Viện Nghiên cứu Tôn giáo khảo sát tại chùa Thiên Tôn

GNO - Ngày 21-8, phái đoàn Viện Nghiên cứu Tôn giáo (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) do PGS.TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng, đã đến khảo sát xã hội học chùa Thiên Tôn (Q.5, TP.HCM).

Tháp tùng còn có GS.TS Nguyễn Hồng Dương; TS.Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo và các thành viên.

Hinh 1.jpg


Quang cảnh buổi làm việc của đoàn khảo sát thuộc Viên Nghiên cứu Tôn giáo

HT.Thích Chơn Không, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban HDPT T.Ư, trụ trì chùa Thiên Tôn cùng đông đảo Phật tử đại diện đang sinh hoạt tại chùa tiếp đoàn.

Tại buổi làm việc, PGS.TS Chu Văn Tuấn cho biết, đợt khảo sát được thực hiện nhằm nghiên cứu, tìm hiểu thực tế khách quan về đời sống gia đình, tín ngưỡng tâm linh của tín đồ Phật giáo tại TP.HCM.

Theo đó, đoàn sẽ phát phiếu khảo sát cho 40 hộ gia đình Phật tử đại diện để điền các thông tin cá nhân và sau đó cán bộ trực tiếp phỏng vấn sâu để có kết quả tổng hợp, trình lên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhằm tham mưu với Chính phủ về các vấn đề liên quan đến Phật giáo.

Phát biểu với đoàn khảo sát, HT.Thích Chơn Không thể hiện niềm hoan hỷ chào đón các thành viên trong đoàn và mong rằng buổi làm việc đạt được kết quả viên mãn.

Dịp này, HT.Thích Chơn Không cũng cho biết, tiếp nối truyền thống “Hoằng dương chánh pháp”, “Hộ quốc an dân” các bậc tiền nhân, chư Tăng và Phật tử chùa Thiên Tôn luôn tích cực tham gia các công tác Phật sự của GHPGVN, tham gia các phong trào ích nước lợi dân. Hiện tại chùa có các mô hình tu học gồm đạo tràng Bát quan trai, đạo tràng niệm Phật, ban trợ niệm, lớp giáo lý, CLB Thanh thiếu nhi Phật tử và nhiều Phật sự khác. Các hoạt động này tích cực góp phần hướng dẫn Phật tử sinh hoạt tu học theo lời Phật dạy, mang đến những lợi ích thiết thực cho bản thân, gia đình và xã hội.

Hinh 3.jpg


Phái đoàn chụp ảnh lưu niệm với HT.Thích Chơn Không

Được biết, chùa Thiên Tôn trước đây có tôn hiệu là Giác Hoàng, do HT.Thích Minh Đức, đệ tử của Tổ Huệ Đăng, khai sơn vào năm 1947 tại bến đò Cây Keo, Bến Hàm Tử, nay là đại lộ Võ Văn Kiệt, P.5, Q.5. Năm 1952, chùa Giác Hoàng dời về số 117/3/2 đường An Bình P.6, Q.5 hiện nay.

Năm 1954, nhân dịp lễ lạc thành và an vị Phật, chùa đổi tên thành Thiên Tôn. Trong hai thời kỳ kháng chiến, đấu tranh giành độc lập dân tộc, chùa Thiên Tôn là cơ sở cách mạng và hiện là di tích lịch sử cấp thành phố.

Bảo Thiên - Minh Huệ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày