GN - Lễ khai ấn đền Trần (tỉnh Nam Định) Xuân Bính Thân đã diễn ra linh thiêng và long trọng, vào lúc 10g30 đến 11g30 đêm 14 tháng Giêng âm lịch (tức 21-2-2016). Đây là lễ hội thu hút nhiều cán bộ, công chức tham gia, đang gây nhiều tranh cãi, nhiều quan niệm trái chiều nhất hiện nay.
Linh thiêng lễ khai ấn
Lễ hội khai ấn đền Trần diễn ra từ ngày 18 đến 23-2 (tức ngày 11 đến 16 tháng Giêng năm Bính Thân) với 3 nghi lễ truyền thống là khai ấn, rước kiệu Ngọc Lộ và rước nước tế cá. Trong đó, khai ấn là nghi thức quan trọng nhất diễn ra vào nửa đêm 14 tháng Giêng âm lịch.
Các vị quan khách dâng hương tại lễ khai ấn đền Trần xuân 2016
Lúc 22 giờ 10 phút, đoàn đại biểu quan khách do các Ủy viên Bộ Chính trị Trần Đại Quang, Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đi vào trong khu vực hành lễ. Ông Nguyễn Văn Va, Bí thư Thành ủy TP.Nam Định đọc diễn văn cho biết, bằng nhiều nguồn tư liệu lịch sử khác nhau, trong đó có Ngọc phả triều Trần đã ghi lại rằng, phủ Thiên Trường xưa (nay thuộc tỉnh Nam Định) là nơi phát tích của vương triều nhà Trần và được coi là kinh đô thứ hai của nước Đại Việt, sau kinh thành Thăng Long. Sau khi đánh bại quân Nguyên Mông, vào ngày 14 tháng Giêng, tại phủ Thiên Trường, vua Trần Thái Tông đã mở tiệc chiêu đãi và thưởng công, phong tước cho các quan, quân có công trong việc đánh giặc. Kể từ đó, cứ vào ngày này, các vua Trần lại tổ chức nghi thức “khai ấn” để tế lễ trời đất, tổ tiên; phong chức tước cho những người có công.
Sau này, tại nền phủ Thiên Trường, nhân dân Nam Định đã xây dựng Khu di tích đền Trần bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là: đền Thiên Trường (hay đền Thượng) thờ 14 vị vua Trần, đền Cố Trạch (hay đền Hạ) thờ Trần Hưng Đạo và đền Trùng Hoa thờ các quan văn, võ. Và từ đây, lễ khai ấn vào giờ Tý ngày rằm tháng Giêng (từ 11 giờ đêm 14 đến 1 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng) là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn, thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, tưởng nhớ công đức của các vua Trần, giáo dục con cháu truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, bảo vệ sơn hà xã tắc. Ngày nay, lễ hội khai ân đền Trần được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận, trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2014.
Sau diễn văn khai mạc, các ông Nguyễn Thiện Nhân, Trần Đại Quang, quan chức của Tỉnh ủy, Thành ủy Nam Định cùng các vị cao niên phường Lộc Vượng thực hiện nghi thức dâng hương. Tiếp đến là chương trình rước kiệu từ đền Cổ Trạch - nơi thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn sang đền Thiên Trường, với 120 người đại diện cho các tầng lớp nhân dân làng Tức Mạc thực hiện. Khi kiệu được rước sang khu vực hành lễ, ông Trần Huy Chiến, thủ từ đền Trần đọc chúc văn khai ấn. Sau đó, ông Nguyễn Thiện Nhân và ông Trần Đại Quang được mời vào trong cung cấm của đền Thiên Trường để thực hiện nghi thức khai ấn.
“Nhà nước hóa” lễ hội?
Lễ hội thông thường, bất kỳ người dân nào cũng đều có quyền được tham dự và chứng kiến cả phần nghi lễ lẫn phần hội. Nhưng riêng với lễ khai ấn đền Trần, người dân chỉ còn được tham gia phần hội, ở nghi thức quan trọng nhất thì chỉ những ai có thẻ do Ban Tổ chức cấp mới được vào trong khu vực đền. Người được cấp thẻ là quan chức, cán bộ cấp Trung ương, cán bộ tỉnh và thành phố Nam Định, những người làm nhiệm vụ: công an đảm nhiệm bảo vệ, nhà báo tác nghiệp đưa tin, những người phục vụ buổi lễ.
Bắt đầu từ 21 giờ, toàn thể nhân dân được mời ra khỏi khu vực hành lễ. Hàng trăm cảnh sát làm nhiệm vụ đã chia thành ba vòng, kết thành hàng dọc để ngăn chặn những người không có thẻ. Khoảng 2.000 người đeo thẻ xanh, thẻ vàng được đứng ở trong khuôn viên di tích, nhưng không được vào sân đền Thiên Trường là nơi diễn ra nghi thức khai ấn, khu vực chỉ những người có thẻ đỏ mới được vào.
Tham gia chứng kiến buổi lễ, tại sân đền gồm có khoảng 200 người làm nhiệm vụ bảo vệ, khoảng 50 phóng viên, cùng với đoàn quan chức, cán bộ Nhà nước ước chừng 200 người, và đoàn người dân địa phương làm nhiệm vụ phục vụ. Để có được tấm thẻ tác nghiệp màu đỏ, chúng tôi đã phải gửi công văn đăng ký theo yêu cầu của Ban Tổ chức từ trước đó một tháng, với các văn bản theo mẫu, và cả bản photo thẻ nhà báo.
Bà Phạm Thị Oanh, Phó Chủ tịch thành phố Nam Định, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội khai ấn đền Trần năm 2016 cho biết, bên ngoài khu vực đền Trần có hơn 2.000 cảnh sát tham gia bảo vệ đêm khai ấn. Lực lượng an ninh chia 5 vòng bảo vệ với 23 chốt để đảm bảo trật tự.
Một người dân cho hay: “Tôi sinh ra lớn lên ở phường Lộc Vượng, trước đây khi lễ khai ấn chỉ ở quy mô người làng với nhau thì tôi luôn được chứng kiến nghi thức linh thiêng này. Từ khi lễ khai ấn trở thành lễ hội mang tầm quốc gia, thì người dân như tôi không được vào xem khai ấn nữa. Trước đây có bao giờ phải huy động cảnh sát bảo vệ và hàng rào sắt đông đến như bây giờ đâu!”.
“Cướp lộc”...
Khi nghi lễ diễn ra, từ phía khu vực dành cho nhà báo (được ngăn cách với khoảng giữa sân hành lễ bởi rào chắn), chúng tôi nhìn sang khu vực các đại biểu quan chức, công chức đứng, thấy quang cảnh lộn xộn. Khi 2 vị Ủy viên Bộ Chính trị được mời lên dâng hương, thì nhiều đại biểu cũng cùng xông lên theo để xem cho rõ, khiến sân đền trở nên một mớ hỗn độn như vỡ trận. Lực lượng công an phải ra sân để dẹp trật tự. Lẽ ra nghi thức khai ấn được thực hiện ở trước bàn thờ lớn đặt trên sân, nhưng do người xông lên nhốn nháo, nên 2 vị khách đặc biệt được mời vào trong đền để thực hiện nghi thức này. Hàng chục người cũng xông lên theo, đòi vào trong đền, khiến nhà đền và lực lượng an ninh phải đóng chặt cửa đền lại.
Nghi thức khai ấn kết thúc, rất nhiều đại biểu đeo thẻ xông lên bàn thờ để lấy những cành hoa. Tôi hỏi một người làm công tác bảo vệ đứng cạnh, rằng tại sao các đại biểu lại tự do lấy hoa, đồ lễ mà không bị cản lại, thì được trả lời rằng, đó là tục lệ, mọi người lấy hoa coi như là lấy “lộc” đem về.
Dòng người chen chúc xếp hàng xin ấn đền Trần vào lúc 5g sáng 16 tháng Giêng âm lịch
Sau khi các quan chức ra khỏi đền, Ban Tổ chức mở rộng cửa cho người dân vào lễ, ngay tức khắc dòng người tràn vào bên trong. Không khí long trọng của buổi lễ nhanh chóng bị phá tan, khi đám đông đã đổ xô vào ban thờ để cướp lộc, tạo nên cảnh tượng hỗn loạn chưa từng có. Nhiều người đã leo trèo, dẫm đạp lên nhau để xông vào trong bàn thờ nội cung, từ bông hoa, gói bánh, trái cây, cho đến những miếng xốp đều bị người dân hò hét lao tới cướp sạch. Chỉ sau ít phút, các ban thờ đã bị “vặt” sạch đồ lễ.
Chứng kiến cảnh hỗn loạn, trộm nghĩ, không biết những người trèo lên bàn thờ để thắp hương và hái lộc nghĩ như thế nào. Giả sử nếu đó là bàn thờ tổ tiên mà người ta trèo lên thắp nhang, rồi bẻ hoa, rồi lấy hết những gì trên bàn thờ, thì tâm trạng của ta có an vui?
TS.Nguyễn Thị Hậu, trong một bài viết gần đây, đã nêu ra câu hỏi: Có nên làm “sống dậy” những giá trị văn hóa của quá khứ nhưng không còn hợp thời, thậm chí “giá trị” ấy còn dung dưỡng, khuyến khích những hành vi tâm lý xấu trong xã hội hiện nay? Lễ khai ấn đền Trần đã trở thành lễ cầu xin thăng quan tiến chức. Đây là tâm lý của một bộ phận không nhỏ công chức nhà nước nên có ảnh hưởng lớn đến tâm lý xã hội nói chung, khiến lễ hội truyền thống không còn giá trị đích thực.