GN - Sông Hương vẫn trôi, những người hát ca Huế trên sông vẫn còn đó, nhưng con thuyền giờ vắng hơn. Khách nghe hát ít, những người nghệ sĩ lặng lẽ so lại dây đàn, những ca nữ trầm ngâm xếp lại vạt áo dài, tất cả lặng lẽ để đợi chờ…
Sông Hương vắng giọng Nam ai buồn
Cuộc sống xô bồ dưới những ánh đèn màu sôi động khi đêm về trên sông Hương là điều mà nhiều người nhìn thấy đối với cuộc sống của những ca nữ sông Hương. Thế nhưng có mấy người biết được đằng sau sự hào nhoáng ở sân khấu trên lòng sông Hương thơ mộng ấy vẫn còn có lắm nỗi truân chuyên, niềm vui chẳng mấy còn nỗi buồn thì vô tận mà chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu.
Mới chập tối, nhưng cả một đoạn sông Hương lững lờ trôi dằng dặc giữa lòng phố Huế mộng mơ đã nhấp nháy những ánh đèn xanh đỏ bắt mắt. Phía trên phố xa đông người, và sự tấp nập cũng thể hiện phần nào trên sông, nơi mà những chiếc thuyền rồng được trang trí đẹp mắt phục vụ cho du khách đi du ngoạn, thưởng thức những món ăn đặc sản xứ cố đô, và lắng lòng nghe những khúc ca Huế ngọt ngào đằm thắm.
Những chiếc rồng vắng khách thưởng thức ca Huế
Nhưng chẳng mấy ai biết rằng, bên những con thuyền sang trọng, hào nhoáng lẫn những chiếc thuyền bình dân đó, có những phận đời nổi trôi theo con nước vơi đầy của những cô gái sông Hương. Đi liền với ca Huế là dàn nhạc với bộ ngũ tuyệt gồm: tranh, tỳ, nhị, nguyệt, tam xen với bầu, sáo và bộ gõ trống Huế, sanh loan, sanh tiền.
Đó là những ngày xưa, khi ca Huế mới được cho phép biểu diễn trên thuyền rồng và đi dọc sông Hương. Còn bây giờ, mỗi tối họa hoằn lắm mới có được một “sô” diễn. Khách du lịch các nơi đến TP.Huế nhưng biết và thưởng thức ca Huế trên thuyền rồng đi dọc sông Hương ngày càng ít đi.
Bây giờ hàng đêm, dọc con sông thấy thuyền nằm gối bãi như còn ngủ say, không thấy cảnh nhộn nhịp dọc ngang thuyền to nhỏ rực rỡ xuôi ngược như những năm xưa nữa. Nhớ những năm 2000, để phục vụ du khách thì tỉnh mới tổ chức các thuyền ca Huế trên sông Hương. Ca Huế chính thức được xuống sông “du ngoạn” từ thời kỳ ấy. Bây giờ, sau gần hai mươi năm xuống bến, ca Huế buồn dần vì vắng khách, ít người nghe.
Tôi lên thuyền, con thuyền rực rỡ với đèn điện và những mảng màu trang trí lung linh nhưng sự háo hức như lần đầu tiên nghe hát cũng đã không còn nữa. Bởi ca Huế vẫn chỉ có từng ấy bài sau bao năm. Lần đầu nghe bởi háo hức sẽ hay, lần thứ hai sẽ kém hay, và nhiều lần sau nữa thì ắt hẳn chẳng còn hay nữa. Thuyền xuất bến, vẫn ngần ấy bài thôi, thuyền lại cập bến. Lên thuyền nào cũng thế, cũng chừng ấy bài bản, chừng ấy thời gian. Đều như nhau hết!
Thông thường, một “sô” ca Huế có thời gian là 1 giờ 30 phút với 10 bài ca, được sắp xếp theo thứ tự, mở đầu là bài Lưu thủy kim tiền, Xuân phong và Long hổ, Lý mười thương, Lý qua đèo, Lý ngựa ô, Làn điệu cổ bản, Hầu văn, Tương tư, Bài về nữ sinh Đồng Khánh, Làn điệu giao duyên và cuối cùng là hò giã gạo (chia tay) và có thể xen vào những bài dân ca như Huế thương, Chiều nay mưa rơi trên phố Huế, Huế tình yêu của tôi theo yêu cầu của du khách.
Và vẫn vậy, từng bài ca vẫn thế, lời ca vẫn thế, vẫn giai điệu và cách thức biểu diễn ấy, vẫn cái nháy mắt hay cả cách đưa tay lên xuống cho mỗi nhịp đàn cũng chỉ có thế. Chẳng có cái khác, ấy là người hát đã khác xưa khi những người trẻ thay cho thế hệ trước biểu diễn. Chỉ có điều họ có vẻ còn non nghề, nên lắm lúc chưa thể hiện được hết sự ngọt ngào và cả tinh túy của mỗi tiết mục.
Và, nỗi buồn ca nữ
Sông Hương bây giờ không còn yên bình như vẻ vốn có nữa. Khi rất nhiều những thuyền máy đêm đêm ào ạt qua lại giữa lòng sông. Thế nên, mỗi “sô” diễn trên thuyền thường bị xáo động bởi những tiếng thuyền máy và cả trăm thứ tạp âm khác đan xen trong tiếng sênh phách và lời ca ngọt ngào.
Thêm nữa, có những khi buổi diễn bắt đầu giữa tiếng cười nói, tiếng chuông điện thoại di động, tiếng của con trẻ vang lên. Xen giữa những khán giả, bao giờ cũng là những thực khách mặt đỏ gay, mở bia bôm bốp. Họ vừa cụng ly, vừa hô vừa thi nhau bình phẩm về sắc đẹp của các ca nữ với lời bình phẩm ồn ào… át cả tiếng hát, tiếng đàn và đầy phản cảm.
Còn cánh phụ nữ, xem ra có phần chăm chú hơn, có chị vừa nghe ca nhưng mồm lại tí tách cắn hạt dưa, có người đang cao hứng bỗng dưng vỗ đùi. Có người không ngần ngại xì xồ bàn tán. Tất cả tạo nên những tạp âm không ai muốn. Và phía nơi ban nhạc, nơi các ca nữ đang biểu diễn, họ vẫn phải chăm chú cho phần của mình. Bởi mỗi “sô” diễn như thế, hàng đêm không dễ gì kiếm được.
Họ hát, họ đàn và chỉ mong người nghe tôn trọng
Cuộc mưu sinh của họ là mang sự thanh tao xuống chốn xô bồ, mang tiếng hát thuần khiết êm ái ra phơi giữa hỷ nộ của đời. Buồn lắm.
Tôi nói chuyện với hai ca nữ tên Diệu và Thanh, giọng nhẹ nhàng hơn khi cả họ cất tiếng hát êm như ru khúc Nam ai Nam bình: “Mỗi khi em hát, chỉ mong ước giá như nỗi niềm của chúng em cũng được ai đó sẻ chia giùm, giúp chúng em bớt nhọc nhằn, buồn tủi. Hay chí ít cũng mong những người lắm tiền nhiều bạc có thái độ tôn trọng những người đàn, hát phục vụ như chúng em!”.
Chỉ đơn giản như thế thôi. Họ hát, họ đàn và chỉ mong người nghe tôn trọng họ là những người nghệ sĩ thực thụ, chứ không chỉ là trò mua vui cho những chuyến đi dọc sông Hương trên thuyền.
Với những người như những người nhạc công, những ca nữ như Thanh hay Diệu thì thu nhập của các cô hoàn toàn phụ thuộc vào lòng hảo tâm của khách. Mỗi “sô” diễn như thế đã được ghi rõ trên giá vé lên thuyền, bao gồm cả phần ẩm thực và nghe hát.
Chủ thuyền cũng là người kinh doanh, cần có lợi nhuận để duy trì cuộc sống và cả sự đầu tư tiền tỷ vào mỗi con thuyền. Thế nên, phận ca nữ, nhạc công trên thuyền hát mỗi sô như thế hơn một tiếng đồng hồ cũng chẳng quá 100 ngàn, người nhiều nhất cũng chưa tới 200 ngàn đồng.
Chẳng phải so sánh, nhưng nhiều ca sĩ chưa chắc đã có giọng hát ngọt ngào quyến rũ như những ca nữ sông Hương này, nhưng họ lại có thể có thu nhập tiền triệu chỉ sau mỗi bài hát, ở nhà lầu, đi xe hơi sang trọng. Trong khi với những ca nữ sông Hương, sau mỗi thời khắc huy hoàng dưới ánh đèn màu, họ lại lủi thủi trở về trong căn nhà trọ tồi tàn, đếm thời gian trôi qua kẽ tay mà buồn cho một kiếp rong ca.
Xuôi sông Hương trên con thuyền nhạc, ngắm đôi bờ sông cũ mới chìm trong màu xanh vô tận cũng là một thú vui hiếm hoi ở Huế trong đêm. Sông Hương mùa này nước lặng, những chiếc thuyền sặc sỡ ánh đèn màu cũng bập bềnh theo con nước, và phận ca nữ sông Hương cũng lênh đênh như những đợt sóng vỗ nhè nhẹ vào mạn thuyền hàng đêm. Buồn thê thiết!