Bụt nào đâu xa

GN - Buổi sáng thức giấc vẳng tiếng cúc cu sau hè hòa cùng giọt sương sớm. Trong, mát và lành đến lạ! Lòng vui như bé thơ được khoác áo mới, sửa soạn thân tâm đặt chân “bước đầu ngày xin bước bước yêu thương”. Chắp tay quỳ dưới Phật đài, ngưỡng vọng về đấng Từ phụ, trước tôn nhan của Ngài, con như được sách tấn, ủy lạo.

Butkhongxa.jpg


Hóa thân của Bụt nào đâu xa, chính là đoàn thể
mà con đang nương vào, là những huynh đệ đồng tu - Tranh minh họa của Làng Mai

Bạch Đức Thế Tôn, con thấy mình nhỏ bé “tuệ căn còn chưa vững chãi, văn tư tu chưa thực sự vững bền”. Cuộc đời của Ngài là bài học và bài thực tập sâu sắc trong con.

Như khúc bi, hùng, hoan ca, Ngài đã bước ra từ huyền thoại nhưng không huyễn hoặc. Với thân tứ đại, với tâm thức hướng đến đời sống từ bi, vô ngã, giải thoát, Ngài đã một lòng một dạ với ý chí sắt son “tự mình thông đạt, tự mình giác tri”, mở đường cho con cháu đi lên. Thế gian tôn sùng Ngài, hậu thế ca ngợi Ngài và con thực tập làm con của Ngài.

Nhiều công trình nghiên cứu, nhiều kinh sách đã ghi chép rõ ràng về cuộc đời của Ngài, con sẽ không lặp lại, tuy vậy ở một góc khuất nhỏ bé nào đó của câu chuyện này con như thấy hình ảnh của người cha già - đức vua Suddhodana mắt mờ xa, trông ngóng Siddhatta trở về nối nghiệp đế vương; con như thấy bóng dáng của nàng Yasodhara ôm hoàng nhi Rahula chết lặng, nước mắt chảy ngược bởi sự dứt áo ra đi của Ngài, dù đã biết trước. Một niềm thấu cảm len lén trong lòng cho đấng làm cha làm mẹ luôn trao trọn tình thương, niềm tin yêu vào con mình mà nay đã rời xa; tình nghĩa vợ chồng, huyết thống thiêng liêng mà Ngài cũng chôn giấu “cắt ái từ sở thân”.

Siddhatta đã bước lên yên ngựa Kanthaka rất dứt khoát, quyết đoán, mạnh mẽ, để lại sau lưng bao nỗi niềm nhớ tiếc, về mặt tích môn - đó là  sự mất mát cho một hoàng tộc, một đất nước, về mặt bản môn - đó là giá trị không thể nghĩ bàn cho cả thế nhân. Ngài ra đi đầu không ngoảnh lại, sau lưng thoảng tiếng khóc lặng thầm của biết bao người.

Cái gì cũng có cái giá của nó. Điều càng vĩ đại, lớn lao thì cái giá đánh đổi cũng tương đương không kém. Cũng vậy, chân lý giải thoát, giác ngộ mà Ngài khai sáng cũng được đánh đổi từ sự mất mát của gia đình Ngài, và cả những thăng trầm, khổ ải từ điều kiện bên ngoài cho tới những ưu tư nội tâm của chính tự thân Ngài trải nghiệm. Không một phen giá lạnh, sao hoa mai tỏa mùi hương?

Ngài đã đặt viên gạch vững chãi đầu tiên cho cả công trình nhân văn, giải thoát, biệt biệt giải thoát, để hàng con cháu, sự tiếp nối của Ngài là những viên gạch tiếp theo. Một vị Bụt có lẽ là chưa đủ. Nếu chỉ có một vị Bụt thì thật cảm thương cho vị ấy. Bởi phải gánh gồng, chuyên chở nhiều thống khổ của thế gian. Ngài đã hóa thân thành ngàn muôn vạn Bụt và Bồ-tát.

Chợt nhớ câu chuyện một người vào chùa tìm Bụt, được Hòa thượng dạy rằng “con hãy về nhà, tìm ai mang dép trái thì đó chính là Bụt”. Khi anh về đến nhà, bà mẹ mừng quá, quýnh quáng mang ngược dép chạy ra. Nhìn thấy mẹ, anh chợt nhớ lời Hòa thượng “thì ra Bụt là mẹ mình đây, vậy mà mình tìm chốn xa xôi nào!”.

Hóa thân của Bụt nào đâu xa, cha mẹ chính là “Bụt trong nhà”. Cha mẹ trao cho con tình thương không ngằn mé, đầy bi mẫn, hỷ xả, khó thể đo lường! Những ứng dụng công nghệ cho việc gọi điện, nhắn tin là “phép thần thông” của thời hiện đại, cho con kết nối, vấn an đến cả với cả nhà. Con hạnh phúc vì “Bụt trong nhà” của con còn đủ sức khỏe, đủ niềm vui. Có người hỏi con “làm sao báo hiếu khi con đã chọn đời xuất gia?”. Tuy con không trực tiếp cơm dâng, nước hầu cho cha mẹ nhưng nương vào lực đại chúng tu tập, có chút hoa trái nhỏ bé nào đó, con cũng thầm hồi hướng về đấng sinh thành. Con không mang về những đồng lương, túi quà lỉnh kỉnh mà con cúng dường sự tu tập của mình cho gia đình huyết thống.

Hóa thân của Bụt nào đâu xa, chính là đoàn thể mà con đang nương vào, là những huynh đệ đồng tu với chất tĩnh lặng của một vị Mâu Ni: tĩnh lặng tu học, tĩnh lặng hiến tặng những hạt giống lành cho mọi người… 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Niệm Phật nhiệm mầu

Niệm Phật nhiệm mầu

GNO - Ba tôi đã mất gần giáp năm nhưng hình ảnh về ba vẫn in nguyên trong tôi như vừa khi nãy, mới đây thôi. Có thể ba tan hoại thân xác này, không còn của hiện tại đi, đứng, nằm, ngồi nhưng ba hiện hữu trong kỷ niệm và những lời chỉ dạy mang tính lâu xa, chắc thật.
Mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong, Quảng Trị được thiết trí tại chùa An Trú

Ấn tượng mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị)

GNO - Mô hình kỳ đài bằng tre tại chùa An Trú (H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) nổi lên giữa màu vàng ươm của cánh đồng lúa chín như gói ghém tất cả tấm lòng của Phật tử nơi đây hướng về Phật đản, cũng như lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, cảm hứng gìn giữ các giá trị truyền thống của làng quê.

Thông tin hàng ngày