Bỏ cha vào rừng

Bỏ cha vào rừng
Ngày xưa có hai vợ  chồng sống với người  cha già và đứa con trai  nhỏ. Một hôm, người vợ nói với chồng:
- Nhà ta nghèo khó quá, làm lụng cực nhọc suốt tháng quanh năm mà chẳng đủ ăn. Nay cha già cả không làm được việc gì nữa, thật là gánh nặng cho gia đình. Anh hãy đóng một chiếc xe chở cha bỏ vào rừng để gia đình ta bớt đi gánh nặng. Dù sao cha cũng không còn sống được bao lâu nữa.

Người chồng nghe vợ bàn như thế, vội đi tìm gỗ đóng xe, định bụng chở cha bỏ vào rừng. Thấy cha loay hoay đóng xe, đứa con nhỏ hỏi:
- Cha đóng xe làm chi vậy?
Người cha bảo:
- Để chở ông nội con vào rừng.
Đứa con lại hỏi:
- Sao lại chở ông nội vào rừng?
- Vì ông nội già rồi - Người cha đáp.
Đứa con vô tư nói:
- Ông nội già nên cha đem ông nội vào rừng. Vậy sau khi chở ông nội vào rừng rồi, cha nhớ mang xe về cho con, để đến lúc cha già con chở cha vào rừng nhé!
Người cha giật mình khi nghe đứa con nhỏ nói, anh ta vội quẳng chiếc xe đi và bỏ ý định mang cha vào rừng. Từ đó về sau hai vợ chồng kia hết lòng hiếu thảo với cha mình.
(Kể theo Truyện cổ dân gian Trung Quốc)

BÀI HỌC ĐẠO LÝ:
Khoa học đã chứng minh con cái chịu ảnh hưởng giáo dưỡng của cha mẹ khi còn trong bào thai (thai giáo). Đến khi sinh ra và lớn lên lại chịu ảnh hưởng môi trường sống, môi trường giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội mà hình thành nhân cách. Điều này người xưa đã kinh nghiệm: "Hiếu thuận sinh hiếu tử, ngỗ nghịch sinh ngỗ nghịch nhi” (Người hiếu thuận sẽ sinh con hiếu thuận, kẻ ngỗ nghịch bất hiếu sẽ sinh con ngỗ nghịch bất hiếu). Vì thế nếu ông bà cha mẹ là người có nhân phẩm, đạo đức tốt, tạo dựng môi trường nuôi dưỡng và giáo dục tốt cho con cái thì con cái sinh ra và lớn lên hầu hết đều trở thành những người có tài năng, có phẩm hạnh, đạo đức tốt, hữu ích cho xã hội.
Ông bà cha mẹ chính là người gieo hạt giống và là tấm gương cho con cháu về nhân cách, đạo đức. Đời sống, cách đối nhân xử thế của ông bà cha mẹ là bài học hết sức thiết thực và sống động để cho con cái học tập, noi theo. Trẻ thơ luôn quan sát, học tập những người xung quanh chúng, như ông bà cha mẹ, anh em, thầy cô, bè bạn, hàng xóm láng giềng, v.v… Do đó muốn con cái hiếu thảo thì trước tiên cha mẹ phải làm tấm gương hiếu thảo cho con cái noi theo. Ca dao tục ngữ có câu: “Nếu mình hiếu với mẹ cha/ Thì con cũng hiếu với ta khác gì/ Nếu mình ăn ở vô nghì/ Đừng mong con hiếu làm gì hoài công”.
Đời sống hiện đại bộn bề bận rộn khiến cho con người ngày nay ít có điều kiện quan tâm lẫn nhau, kể cả đối với những người thân của mình. Trong một số gia đình, con cái vì bận mưu sinh không có thời gian và điều kiện chăm sóc, phụng dưỡng ông bà cha mẹ chu đáo; hoặc vì mải chạy theo đời sống vật chất, tham đắm danh vọng, tiền tài mà vô tình bỏ quên cha mẹ. Do vậy mỗi người cần khắc phục hoàn cảnh để làm chủ đời sống, để có thể tròn bổn phận làm con đối với cha mẹ và làm tấm gương hiếu thảo cho con cháu sau này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Quảng Đạo/BGN

Vận hành chính quyền địa phương 2 cấp: Xây dựng một nền hành chính năng động và minh bạch

GNO - Hệ thống hành chính mới sẽ tạo ra một xã hội với những “thiện duyên” cho công dân chúng ta được huân tập trong đó. Có những hạt giống không tốt lắm, nhưng trong môi trường lành mạnh, sẽ tự điều chỉnh thành tốt. Còn hạt giống tốt nhưng trồng trên đất cằn, thiếu phân thiếu sự chăm sóc thì cũng không đâm chồi được!
Ni trưởng Thích nữ Như Như làm trưởng đoàn thăm, sách tấn các hành giả Ni khu vực miền Trung

Phân ban Ni giới T.Ư thăm, cúng dường các trường hạ khu vực miền Trung

GNO - Ngày 14, 15-7, Ni trưởng Thích Như Như, Phó Thường trực Phân ban Ni giới T.Ư phụ trách khu vực miền Nam làm trưởng đoàn; Ni sư Thích nữ Huệ Dâng, Phó Trưởng Phân ban Ni giới T.Ư, Trưởng Tiểu ban Hướng dẫn Phật tử làm phó đoàn, cùng chư Ni Phân ban Ni giới T.Ư đến thăm, sách tấn các trường hạ miền Trung.

Thông tin hàng ngày