Cảm tạ cuộc đời cho con được làm con của mẹ

GNO - ... Con nhớ, lúc mình học lên cấp hai, con bắt đầu tò mò và tìm hiểu về chùa, về Phật pháp.

Con bắt đầu có những suy nghĩ, trăn trở về cuộc sống, con nghĩ về cuộc đời của mẹ và của rất nhiều mảnh đời khác. Con nhận thấy lời Phật dạy thật quý báu, con thấy cuộc đời này quá vô thường, giàu sang hay nghèo khó cũng chỉ vài mươi năm ngắn ngủi. Con không muốn sống trôi lăn như bao người, chỉ cơm áo gạo tiền rồi cũng chẳng đi về đâu - con bắt đầu nảy sinh ý niệm xuất gia để nối tiếp các bậc chân tu phạm hạnh.

Con muốn mẹ cũng được niềm hỷ lạc như con, tu học theo lời Phật dạy để gieo duyên lành cho đời sau.

Mẹ dần cảm nhận điều gì đó nơi con khi thấy con trầm tư, khuyên mẹ ăn chay niệm Phật. Mẹ càng lo lắng hơn khi thấy con thích đi chùa, ít ăn những món mặn mẹ nấu, thường đọc sách Phật và ngồi nhìn mẹ rất lâu.

trung tung.jpg


Tác giả xúc động khi tặng hoa cho mẹ trong mùa lễ Vu lan - Ảnh: TGCC

Con vô tình đọc cuốn “Bông hồng cài áo”, một ngày con cũng làm theo lời thầy dạy, con ngồi ngắm mẹ rất lâu, nhìn từng nếp nhăn trên gương mặt mẹ, từng đốm tàn nhang, đếm từng sợi tóc bạc trên đầu khi mẹ đang ngủ say. Bỗng mẹ giật mình tỉnh giấc, nhìn thấy con mẹ nói "cái gì mà mày nhìn mẹ dữ vậy, bộ khùng sao không đi ngủ đi”. Con xấu hổ cười trừ, ôm mẹ ngủ ngon, quên mất nói với mẹ rằng “mẹ biết gì không, con thương mẹ nhiều lắm”.

Rồi ngày mẹ lo lắng cũng đã xảy đến, thi đại học xong con quỳ gối xin mẹ cho con đi tu…

Có lẽ cuộc đời con sẽ không thể nào quên ngày hôm ấy, con lấy hết can đảm quỳ xuống và mẹ run hết cả người lên, lần đầu tiên con thấy mẹ bất lực và đau đớn như vậy.

Mẹ run rẩy như một đứa trẻ mất mẹ mà khóc. Mẹ khóc rất lâu, mẹ nói rằng con ơi đừng đi, mẹ không chịu đâu, mẹ không cho con đi tu đâu, nhất định con không được đi tu. Và rồi mẹ và con cùng khóc, con không hiểu chính mình nữa. Con không hiểu điều gì đã thúc đẩy con dám làm chuyện ấy, có lẽ đó là vì nhân duyên của con đã đến.

Mẹ dùng mọi cách có thể để níu chân con lại, mẹ đi đến nhà các dì các cậu để nhờ bà con giúp khuyên con, mẹ mua cho con đồ ăn ngon, áo quần đẹp, mẹ năn nỉ khóc lóc van xin con, nhưng thấy con buồn mẹ càng đau lòng gấp bội phần.

Rồi mẹ đánh con, mẹ không còn cách nào khác, mẹ phải đánh để con sợ mà không bỏ đi tu. Lần đầu tiên mẹ đánh con đến mức cả người con toàn những vết lằn roi, hàng xóm phải đến xin cho con, nhưng rồi mẹ yếu đuối sờ lên từng vết bầm đó mà xuýt xoa.

Con không dám nghĩ lại thời gian ấy vì con sợ những giọt nước mắt mẹ rơi, nghĩ đến thôi con đã chạnh lòng, có cái gì quặn thắt trong tim con, đau lắm mẹ ạ.

Thời gian đã qua và nỗi đau đã nguôi bớt. Mẹ đã dần chấp nhận sự thật rằng con đã đi tu, mẹ tập ăn chay, đi chùa, nghe pháp, mẹ cũng muốn tìm hiểu điều gì đã làm con gái mẹ đã một lòng đi theo con đường đầy cam go và khó nhọc kia. Con vui mừng vì mẹ đã quy y và làm phước thiện.

Ngày Vu lan sau 4 năm con đi tu, mẹ vào dự lễ cài hoa - có lẽ là ngày con không tin vào mắt mình được. Mẹ nhìn thấy con làm việc vất vả mẹ không khỏi xót xa. Mẹ hỏi con đi tu cực khổ lắm phải không con, con chỉ mỉm cười bảo không mẹ ạ. 

Ngày Vu lan, con ôm mẹ khóc nức nở khi con tặng hoa cho mẹ, con đã cố kìm nén và mẹ cũng thế, nhưng cả mẹ và con đều khóc, con khóc cho bao nhiêu năm xa mẹ, không được ôm lấy mẹ, và đó là những giọt nước mắt hạnh phúc, phải không mẹ.

Con sợ những khi phải đưa mẹ về quê, hoặc con về quê mẹ phải tiễn con đi, vì những khi ấy mẹ khóc không ngớt, mẹ không muốn xa con. Con cố nói những điều vui, an ủi cho mẹ ngăn dòng nước mắt chảy, con cố gượng tỏ ra mình mạnh mẽ, để rồi con quay lưng khóc một mình trên xe về chùa.

Đâu phải con không thèm khát hơi ấm tình mẹ, con thèm được mẹ nấu cháo cho con mỗi khi trở trời con bệnh. Con cũng thèm được mẹ rờ lên trán con xuýt xoa, ôi con gái mẹ bệnh rồi, thương con quá đi. Con thèm được mẹ mua cho chiếc bánh bao để trên mặt con nóng hổi khi con đang ngủ, mùi thơm ngát xông lên mũi, con bừng tỉnh giấc thấy mẹ mỉm cười nói rằng, mẹ mua cho con đó. Nhưng con phải cố gắng tự lập, cố gắng mỗi khi đau ốm không có mẹ cận kề, những khi ấy chỉ cần nghĩ đến mẹ là con đã thấy ấm lòng, tình thương của mẹ sẽ vực con dậy sau những vấp ngã, sẽ nâng đỡ con vượt qua mọi khó khăn và thử thách.

Mẹ hãy tin rằng con gái mẹ sẽ kiên cường như mẹ, dẫu cuộc đời nhiều thử thách chông gai con nhất định sẽ vượt qua tất cả... Mẹ hãy tin ở con, mẹ nhé.

Thích nữ Trung Tùng
(Chùa Từ Giác, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM)

Hộp thư “Bến bờ nhân gian”

“Bến bờ nhân gian” do Báo Giác Ngộ tổ chức nhân mùa Vu lan Báo hiếu 2019, diễn ra từ 23-7 tới 23-9, mời gọi bạn đọc chia sẻ câu chuyện của chính mình dưới dạng tự kể hoặc thể hiện dưới hình thức ký sự nhân vật mà bạn gặp, có hiểu, cảm được việc hiếu nghĩa của họ - để cùng khơi gợi lên lòng hiếu, tâm hiếu trong mỗi người, chung tay sống thiện lành, bắt đầu bằng việc thực tập hạnh hiếu.

* Bài viết bằng tiếng Việt, gửi qua email. Mỗi người có thể viết gửi nhiều bài.

* Độ dài: 900 - 1.600 chữ, có hình ảnh của người trong câu chuyện (nếu là ký nhân vật) và khuyến khích có hình ảnh trong những câu chuyện thật của mình

* Tiêu chí: Người thật, chuyện thật xúc động của chính người dự thi hoặc của nhân vật về lòng hiếu, tình cảm gia đình, thầy trò gây xúc động, đem đến cảm hứng sống thiện lành, hướng thượng. Lưu ý: bài chưa đăng báo nào và cả mạng xã hội.

Từ ngày 16-8 đến 29-8, Ban Tổ chức tiếp tục nhận được bài viết của các tác giả Lê Thị Xuyên, Nguyễn Hồng Mơ, Phát Từ, Nguyễn Hồng Mơ, Lê Thị Xuyên, Thích nữ Vạn Dung, Hoan Liên Mỹ, Thích nữ Nhuận Ân, Như Đạo, Nguyên Hương, Đỗ Duy Hoàng, Khánh Linh, Đức Thành, Nguyện Pháp, Trần Đăng Huy, Thanh Vân, Kim Dung, Nguyên Hiếu, Công Nguyễn, Minh Út, Nguyễn Nguyên An, Liên Khanh, Thích nữ Huyền Trúc,…

Giác Ngộ tiếp tục chào đón bài viết của bạn đọc qua email: onlinegiacngo@gmail.com. Trân trọng cảm ơn bạn đọc đã tham gia.


Ban Tổ chức

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày