hòa thượng húy Phật Chiếu trùng khớp với văn bia. Ngài có thêm hai tên nữa là Khánh Thụy và Ấn Sơn. Do bài vị sơn lại nên nét chữ bị sơn che nhiều nét, nhưng vẫn nhận ra con chữ. Vậy, ngài Phật Chiếu kế thừa Hòa thượng Thành Nhạc Ẩn Sơn trụ trì chùa Long Thiền. Tại chùa Phước Tường (Thủ Đức) có long vị một ngài có tên húy Phật Chiếu. Chúng tôi xin trích dẫn lòng long vị:
嗣臨濟正宗三十五世隆興堂上諱佛照上靈下光大師覺靈。
壬辰年八月二十五日未時示寂。
Tạm dịch:
Giác linh Đại sư húy Phật Chiếu trước Linh sau Quang nhà trên Long Hưng nối pháp đời 35 Lâm Tế chính tông. Thị tịch giờ Mùi ngày 25 tháng 8 năm Nhâm Thìn.
Đại sư Phật Chiếu Linh Quang chùa Hưng Long mà ngài thị tịch năm Nhâm Thìn đổi sang dương lịch là năm 1772. Ta thấy hai vị có cùng tên húy là Phật Chiếu. Bài vị ở chùa Long Thiền ghi đạo hiệu là Khánh Thụy và thêm tên nữa là Ấn Sơn, giới phẩm Hòa thượng. Còn long vị tại chùa Phước Tường ghi đạo hiệu Linh Quang giới phẩm Đại sư9. Có sự sai dị đạo hiệu cùng giới phẩm. Xưa nay, chư sơn đều cho ngài Phật Chiếu Linh Quang là đệ tử ngài Thành Nhạc Ẩn Sơn, theo như tư liệu chúng tôi đưa ra nên đặt lại vấn đề trên, chớ đồng nhất hai vị. Vị đệ tử thứ hai là Phật Bảo, trùng tên với vị Tổ khai sơn chùa Thiên Ấn (Quảng Ngãi) là Phật Bảo Pháp Hóa. Vị thứ ba là Phật Định thì chưa thấy chỗ nào ghi chép nơi hành đạo.
Chùa Long Thiền có thêm vị trụ trì kế tiếp là Tổ Kim Từ Chơn. Trong khi đó chùa Đại Giác có long vị thờ ngài Tổ Chơn Hoằng Kim10. Long vị mới sơn thếp lại nên việc đọc chữ cũng khó. Long vị ngài Tổ Chơn Hoằng Kim có ghi rõ “Đại giác đường thượng”. Không rõ lý do gì tác giả Nguyễn Hiền Đức khi khảo về chùa Đại Giác ghi đời thứ tư là Thiền sư Tổ Kim Từ Chơn11. Ông lại nhầm ngài Tổ Kim Từ Chơn ở chùa Long Thiền chăng? Tác giả cũng không đưa Hòa thượng Thiệt Truyền Giác Liễu vào trụ trì chùa Đại Giác. Trong khi đó, chúng tôi tiếp cận bia tháp và long vị tại chùa Đại Giác thì nhận ra chùa có tháp và long vị phụng thờ Hòa thượng Thiệt Truyền Giác Liễu12. Chưa nói tác giả đưa hai vị Thiền sư Thành Đẳng Minh Lượng và Phật Ý Linh Nhạc vào làm đời trụ trì thứ nhất và thứ hai là vô căn cứ. Bàn Tổ lập long vị của hai Tổ, nhưng tư liệu thì không thấy ghi. Có lẽ tác giả Nguyễn Hiền Đức nhầm giữa trụ trì và truyền đăng chăng?
Tiếp cận bia tháp Tổ cùng long vị tại chùa Long Thiền, chúng tôi có cơ hội đối chiếu với tư liệu chùa Đại Giác cùng Phước Tường. Nhận ra các thế hệ đi trước đã đồng nhất Hòa thượng Phật Chiếu Khánh Thụy Ấn Sơn (chùa Long Thiền) với Đại sư Phật Chiếu Linh Quang (chùa Hưng Long) thờ tại chùa Phước Tường; Hòa thượng Tổ Kim Từ Chơn (chùa Long Thiền) với Đại sư Tổ Chơn Hoằng Kim (chùa Đại Giác). Nhờ tấm bia cũ còn lưu tại chùa Long Thiền, mới nhận ra đọc nhầm năm dựng bia, từ năm Nhâm Thân 壬申 thành năm Bính Thân 丙申, nối kết với ngày kỵ giỗ Tổ khai sơn để biến dụng thành thời gian viên tịch của Tổ sư Thành Nhạc Ẩn Sơn là một ngộ nhận cần được đính chính. Để lập hệ phổ truyền thừa từ Hòa thượng Thành Nhạc Ẩn Sơn, cần có Chính pháp nhãn tạng để phác họa và thiết lập mới có cái nhìn xuyên suốt về truyền thừa.
_____________
(1) Nhờ nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Bảo Đàn (Huế) gợi ý mô tả phần trán bia. Nhân đây xin tri ân anh.
(2) Bia tháp Tổ Khắc Huyền chùa Thiền Lâm (Huế) cũng trường hợp này.
(3) Dấu [] chỉ mất một chữ. Do bia mờ không thể đọc.
(4) Chữ Tuế thứ khá mờ, Nhâm Thân còn đọc được.
(5) Phật Quang đại từ điển 2 (Bản dịch của Thích Quảng Độ), Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn, Đài Bắc xuất bản, Đài Loan, 2000, tr.2179-2180.
(6) Nhân quả thực lục, bản in lại năm Mậu Thìn (1808) do ngài Tổ Trí Quảng Đạt chùa Đức Long thực hiện. Thư viện Huệ Quang tàng thư.
(7) Bài vị khắc thiếu chữ linh trong giác linh.
(8) Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, tập II, NXB.Thành phố Hồ Chí Minh, tr.199.
(9) Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, sơn xuyên chí, (Phạm Hoàng Quân dịch, chú và khảo chứng), NXB.Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2019, tr.57, Chiêu Thái sơn [núi Châu Thới].
(10) Chùa Phước Tường nguyên xưa là chùa Phước Quang. Tại sao ngài Phật Chiếu Linh Quang lại ghi là chùa Long Hưng, cho là vị Tổ khai sơn chùa Phước Tường? Điều này cần xem xét lại.
(11) Lòng long vị đề: “Lâm Tế chính tông tam thập lục thế, Đại Giác đường thượng, húy Tổ Chơn thượng Hoằng hạ Kim Đại sư nghê tọa”.
(12) Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, tập II, NXB.Thành phố Hồ Chí Minh, tr.258.
(13) Trong các tháp tại chùa Đại Giác, tháp Hòa thượng Thiệt Truyền Giác Liễu xưa, ngài có thể là vị Tổ khai sáng ngôi chùa, chứ không phải là Hòa thượng Thành Đẳng Minh Lượng như nhiều người đề xuất. Sau khi ngài viên tịch, đầu niên hiệu Gia Long thì ngài Tổ Ấn Mật Hoằng sang kế nhiệm trụ trì. Năm Gia Long thứ 13 (1814), ngài Mật Hoằng ra trụ trì chùa Thiên Mụ, thì chùa Đại Giác giao lại cho Đại sư Tổ Chơn Hoằng Kim trụ trì.