Cách hành xử phi lý

Canh giữ biển đảo quê hương
Canh giữ biển đảo quê hương

GN - “Dự thảo sửa đổi biện pháp thực hiện Luật Ngư nghiệp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của tỉnh Hải Nam” đã được Ủy ban Thường vụ Nhân dân tỉnh Hải Nam - Trung Quốc thông qua và có hiệu lực từ 1-1-2014. Nội dung của dự thảo này là các tàu cá nước ngoài phải xin giấy phép mới được thăm dò hoặc đánh bắt cá tại hai phần ba biển Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa nước này (Trung Quốc) và một số nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Nói rộng ra là dự thảo này đã ngang nhiên quy định về việc các tàu cá nước ngoài tự ý đi vào vùng nước trên biển Đông mà họ tuyên bố do tỉnh Hải Nam quản lý để hoạt động ngư nghiệp, và các hoạt động liên quan về nghề cá sẽ bị xua đuổi, có thể bị tịch thu tài sản và xử phạt hành chính theo luật pháp Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao các nước Việt Nam, Philippines, Mỹ và Nhật đều ra tuyên bố lên án nội dung Dự thảo bởi vì bản chất của vấn đề nêu trong Dự thảo một lần nữa gây ra căng thẳng về chủ quyền trên biển Đông. Trước đó, Trung Quốc đã lưu hành bản đồ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và công bố “Quy hoạch phát triển sự nghiệp hải dương quốc gia 5 năm lần thứ 12” đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế, gây phức tạp và căng thẳng tình hình biển Đông.

Rõ ràng, hình ảnh biển Đông chưa thực sự yên ổn mà ngược lại đang có những tính toán có lợi về phía Trung Quốc. Chính sách vết dầu loang của họ ngày càng gây khó khăn cho Việt Nam trong việc giữ gìn chủ quyền biển và các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Không chỉ riêng Việt Nam, Philippines cũng bị ảnh hưởng.

Bắc Kinh đang vượt ra khỏi quy chế pháp lý mơ hồ trước đây về “đường chín đoạn” (đường lưỡi bò) và với những quy định trên, Trung Quốc đang xem thường Công ước của Liên Hiệp Quốc về biển Đông - ông John Tkacik, cựu chuyên gia Trung Quốc của Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định.

Trong vòng hai năm trở lại, Trung Quốc đã có những bước đi lấn lướt trên biển Đông và đã bị các nước ASEAN phản đối vì xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán của các nước láng giềng. Việc Philippines khởi kiện Trung Quốc về việc tranh chấp biển Đông là một việc mà theo quan điểm của Việt Nam là các vấn đề liên quan đến biển Đông cần phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. “Việt Nam cho rằng các quốc gia hoàn toàn có quyền lựa chọn các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế”, Thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.

Trở lại chuyện Dự thảo của Trung Quốc - tỉnh Hải Nam, thì đây là một hành động áp đặt bất hợp pháp về đánh bắt cá ở biển Đông và tình hình sẽ trở nên xấu đi nếu Trung Quốc không hủy bỏ dự thảo trên.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày