Cẩn trọng với những "luồng gió độc"!

Cẩn trọng với những "luồng gió độc"!
Loạt bài “Nhìn về giới trẻ thời @” trên Giác Ngộ đã phản ánh nhiều góc nhìn có thật về giới trẻ hiện nay với đầy đủ những cung bậc, sắc thái. Nhìn để rồi lo. Và mừng.

Lo vì một nỗi rất thật: Một bộ  phận giới trẻ @ sống gấp  quá, đến nỗi họ không kịp   dừng lại để nhận diện những điều đã, đang xảy ra chung quanh mình, ngay trên bản thân mình. Họ chạy theo những giá trị ảo trong một không gian ảo của thế giới mạng, để rồi chính nó dẫn dắt và đẩy họ vào những nỗi khổ niềm đau. Đó là gì? Stress trong cuộc sống mưu sinh, lao chen, chạy theo đồng tiền, chủ nghĩa cá nhân, trọng vật chất! Tuy nhiên, cũng những con người trẻ ấy lại có không ít cá nhân biết “sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”, sống tỉnh thức và nhận diện rõ những nỗi khổ đau là có thật để vươn lên. Hòa mình vào cuộc sống, đi giữa cuộc đời có nhiều bon chen, ích kỷ nhưng họ không bị xô ngã hay hòa tan vào những điều ấy. Chợt nhớ đến câu ca dao: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Nhìn về giới trẻ @ ở hai góc nhìn, xấu tốt lẫn lộn và giật mình tìm lý do. Đã bao giờ quý vị tự hỏi: Con mình tại sao lại “thiếu sức sống”, lại đua đòi và có những ứng xử không đẹp trong cuộc sống? Chắc có. Và hẳn quý vị đã băn khoăn, lo lắng, thậm chí bất lực trước con mình? Những câu hỏi ấy có bao giờ chúng ta thử tìm căn nguyên cho nó? Phải chăng là vì chúng ta cũng đang lao theo vật chất, cố bon chen chỗ này, chạy vạy chỗ kia để kiếm thật nhiều tiền?

Chúng ta muốn cải thiện cuộc sống của mình, điều đó là đúng và cần thiết. Nhưng, nếu chúng ta không biết quân bình cuộc sống của mình, để mình trôi tuột theo những dự định làm giàu thì chính con cái chúng ta cũng sẽ theo đó trôi vào lối sống không tốt, không đẹp, mắc vào những cạm bẫy đầy dẫy ngoài xã hội và trên internet. Tôi còn nhớ, trong Nho giáo có câu: “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Trẻ nhỏ như tờ giấy trắng vậy, nhân cách, lối sống các em được hình thành từ chính lối sống và cách giáo dục của người lớn… Trong cuốn sổ liên lạc thường biểu hiện rất rõ cách thức giáo dục ấy - đó là nhà trường - gia đình - xã hội. Chính từ đây, con trẻ chúng ta sẽ được vun bồi những ý thức, những hành vi trong sáng hoặc hoen ố. Vậy mà, chúng ta đã có lúc sờ trán, vò đầu, bứt tai vì… con chúng ta hư! Hóa ra,  chính chúng ta đã góp phần làm con cái chúng ta trượt dài vào lối sống không lành mạnh.

Tôi rất tâm đắc điều Thạc sĩ Tâm lý xã hội Nguyễn Thị Oanh phát biểu (trích trong bài “Bạo động, yêu sớm, dễ dãi?”). Bà có nhắc đến bạo lực học đường và những hành vi gian trá ngoài xã hội. Game online bạo lực, phim ảnh kích động thù hằn, đánh nhau, băng đảng… Tất cả những điều ấy đang xâm hại các em. Giáo dục như thế nào? Ngăn chặn các em tiếp xúc! Đó là biện pháp lập hàng rào an toàn. Nhưng nếu thiếu định hướng cho bạn trẻ lối sống lành mạnh, không cho các bạn nhận diện rõ sự thật của đời sống, nhân sinh là vô thường và quy luật nhân quả rất mầu nhiệm mà Phật đã tuyên thuyết thì cũng khó mà giáo dục toàn diện.

Giác Ngộ đã mở một diễn đàn, nghiêm túc nhìn về giới trẻ và lối sống thực tại của các bạn ấy là rất cần thiết hiện nay. Nhắc để giật mình và có biện pháp ngăn chặn để cho những “luồng gió độc” từ bên ngoài bớt lan tràn để lại những hậu quả khôn lường. “Gió độc” dễ đầu độc những người có “sức đề kháng” yếu. Vì vậy, hãy xây dựng niềm tin cho bạn trẻ, hướng các bạn vào đời sống tĩnh lặng để các bạn tiếp xúc nhiều nhất với cái thiện lương trong sáng. Và chỉ có như thế, Phật tánh trong con người các bạn trẻ mới có điều kiện nảy nở thành hành động, đủ sức đề kháng “luồng gió độc” ở khắp nơi đang vần vũ trong thế giới @...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Ngày Phật đản sinh

GNO - Đối với tất cả các tôn giáo, ngày đản sinh của vị giáo chủ là ngày vô cùng trọng đại. Riêng với đạo Phật, ngày đản sinh của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni là ngày thiêng liêng của người Phật tử, ngày ấy đã trở thành ngày lễ lớn nhất, một sự kiện vĩ đại bậc nhất trong lịch sử xã hội loài người.

Thông tin hàng ngày