Cần xác định đúng số lượng tín đồ Phật giáo

Vừa qua Nhà nước có cuộc tổng điều tra dân số, qua đó ngành hướng dẫn Phật tử T.Ư có thông báo đến Ban Hướng dẫn các tỉnh thành về việc thống kê số lượng Phật tử trên toàn quốc. Vấn đề kê khai số liệu chuẩn xác của tín đồ Phật giáo thật là một điều khó, bởi nhiều lý do:

>>> Phật tử không hẳn là người đã quy y Tam bảo

Thống kê chính xác số lượng tín đồ Phật giáo
không phải là việc dễ dàng - Ảnh minh họa (Ảnh: Giác Thông)

- Bản chất cốt lõi của đạo Phật cũng như quá trình truyền giáo của Đức Phật chỉ khuyên tín đồ tu thiện, hành thiện và thực hiện con đường giải thoát. Không phô trương hình thức.

- Vấn đề quy y có thể người ở thành phố quy y ở Bình Dương và ngược lại…Thậm chí có người thực hành theo giáo pháp của Phật như ăn chay, chuyên tụng kinh và thiền định… Nhưng họ cũng không nhất thiết phải quy y.

Và như vậy, để có con số cụ thể cho tín đồ Phật giáo (nếu chỉ dựa vào bằng phái quy y) để báo cáo thì không chuẩn xác. Chưa nói đến có một số cán bộ nhân viên làm công tác điều tra hay làm chứng minh nhân dân hoặc hộ khẩu... Lại hỏi đủ điều như có quy y không ? Có đi tu không ? Có ở chùa không? Có ăn chay không?... Mà khai là đạo Phật và cuối cùng người điều tra lại ghi vào mục tôn giáo là “không” nếu chỉ cần sự lúng túng chưa kịp suy nghĩ của người khai. Điều đáng nói là ngay cả một số tu sĩ Phật giáo khi làm chứng minh hay hộ khẩu lại được ghi ở mục tôn giáo là “không”. Có lẽ chính vì vậy, mà con số tín đồ Phật giáo ở Việt Nam quá ít trong khi thực tế thì tín đồ Phật tử và những người có tín ngưỡng Phật giáo ở Việt Nam rất đông.

Ở đây, chúng ta không nên hiểu muốn kê khai là đạo Phật thì phải có bằng phái quy y hoặc ở chùa; người ta có thể đi theo đạo Phật bằng nhiều lý do khác. Chúng ta nên hiểu và xét về mặt tín ngưỡng của một người theo một tôn giáo ví dụ như đạo Phật: Họ đi chùa trong các ngày rằm, mùng một, họ ăn chay, gia đình thờ Phật, khi gia đình có người thân qua đời họ thỉnh Tăng Ni đến hộ niệm, họ tu tập theo hạnh nguyện của Đức Phật...Vậy họ không theo đạo Phật là gì ? Những trường hợp này chiếm một số lượng rất lớn trong cộng đồng người Việt Nam hiện nay.

Để xác định đúng nghĩa người theo tín đồ Phật giáo, theo chúng tôi:

- Khi cán bộ nhân viên thống kê hay làm chứng minh nhân dân hoặc hộ khẩu thì nên hướng dẫn để họ ghi đúng tín ngưỡng tôn giáo của họ đang theo, không cần thiết phải hỏi có quy y chưa cũng như nhiều lý do khác mà chúng tôi đã trình bày ở phần trên. Nếu có thêm thiện chí nên giải thích và tạo những điều kiện thuận lợi nhất để họ khai đúng tín ngưỡng của mình.

WW (1).JPG
Vì không phải ai đến chùa cũng đã quy y và được lưu tên
lại trong danh bạ của chùa - Ảnh minh họa (Ảnh: Bảo Thiên)

- Ngành hướng dẫn Phật tử từ Trung ương đến địa phương phải thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở tự viện kê khai đầy đủ số lượng tín đồ của cơ sở mình theo tinh thần hướng dẫn của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương. Đặc biệt là các vị giảng sư khi thuyết pháp tại các đạo tràng nên giảng cho tín đồ Phật tử hiểu đúng ý nghĩa của một tín đồ Phật giáo để mạnh dạn kê khai. Có như vậy thì từng bước số lượng tín đồ Phật giáo Việt Nam mới thật sự đúng với số lượng của nó.

Ở đây, chúng tôi không có tham vọng muốn đưa số lượng tín đồ Phật giáo lên cao mà chỉ mong muốn người có tín ngưỡng theo đạo Phật ở Việt Nam, một tôn giáo có chiều dài gắn liền với vận mệnh thịnh suy của dân tộc Việt Nam trên dưới 2.000 năm lịch sử được kê khai đúng với ý nghĩa và số lượng vốn có của nó.

Chư tôn đức Tăng Ni và quý độc giả có quan điểm và suy nghĩ gì về vấn đề này, xin vui lòng gởi về Giác Ngộ Online qua địa chỉ toasoan@giacngo.vn hoặc thư tay về Tòa soạn báo Giác Ngộ - 85 Nguyễn Đình Chiểu - F.6, Q.3, TP.HCM. Giác Ngộ Online luôn mong muốn đón nhận ý kiến chia sẻ từ Chư tôn đức Tăng Ni và bạn đọc gần xa.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày