GN - Có quá nhiều sự khác biệt trong nghi lễ Phật giáo của ba miền Bắc, Trung, Nam: các câu pháp ngữ, các bài hô, xướng, tán tụng, ngâm vịnh; có bài âm Hán Việt, có bài vừa Hán vừa Nôm; cách sử dụng chuông, mõ, trống, khánh, các nghi thức tụng niệm…
Tôi nhận thấy cần có sự thống nhất bài bản tụng niệm, các nghi thức hành lễ để Phật tử không gặp khó khăn khi tham gia các thời khóa hàng ngày.
Đi chùa - Ảnh minh họa
Ngay cả chư Tăng Ni đôi lúc cũng gặp khó khăn khi mỗi đạo tràng, mỗi chùa theo một bài bản không thống nhất. Có khi tham dự khóa lễ ở một đạo tràng mà người này tán tụng trong khi người khác đứng nhìn (vì không biết bài bản hoặc phong cách tán tụng nên không theo được), còn Phật tử thì đành chịu, chỉ tham gia cho có mặt. Hiện tượng này xảy ra rất nhiều ở các chùa ở tỉnh lẫn thành phố.
Ban Văn hóa, Ban Nghi lễ Trung ương cần khẩn trương Việt hóa kinh văn, thống nhất các nghi thức và bài kinh trong các khóa lễ để sử dụng trên toàn quốc. Chư Tăng, Phật tử nên đọc tụng các bản kinh tiếng Việt trong các thời khóa lễ để có thể hiểu và chiêm nghiệm, ghi nhớ và thực hành những lời dạy của Đức Phật.
Phật giáo đã thống nhất từ lâu, không có lý do gì không có kinh văn tiếng Việt và không thống nhất về nội dung, hình thức lễ nghi, phép tắc, hình thức sinh hoạt tín ngưỡng chung dành cho Phật tử.
Có nhiều Phật tử ở chùa này khi đi đến chùa khác đã không tham gia tụng niệm được vì nghi thức tụng niệm, cách đánh chuông mõ không giống ở chùa mình. Có khi cách sắp xếp, tổ chức các khóa lễ cũng khác.
Rồi tình trạng mạnh ai nấy tụng đọc, không có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chư Tăng với Phật tử, và giữa Phật tử với nhau, không ai theo ai, không ai nương ai, làm cho khóa lễ mất đi giá trị tâm linh và tinh thần hòa hợp…