GN - Những ngày nghỉ lễ (30-4, 1-5) tôi về quê thăm nhà. Đoạn đường dài từ Sài Gòn về miền Trung, nơi nào cũng thấy hình ảnh cờ Phật giáo tung bay và hình ảnh tượng Phật đản sinh thiết trí trang nghiêm rực rỡ. Hình ảnh Đức Phật đản sinh cùng lịch sử hóa độ của Ngài đã mang đến cho tất cả những người con Phật niềm xúc động, hoan hỷ và đương nhiên lời dạy của Ngài là chiếc chìa khóa mở cửa vô sinh, đem đến an lạc cho rất nhiều người.
Đón mừng Khánh đản - Ảnh minh họa
Với giáo lý từ-bi-hỷ-xả, cùng những định luật Nhân quả, Vô thường cũng như bài pháp Tứ diệu đế mà Ngài tuyên thuyết đã giúp cho hàng Phật tử, trong đó có tôi biết làm lành lánh dữ, biết an trú hiện tại và hướng thượng (đến con đường giải thoát khỏi luân hồi sanh tử).
Đương nhiên, để có thể đi và đạt đến sự giải thoát ấy thì người con Phật phải thực tập tất cả những lời dạy của Đức Phật vào đời sống hàng ngày một cách bền bỉ với niềm tin vững chắc. Nhân mùa Đản sinh hoặc những ngày vía, ngày rằm, mùng 1... là dịp để nhắc nhớ cho tất cả những người con Phật và chúng sinh về con đường mà Phật đã đi, con đường “tự giác, giác tha”, nghĩa là chính mỗi người phải đi đến con đường giác ngộ bằng chính đôi chân vững chãi và đôi mắt sáng của mình. Mắt sáng là đôi mắt ngộ được lý Vô thường, Nhân quả, biết sống với những hạnh lành (như bố thí, cúng dường, trì giới, nhẫn nhục…).
Trên dòng xe cộ ngược xuôi giữa những ngày lễ lớn của dân tộc và Phật giáo, cờ nước, cờ Phật giáo tung bay đã gợi cho nhiều người cảm xúc. Tất nhiên, ở nơi nào đó, trong suy tưởng của nhiều người chắc chắn cũng nghĩ giống tôi - về một Bậc Giác Ngộ đã đem ánh sáng trí tuệ, từ bi đến với nhân gian bằng chính giáo lý, con đường trung đạo, tự lợi lợi tha của mình.
Tôi cũng rất thích cách mà những học giả, những người nghiên cứu, mến đạo Phật ví von về Đức Phật, đạo Phật là “vị vua hòa bình”, “đạo hòa bình”, “biểu tượng của hòa bình”… Không phải tự nhiên mà người ta lại xưng tán như vậy mà bởi vì Đức Phật với giáo lý của Ngài đã luôn luôn đề cao tinh thần bất bạo động, thương yêu không chỉ con người mà còn nhiều loài nhỏ nhít còn trầm luân trong sáu nẻo luân hồi.
Và suốt hơn 2.000 năm qua, kể từ khi Phật giáo có mặt trên quê hương Việt Nam, lúc nào đạo Phật cũng là đạo đồng hành cùng đất nước, tồi tà phụ chánh, mang lại hạnh phúc cho số đông… Có lẽ vì vậy mà những nơi miền biển đảo yêu thương hay nơi biên thùy xa xôi luôn có hình bóng ngôi chùa, bóng áo nâu của những bậc xuất sĩ dấn thân như một trong những tín hiệu của niềm tin, hòa bình có mặt! Điều đó cũng có nghĩa là, hình bóng cờ Phật giáo, tôn tượng Đức Phật được dựng lên khắp các nẻo đường quê hương, từ thành thị tới vùng thôn quê, lên đến vùng đồng bào dân tộc cũng chính là biểu trưng, là hóa thân của hòa bình có mặt trên đất nước Việt Nam xinh đẹp này…