Do ba sự kiện này, này các Tỷ kheo, một người được biết là có lòng tin.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Nhỏ, phần Sự kiện, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.268)
LỜI BÀN:
Lòng tin, niềm tịnh tín Tam bảo là nhân tố quan trọng cần phải thành tựu để làm nền tảng cho sự tu tập, hướng thiện. Niềm tin vốn tiềm ẩn trong lòng với các phương diện rộng hẹp và mức độ sâu cạn khác nhau. Vì thế, dựa vào những biểu hiện tu học trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người có thể kiểm nghiệm lại niềm tin của chính mình hoặc có thể đánh giá niềm tin của người khác.
Trước hết, biểu hiện cụ thể của lòng tin là tôn trọng và thực hành các chuẩn mực, giá trị đạo đức. Khi một người hâm mộ, ca ngợi và kính ngưỡng người có giới hạnh (đạo đức), chứng tỏ người ấy đang hướng thiện, mong muốn làm bạn với thiện, sợ hãi những điều ác, tin sâu nhân quả. Sự thân cận, quý kính các bậc chân tu, luôn quan tâm đến vấn đề “người tốt, việc tốt” trong xã hội để học tập, noi gương là biểu hiện của người có lòng tin.
Niềm tin của những người con Phật, theo tuệ giác của Thế Tôn, luôn song hành với hiểu biết. Muốn tin sâu, tin chắc phải hiểu rõ giáo pháp, mở mắt ra để thấy rõ rồi tin mới là chánh tín, tịnh tín. Do vậy, thích thú nghiên tầm kinh điển, say mê học hỏi giáo pháp nhằm hiểu biết sâu sắc hơn lời Phật dạy và ứng dụng vào cuộc sống để được những lợi ích, an vui là biểu hiện thứ hai của lòng tin.
Khi đã hiểu rõ diệu pháp, thấy được sự mong manh của kiếp người, cuộc đời nên nguyện không nắm giữ, chấp thủ và xả ly. Bố thí, cho, buông bỏ, xả… hết thảy một cách hoan hỷ, tự nhiên vì thấy rõ chẳng có gì xứng đáng để nắm giữ. Sống là cho, là phụng hiến chính là minh triết cao cả và thánh thiện của những tâm hồn tịnh tín. Chỉ những ai thành tựu được niềm tin bất động vào Tam bảo mới làm được điều thí xả trọn vẹn này.
Thì ra, niềm tin tuy ở trong lòng nhưng cũng dễ thấy qua những biểu hiện, hành xử trong cuộc sống. Và quan trọng hơn, thành tựu được niềm tin cũng chính là thành tựu tuệ giác. Chính vì vậy, kinh Hoa Nghiêm nói: “Niềm tin là mẹ của các công đức”.