Michael đã nghiên cứu về Phật giáo Tây Tạng từ năm 1976, đã hoàn tất chương trình Phật học năm 1982, và là một giáo thọ được truyền thừa trong dòng thiền của thiền sư Tây Tạng Chogyam Trungpa Rinpoche. Michael đã dạy ở các trường như đại học Columbia, đại học St. Mary, trường Cao Đẳng Swarthmore, Tu viện Sơn Thiền (Zen Mountain) và nhiều trung tâm tu học khác ở khắp nước Mỹ, Canada và Âu Châu.
***
Bằng cách cư xử như thế, chúng ta tập được sự cân bằng - rằng ta
thực sự có thể đạt được mục tiêu của mình, đồng thời có mặt tại đó.
Sự cân bằng đó là đỉnh cao của sự thanh lịch và tính chân thật...
Đa số chúng ta có lẽ đều nhớ đến lần đầu tiên ta tập đi xe đạp. Lúc đó, tôi khoảng bốn tuổi. Cha tôi đưa tôi ra con hẻm sau nhà, hướng dẫn tôi cách đạp xe, bẻ lái và thắng. Vì xe có hai bánh phụ, nên tôi cảm thấy rất tự tin trong nỗ lực của mình, cứ như mình đã giữ được thăng bằng mà lướt tới. Cuối cùng cha tôi tháo bỏ hai bánh xe phụ. Ông chạy phía sau, vịn yên xe, giữ thăng bằng cho tôi và thúc giục tôi đạp tới - ông hơi thả yên xe ra, nhưng luôn sẵn sàng để chụp lại yên xe nếu tôi nghiêng phải hay trái.
Một buổi sáng kia, sau điểm tâm, chúng tôi ra ngoài để tập đi xe đạp lần nữa. Chúng tôi bắt đầu ở cuối con hẻm. Cha tôi giữ yên xe và hướng dẫn tôi khi tôi tăng tốc độ. Tôi sẽ không bao giờ quên đã nói với cha rằng: “Ôi, lần này chúng ta thực sự đi rất nhanh!”. Không nghe tiếng trả lời, tôi quay lại phía ông. Ông đang đứng đằng xa ở cuối hẻm, ngắm nhìn tôi một cách đắc thắng. Giờ tôi hiểu ra rằng trong buổi sáng hôm đó, người thực sự buông tay không phải cha tôi, mà là tôi.
Đó chính là lần đầu tiên tôi biết buông bỏ. Buông bỏ sự sợ té, sự phụ thuộc vào hai bánh xe phụ, và ngay cả tâm muốn biết đi xe đạp. Tôi đã buông bỏ lòng hoài nghi, trở nên tự tin vào bản thân để có mặt trọn vẹn trong giây phút hiện tại. Lần đầu tiên trong đời tôi hoàn toàn dựa vào bản thân mình - dựa vào cảm nhận bẩm sinh của tôi về sự linh hoạt, tỉnh táo, và uyển chuyển. Tôi đã tập giữ được sự thăng bằng.
Sự việc bình thường của lần đầu tiên đi xe đạp vẫn in đậm nét trong tâm trí tôi qua bao năm tháng, vì nó minh họa một cách hoàn hảo phương cách chúng ta có thể thực tập để giữ thăng bằng trong công việc - hoặc trong cuộc sống.
Nỗ lực để đạt được điều gì đó, trong nghề nghiệp, trong cuộc sống, hay chỉ là để đi được xe đạp, phụ thuộc đầu tiên vào sự có mặt ở nơi đó, buông bỏ những sợ hãi, ước muốn, thói quen, thông lệ và hoàn toàn tin tưởng vào bản thân ngay trong giây phút hiện tại. Tin tưởng rằng ta có thể cưỡi xe đạp không cần bánh xe phụ, tin tưởng rằng ta có thể tạo dựng nghề nghiệp mà không hoài vọng, âu lo, tin tưởng rằng chúng ta có thể sống một cuộc sống không oán giận, than phiền. Đổi lại, ta có thể tìm được sự thăng bằng chỉ bằng sự có mặt, sự tỉnh táo đầy tự tại, uyển chuyển, linh hoạt. Bằng cách buông bỏ tâm do dự để tìm sự thăng bằng, chúng ta có được một trong những bài học lớn trong cuộc sống: để đạt được điều gì đó, trước tiên ta phải có mặt ở hiện tại. Công việc có cách đặc biệt khiến cho chúng ta mất cân bằng, làm cho ta chỉ nhắm đến tương lai, lo lắng không biết ta đi về đâu, không biết ta có đạt được mục đích mà không ảnh hưởng gì đến nghề nghiệp và lương bổng. Bị mất cân bằng theo hướng đó - chỉ chăm chú vào việc đạt được mục đích - có thể làm cho ta cảm thấy do dự, lo âu và bồn chồn. Chúng ta có thể cảm thấy tỉnh táo trong công việc nhưng không được tự do và cởi mở như chúng ta nghĩ mình có thể là. Ta có thể cảm thấy phấn khởi bởi thử thách, nhưng ta vẫn thận trọng, bất an.
Câu hỏi quen thuộc “Việc gì khiến bạn mất ngủ?” khá hiển nhiên trong thương trường. Những âu lo như: không biết cuối tuần này, hệ thống kiểm toán mới khởi động có được thuận lợi không? Buổi thuyết trình trước chủ tịch bộ phận ngày mai có được tốt không? Không biết tôi có được thăng chức hay lại bị gạt sang một bên? Sự phức tạp của việc thành đạt, của đánh giá, của việc đáp ứng với các tình huống khẩn trương, của việc phải giải quyết điều gì đó nhanh chóng có thể khiến cho ta sống trong sự dự đoán liên tục, tước đoạt của ta cảm giác tự tại, lòng nhiệt tình, biến công việc trở thành một gánh nặng, khiến ta mất tập trung trong cuộc sống.
Oái oăm thay, quá tập trung vào tương lai có thể chẳng giúp ta đạt được mục tiêu như ta mong đợi. Khi những nỗ lực của chúng ta chỉ nhắm vào việc đạt được điều gì đó, chúng ta trở nên giống các vận động viên phát huy nỗ lực to lớn để đạt những kết quả hạn hẹp. Nếu ta cử tạ và hít đất để phát triển sức mạnh phần thân trên, ta có thể trở thành chuyên gia về cử tạ; ta có thể có khả năng khiêng tủ lạnh hay kéo xe tải, nhưng không thể đối phó với những thách thức to tác hơn. Nếu người ta yêu cầu ta chơi một bàn quần vợt hoặc bắn một mũi tên chính xác hoặc thực hiện một cú tung người lên trong màn vũ ballet, ta sẽ khốn đốn vì không được trang bị các khả năng đó. Chúng ta sẽ thiếu sự uyển chuyển, linh hoạt cơ bản. Tương tự, công việc cũng đặt ra cho ta những thách thức, đòi hỏi nhiều năng lực khác hơn là tập trung không mệt mỏi để đạt được điều gì đó nhanh chóng. Chúng ta không thể chỉ dựa vào bắp thịt và ý chí khi đối phó với những thách thức trong công việc. Công việc làm thường đòi hỏi sự khéo léo và thời gian để mổ xẻ, đào sâu một tình huống, áp dụng sự tưởng tượng sáng tạo để đối đầu với bế tắc, hoặc bắt nhịp cầu cảm thông giữa các đồng nghiệp. Chúng ta không thể có được những khả năng này bằng cách tăng tốc độ hướng về phía trước. Chúng ta phát triển những khả năng như thế bằng cách tập buông bỏ và hoàn toàn có mặt trong giây phút hiện tại.
Việc “buông xả” như thế không nhằm thỏa mãn một mong đợi hoặc tiêu chuẩn bên ngoài nào. Hành động buông xả không thực sự vất vả như cử tạ hay kiểm tra một bản cân đối kế toán phức tạp. Thay vào đó, nó đòi hỏi chúng ta phải thoải mái, cởi mở với hoàn cảnh trước mắt, bất kể đó là gì, mà không thành kiến hoặc thiên vị. Nó buộc ta phải có đủ lòng tin vào bản thân để không bám víu vào những gì ta đã lệ thuộc, thoải mái để tiến bước vào bản chất thăng bằng của ta. Bằng cách buông bỏ, chúng ta dừng việc đem những tình tiết, thói quen suy nghĩ mà ta thường đưa vào công việc mình làm và chỉ có mặt trong các tình huống trước mắt - dầu chúng có khó xử hay dễ xử đến thế nào. Chúng ta đem bản tánh tò mò vào công việc và để cho tình huống tự phơi bày theo nhịp độ và thời khắc của riêng nó. Sự buông bỏ không có nghị trình nào khác hơn là hiện diện một cách triệt để và thông minh đối với những tình huống trước mắt, một hành vi đòi hỏi sự linh hoạt, tỉnh táo và uyển chuyển.
Sự “buông bỏ” nghe có vẻ giống như một thái độ đầu hàng được tôn vinh. Chúng ta là những người rất bận rộn. Chúng ta có những danh sách dài về các “việc phải làm”, và sự buông bỏ không nằm trong danh sách đó. Chúng ta có thể buông xả ở những thời gian rảnh rỗi hoặc cuối tuần. Chúng ta có thể ngồi xe đạp hoặc “dừng lại và ngắm hoa” trong kỳ nghỉ. Thật đáng ngạc nhiên, sự buông xả trong công việc có nhiều ý nghĩa hơn là việc bỏ thời gian để ngắm hoa trong cuộc sống. Trong nhiều trường hợp, đó có thể là một vấn đề sống chết.
Khả năng tỉnh táo của người bác sĩ khi chẩn đoán bệnh thường giúp ông tìm ra được sự khác biệt giữa cái sống và chết. Nhận ra một vết trầy dường như rất nhỏ hoặc một liều lượng bất thường trong toa thuốc có thể khiến vị y sĩ quan tâm theo dõi kỹ hơn để khám phá ra rằng tình trạng sức khỏe của người bệnh có thể bị đe dọa. Các y sĩ được huấn luyện để buông bỏ kiến thức học được cũng như nương tựa vào đó; luôn có mặt trong mọi tình huống khi chúng xảy ra là bổn phận của người y sĩ. Có những nghề nghiệp khác cũng đòi hỏi sự buông bỏ định kiến, và sự có mặt trọn vẹn trong mọi tình huống khi chúng xảy ra là một vấn đề sống còn, thí dụ như người điều khiển giao thông hàng không, nhân viên cứu hỏa, nhân viên cấp cứu y tế, giáo viên. Thật ra, việc trau dồi khả năng buông bỏ là rất quan trọng, dầu nghề nghiệp của chúng ta là gì, nếu chúng ta muốn tận dụng tất cả khả năng trong công việc. Tất cả chúng ta đều có khả năng, ví dụ, nói hay làm đúng lúc hoặc bất ngờ đề ra những ý tưởng hữu dụng. Dầu khả năng này có thể xuất hiện một cách tự nhiên, nó cũng cần được trau dồi. Giống như những thứ quý báu khác, khả năng buông bỏ và có mặt vốn có sức mạnh của riêng nó, nhưng nó cũng cần được tôn trọng, chăm sóc và nuôi dưỡng.
Trong Phật giáo, chúng ta trau dồi khả năng bẩm sinh này để “buông xả” trong chánh niệm-tỉnh thức, hoặc khi thiền định. Theo truyền thống, tọa thiền được xem là giây phút hiếm hoi để chúng ta khám phá ra sự thăng bằng giữa việc đạt được điều gì đó, đồng thời có mặt trong hiện tại, giống như khi đi xe đạp. Khi tọa thiền chúng ta cố gắng để đạt được điều gì đó - để phát triển tâm an lạc và mở lòng ra - bằng cách buông bỏ, dừng quay lại quá khứ và hoàn toàn có mặt trong hiện tại. Chúng ta biết rằng mình có thể ‘ngồi trên’ hiện tại mà không cần bánh xe phụ của tình tiết và định kiến. Khi hành thiền, ta buông bỏ những cuộc đối thoại trong đầu cả trăm lần - lặp đi lặp lại nhiều lần. Theo thời gian, chúng ta phát hiện ra sự cân bằng trong nỗ lực của mình sống động nhưng dễ dàng; đơn giản nhưng đòi hỏi nỗ lực. Cũng giống như sự tập luyện hàng ngày của một vận động viên là thiết yếu đối với việc biểu diễn trên sàn đấu hay sân cỏ, việc hành thiền thường xuyên là nền tảng để cân bằng nỗ lực và phát triển nó trong công việc.
Khi bắt đầu thực tập thường xuyên, chúng ta thấy rằng sự buông xả xảy ra một cách tự nhiên trong cuộc sống. Tất cả những gì ta cần làm là chú ý. Buổi sáng, chúng ta phải gấp rút đến sở làm, có thể trên xe điện ngầm chật ních người hoặc đi trên đường. Thông thường, những lúc ấy trong đầu chúng ta lo nghĩ về một ngày làm việc trước mắt, có thể là buổi họp nhân viên, hay việc hoàn thành báo cáo, hoặc họp riêng với người quản lý. Và rồi, bỗng dưng, không có lý do đặc biệt nào cả, chúng ta để ý đến người ngồi đối diện với chúng ta trên chuyến xe. Chỉ cần một giây chú ý, ta đã thấy chiếc cà-vát và chiếc áo sơ-mi của anh ta tinh tươm đến thế nào. Ta cũng để ý đến những gì diễn ra quanh ta - người liếc nhìn đồng hồ, kẻ đọc báo, người xô đẩy nhau lên, xuống xe. Chúng ta buông xả mẩu đối thoại trong đầu và nhận thấy bản thân đang ‘uống’ trọn vẹn giây phút hiện tại một cách thấu đáo, hoàn mãn, với nhận thức rằng, trong một giây phút ngắn ngủi tươi mới, thế giới đang rộng mở, vượt lên trên những định kiến của chúng ta.
Với thời gian, chúng ta sẽ bắt đầu làm bạn với khả năng buông xả đơn giản này và có mặt trọn vẹn ở nơi ta cần có mặt. Ta sẽ khám phá ra rằng, nếu ta cố gắng quá sức để buông xả, thì chính sự nỗ lực đó khiến ta phân tâm, ta sẽ đạp xe quá nhanh, mất sức quá nhiều. Trái lại, chúng ta có thể nhận thấy rằng khi ta quên đi sự buông xả, có thể trong nhiều ngày, thì cuối cùng ta lại dựa dẫm quá nhiều vào các bánh xe phụ của cảm xúc, để cảm thấy bồn chồn hoặc căng thẳng. Dần dần, qua việc tọa thiền, chúng ta nhận ra rằng, bằng cách có mặt trọn vẹn ở nơi cần có mặt, ta thể nhập vào cuộc sống, đó là một hành vi có ý nghĩa và đáng tôn trọng. Như với tất cả mọi lời mời gọi khác, chúng ta không thể bắt buộc khách mời phải đến; chúng ta chỉ mở rộng cuộc sống, sẵn sàng hiện diện đối với bất cứ những gì có thể xảy ra trong giây phút hiện tại.
Khi chúng ta buông xả và có mặt trong công việc mình làm, ta có thể nhận thấy, dầu chỉ trong phút giây, rằng ta đang mời gọi một quan điểm thông thoáng, khôn ngoan hơn. Những bất như ý mà chúng ta có thể dễ dàng bỏ qua - một bản báo cáo được tiên đoán sẽ bị trễ, cô tiếp tân cau có, vị khách hàng ù lì - trở thành các tín hiệu nhắc nhở ta phải chú tâm.
Những giây phút quen thuộc thường ngày, như lúc ký tên các bảng báo cáo chi tiêu, lại kêu gọi một sự chú tâm khác vào các chi tiết. Vì chúng ta có mặt, thế giới công việc trở nên giống như bệnh nhân của ta, người mà ta phải lưu tâm, phải tỉnh táo để phát hiện các dấu hiệu về sức khỏe hay sự suy nhược.
Khi buông xả, chúng ta không thêm bất cứ thứ gì vào các danh mục “công việc phải làm”. Chúng ta chỉ đơn giản cân bằng giữa nỗ lực đạt đến mục tiêu, với việc có mặt trọn vẹn, để mở lòng ra đối với triển vọng phát triển trong công việc. Dần dần, sự hoán chuyển này trở thành khá thông thuộc, cho phép chúng ta nối kết trở lại với trí tuệ bản thể của ta - phản ứng nhanh nhẹn, sâu sắc và tự tin - theo ý muốn. Bằng cách buông xả nhiều lần, chúng ta làm sống lại cảm giác tự tại và ý thức được sự thông thoáng trong công việc, nó không cần được quản lý hay sắp xếp. Chúng ta dần dần khám phá ra sự tự tại vốn có mặt trong cuộc sống của ta nhưng vì lý do gì đó không được ta để ý đến.
Phương cách “Thăng bằng hai nỗ lực” nhắc nhở chúng ta rằng, ta có thể nỗ lực để buông bỏ quan niệm của ta trong chốc lát, và lắng nghe thế giới, dầu viễn tượng đó có tẻ nhạt hay đe dọa như thế nào. Tham vọng thành công, thời gian biểu đầy ắp, quyền lực, “sự chính xác” của ta - tất cả những điều đó có thể dừng lại, trong chốc lát. Sau đó, chúng ta có thể mang sự chú tâm cởi mở vào các tình huống trong công việc, vào thế giới chung quanh và ý thức được sự bao la, sống động quanh ta. Bằng cách cư xử như thế, chúng ta tập được sự cân bằng - rằng ta thực sự có thể đạt được mục tiêu của mình, đồng thời có mặt tại đó. Sự cân bằng đó là đỉnh cao của sự thanh lịch và tính chân thật. Đó là năng lực cốt lõi của sự tỉnh thức trong công việc.