Bồ-tát ngự ở “núi rồng”

GN - Chùa Phổ Quang (Q.Tân Bình) ngày nay được nhiều Phật tử, người dân các giới biết đến vì lẽ ngôi chánh điện được trùng tu trang nghiêm mà ở đó còn có thánh tượng Bồ-tát Quán Thế Âm “ngự trong hang núi rồng”...

Bồ-tát chùa Phổ Quang được nhắc đến với nhiều câu chuyện mầu nhiệm do người dân quanh vùng truyền tai nhau, từ khi Ngài còn ở ngoài “nhân gian” cho đến ngày nay…

Lắng nghe, che chở cho “nhân gian”

Khu vực trước sân chùa Phổ Quang có cây sa-la rất lớn tỏa bóng mát và nhiều cây xanh lân cận “núi rồng” (hay còn gọi là núi Phổ Quang). Ở đó sau khi Phật tử, khách tham quan đến chiêm bái, dâng hương lên Bồ-tát thì có thể lưu lại hàng giờ, ngồi nghỉ chân dưới bóng mát của những hàng cây để thư giãn, tịnh tâm…

Câu chuyện về Bồ-tát Quán Thế Âm của chùa Phổ Quang từ “dân gian” được cung thỉnh vào chùa thì ai cũng biết, đến nỗi những câu chuyện mầu nhiệm xung quanh Ngài được người dân truyền miệng với nhau. Bồ-tát ngự ở “núi rồng” được lưu truyền rộng rãi trong dân chúng.

Người dân quanh vùng biết ơn Bồ-tát vì đã lắng nghe những nỗi thống khổ của họ mà che chở, làm cho cuộc sống của họ trở nên tốt đẹp hơn.

ANHBT (1).JPG

Đông đảo người dân, Phật tử đến đảnh lễ Bồ-tát Quán Thế Âm - Ảnh: Bảo Toàn

Theo HT.Thích Thiện Tánh, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó BTS GHPGVN TP.HCM, tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm trước đây “ngự” ở một khu đất phía sau chùa Phổ Quang và do Bộ Tư lệnh Quân khu 7 quản lý, sau đó BTS GHPGVN TP.HCM mới cung thỉnh Ngài về chùa để thờ phượng như ngày nay.

Chùa Phổ Quang trước đây tọa lạc trên khu đất rộng lớn gồm góc đường Phạm Hồng Thái và Phổ Quang, tại số 64/3 Phạm Hồng Thái (ngày nay là đường Huỳnh Lan Khanh, P.2, quận Tân Bình, TP.HCM).

Chùa do cố HT.Thích Viết Tạo khai sơn với am tranh nhỏ vào năm 1951, theo nếp chùa miền Bắc. Đến năm 1954, Hòa thượng về lại quê nhà, giao chùa lại cho HT.Thích Trí Dũng trụ trì, quản lý và thành lập Hội Bắc Việt tại đây. Đến năm 1958, HT.Thích Trí Dũng bắt đầu quá trình tái thiết toàn diện chùa Phổ Quang cho đến 1963 thì hoàn thành.

Và, tôn tượng Quán Thế Âm của chùa cũng tạo dựng rất chắc chắn, cao khoảng hơn 2 mét, tọa lạc trong khuôn viên của nghĩa trang thuộc chùa Phổ Quang. Năm 1975, HT.Thích Trí Dũng về trụ trì chùa Nam Thiên Nhất Trụ (Q.Thủ Đức) và chùa Phổ Quang được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tạm thời quản lý.

Theo ĐĐ.Thích Nguyên Hạnh, UV BTS, Phó ban Hoằng pháp TP.HCM, người từng làm tri sự chùa Phổ Quang cho biết, sau 1975, nghĩa trang bị giải tỏa trắng, những ngôi mộ được cải táng, hoặc di dời đi nơi khác. Sau khi di dời những phần mộ, thì tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm vẫn còn tọa lạc tại nghĩa trang, khu đất thuộc về Bộ Tư lệnh Quân khu 7, chùa Phổ Quang cũng nằm trong khu vực của quân đội.

Sau khi ổn định khu quy hoạch, khu vực chánh điện chùa Phổ Quang được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 giao lại cho Phật giáo quận Tân Bình. Sau đó, Phật giáo Tân Bình giao lại cho BTS Phật giáo TP.HCM quản lý theo quyết định của Ủy ban Nhân dân TP.HCM.

Cũng theo ĐĐ.Thích Nguyên Hạnh, từ khi chùa được giao cho Phật giáo quản lý, tôn tượng Quán Thế Âm vẫn tọa lạc trên phần đất thuộc nghĩa trang thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 7 quản lý, không thuộc phạm vi của chùa.

Trong quy hoạch của Bộ Tư lệnh Quân khu 7, nhiều lần dự định di dời tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm đi nơi khác, thế nhưng, những lần đưa cần cẩu đến thì cần cẩu bị hư, hoặc người có ý định đập bỏ tượng cũng bị gặp tai nạn, đều không thực hiện được ý định.

Từ đó, nhiều người dân ở gần đó đến chiêm bái, cầu nguyện và truyền miệng những câu chuyện mầu nhiệm, linh ứng về Bồ-tát; người có nhiều khổ ách trong cuộc sống, cầu nguyện xin Ngài thì đều vượt qua và có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Để đền đáp Bồ-tát, người ta mạng gạo, hoa, trái đến dâng cúng, vào những ngày lễ, rằm, người dân tràn ra mặt đường Phổ Quang, chính quyền địa phương mới “cầu cứu” đến BTS Phật giáo TP, nhờ thỉnh tôn tượng vào chùa.

Bồ-tát ngự ở hang “núi rồng”

Năm 1998, UBND TP.HCM chính thức giao lại chùa Phổ Quang cho Thành hội Phật giáo TP.HCM quản lý (nay là BTS GHPGVN TP.HCM). Năm 2000, Thành hội Phật giáo TP.HCM bắt đầu tu sửa toàn bộ chùa Phổ Quang, đồng thời chính thức đưa vào quản lý, làm nơi sinh hoạt tu học cho chư Tăng. Trong giai đoạn này, “núi rồng” được hình thành.

Theo lời kể của ĐĐ.Thích Nguyên Hạnh, lúc bấy giờ, HT.Thích Trí Quảng, Trưởng BTS Phật giáo TP đã đích thân quang lâm đến trước Bồ-tát cầu nguyện, xin thỉnh nguyện: ‘Ở chỗ này không thuận lợi nên xin thỉnh Bồ-tát về chùa”.

Sau đó, Hòa thượng cùng chư tôn đức BTS Phật giáo TP cũng như chư tôn đức ở các quận, huyện cùng nhau hiệp lực cầu nguyện, cùng thỉnh nguyện Bồ-tát về chùa Phổ Quang thành tựu viên mãn.

Ngài ngự trong hang “núi rồng” chùa Phổ Quang trang nghiêm với nét mặt từ bi, một tay bắt ấn, một tay cầm bình tịnh thủy cứu khổ. Hai bên tôn tượng Bồ-tát được khắc câu trích từ bài phục nguyện trong kinh Nhật tụng “Quan Âm thị hiện thuyết pháp độ sanh/ Lâm nạn xưng danh tầm thanh cứu khổ”.

ANHBT (2).JPG

Thánh tượng Bồ-tát Quán Thế Âm trong hang "núi rồng" tại chùa Phổ Quang - Ảnh: Bảo Toàn

Sau này, vào tháng 3-2010, BTS Phật giáo TP chính thức khởi công tái thiết toàn bộ ngôi Đại hùng bửu điện chùa Phổ Quang nhằm mở rộng thêm diện tích sử dụng, đáp ứng nhu cầu tu học của chư Tăng, Phật tử gần xa nhưng “núi rồng” vẫn được giữ nguyên trạng như ngày nay. Từ trên sân thượng, bên ngoài chánh điện, Phật tử, du khách sẽ nhìn thấy “núi rồng” lúc nào cũng trang nghiêm với khói trầm hương nghi ngút, quyện tỏa.

ĐĐ.Thích Nguyên Hạnh cho biết thêm, sau khi Bồ-tát Quán Thế Âm về chùa Phổ Quang thì có nhiều điều mầu nhiệm xảy ra. Trước đó, chùa Phổ Quang thuộc BTS Phật giáo quận Tân Bình thì ít ai lui tới, nên người dân xung quanh nói “chùa vắng như chùa Bà Đanh”, nhưng  từ khi cung thỉnh Bồ-tát về, thì người dân lại kéo về viếng chùa rất đông.

“Nhiều người đến chùa nói với tôi, Bồ-tát rất linh thiêng, có người nói chính Bồ-tát đã nuôi sống họ trong lúc họ gặp điều không may, nghèo khổ. Khi cầu nguyện Bồ-tát thì Bồ-tát gia hộ cho cuộc sống của họ tốt đẹp hơn. Họ biết ơn và về chùa, đem hoa trái cúng tạ ơn cứu độ của Bồ-tát. Cho nên, người dân thường mang gạo, hoa, trái đến cúng dường Bồ-tát rất nhiều, và cho đến hiện nay cũng vậy.

Chùa Phổ Quang có đông đảo người dân, Phật tử đến chùa tu tập, tham quan, chiêm bái, ngưỡng vọng cũng là nhờ sự linh nghiệm của Bồ-tát Quán Thế Âm. Chư Tăng ở chùa nói đùa với nhau là ‘Bồ-tát Quán Thế Âm nuôi cả chùa’”, ĐĐ.Thích Nguyên Hạnh nói.

Hiện nay, chùa Phổ Quang được biết đến là cơ sở thuộc BTS GHPGVN TP quản lý, do HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM, Trưởng BTS GHPGVN TP làm Trưởng ban Quản trị.

Dưới sự điều hành của Hòa thượng, chư Tăng, Phật tử được tu tập ổn định và nề nếp. Vào mỗi dịp Đại lễ của Phật giáo như: Phật đản, Vu lan, ngày vía Quán Thế Âm, rằm, Tết cổ truyền… chùa Phổ Quang đón hàng ngàn Phật tử, khách thập phương, người dân lân cận về chùa dâng hương Tam bảo, cầu nguyện Bồ-tát gia hộ.

Và, điện Quán Thế Âm ở “núi rồng” lúc nào cũng nghi ngút khói trầm hương quyện tỏa, những đóa hoa sen tinh khiết được người dân dâng cúng với lời cầu nguyện được Bồ-tát Quán Thế Âm che chở vượt mọi tai ách, ban cho sự an lành, để cuộc sống luôn ấm no.

Người dân thường đến “núi rồng” thắp hương, cầu nguyện Bồ-tát Quán Thế Âm gia hộ cho bản thân và gia đình được bình an. Sau đó, họ mới đến chánh điện dâng hương Tam bảo và thường quay lại“nấn ná” hàng giờ ở khu vực gần “núi rồng” để ngắm hoa sa-la và thư giãn trong không khí thanh tịnh ở chốn thiền môn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.
Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.

Thông tin hàng ngày