GNO - Cà-rốt giàu beta caroten (tiền vitamin A), chất xơ và potassium, tốt cho mắt, làm giảm cholesterol máu và ngăn ngừa ung thư.
Cà-rốt giàu dưỡng chất
Có nguồn gốc từ Afghanistan, cà-rốt chứa nhiều beta caroten - một chất chống oxy hóa giúp chuyển hóa vitamin A. Cà-rốt có màu càng sậm thì càng chứa nhiều dưỡng chất quan trọng này.
Một cốc cà-rốt nấu chín chứa khoảng 70 calori, 4g chất xơ, 18mg beta caroten cung cấp hơn 100% nhu cầu vitamin A của cơ thể theo khuyến nghị của RDA. Vitamin A cần để tóc, da, mắt, xương, màng nhầy khỏe mạnh và giúp cơ thể chống viêm nhiễm.
Củ cà-rốt - Ảnh: Internet
Theo một nghiên cứu của Hoa Kỳ, ăn 1 cốc cà-rốt mỗi ngày sau 3 tuần giúp giảm được 11% cholesterol máu, cholesterol máu là nguyên nhân dẫn đến giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Cà-rốt có tác dụng này là nhờ chứa nhiều chất xơ hòa tan, hầu hết ở dạng pectin.
Cà-rốt rất tốt cho thị lực
Cà-rốt không giúp ngăn ngừa hay cải thiện các chứng tật về mắt như cận thị hoặc viễn thị. Tuy nhiên, thiếu vitamin A sẽ bị chứng quáng gà (mắt không thể điều tiết trong môi trường ánh sáng yếu hoặc bóng tối). Vitamin A sẽ kết hợp với therotein opsin trong tế bào võng mạc để tạo thành rhodopsin cần thiết cho thị lực trong bóng tối.
Theo đó, vài ngày ăn 1 củ cà-rốt giúp ngăn ngừa hoặc cải thiện được chứng quáng gà, nguyên nhân do thiếu vitamin A.
Nên ăn cà-rốt sống hay nấu chín?
Cà-rốt có vị ngọt tự nhiên, giàu chất xơ, ít calori nên có thể ăn sống, dùng như thức ăn vặt. Tuy nhiên, cà-rốt nấu chín thì bổ dưỡng hơn vì nhiều dưỡng chất được phân tách ra. Để hấp thụ được beta caroten từ cà-rốt thì cần một lượng nhỏ chất béo trong khẩu phần ăn.
Ngoài ra, cà-rốt còn chứa nhiều dưỡng chất khác như carotenoid như alpha caroten và bioflavonoid. Đây là những dưỡng chất không thể tái sản xuất được khi sử dụng các dạng phẩm bổ sung riêng lẻ.
Các chuyên gia cho biết beta caroten và các carotenoid trong cà-rốt giúp giảm đến 45% nguy cơ bệnh tim mạch nhưng carotenoid từ các dạng viên uống bổ sung lại không có tác dụng ngăn ngừa các bệnh tim mạch.
Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều cà-rốt cũng sẽ bị bệnh vàng da do dư beta caroten. Và triệu chứng của vàng da sẽ giảm sau vài ngày ngưng ăn cà-rốt.
Trần Trọng Hiếu
(Theo Foods that Harm & Foods that Heal, Reader’s Digest)