GN - Gần 200 học giả, nhà quản lý tôn giáo, nhà khoa học trong nước và quốc tế đã có mặt tại TP.Hồ Chí Minh trong 2 ngày cuối tuần vừa qua để cùng trao đổi, chia sẻ và thảo luận những khía cạnh khác nhau của Phật giáo khu vực Mekong nhân hội thảo khoa học quốc tế cùng tên.
Bên cạnh những khẳng định về các giá trị văn hóa, lịch sử, kinh tế và những đóng góp cho sự phát triển của khu vực này, các học giả đã gióng lên những tiếng chuông cảnh báo có thật mà Phật giáo phải đối mặt trước những đổi thay của xã hội và thời cuộc.
Một phiên thảo luận của hội thảo - Ảnh: Bảo Thiên
Giá trị của sự minh triết
Trong 5 chủ đề của hội thảo, có lẽ các nội dung về văn hóa và di sản của Phật giáo vùng Mekong nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các học giả trong và ngoài nước. Đã có nhiều bài tham luận từ 30 nhà nghiên cứu trong nước và 5 học giả nước ngoài gửi đến tham gia chủ đề này của hội thảo.
Theo đó, đại đa số các học giả đều khẳng định minh triết Phật giáo là một di sản tinh thần của nhân loại xưa và nay. Đối với vùng Mekong, minh triết Phật giáo đã ảnh hưởng đến các thể chế văn hóa, cấu trúc xã hội và đạo đức của các dân tộc trong vùng này và dòng chảy văn hóa của vùng Mekong xuất phát từ nguồn mạch chính của minh triết Phật giáo. Cũng nhờ đó mà các nước thành viên vùng Mekong như Việt Nam, Lào, Campuchia gắn kết chặt chẽ như kiềng ba chân, có khả năng đẩy mạnh việc bang giao với khu vực và toàn cầu.
Theo PGS.TS Trần Hồng Liên, Hội Dân tộc học và Nhân học TP.HCM, thì Phật giáo là chất keo gắn kết ba quốc gia này về mặt tâm linh, tạo cho đời sống tinh thần của ba dân tộc láng giềng chung một tư duy nghệ thuật, chung một khuôn mẫu về các kiến trúc và tạo hình văn hóa.
“Nhiều năm qua, chính các yếu tố ấy đã hình thành trong đời sống cư dân khu vực những nét sinh hoạt và ứng xử đặc sắc: hướng thiện, biết làm phước để tích đức cho con cháu, sống hòa vào thiên nhiên với tư tưởng vị tha, hiếu thảo với các bậc tiền nhân và trưởng thượng. Các đạo lý này được nối tiếp qua nhiều thế hệ”, PGS.TS Trần Hồng Liên khẳng định trong lần đăng đàn trình bày tham luận của mình.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Anh Quốc và TS. Lê Võ Thanh Lâm cùng đến từ khoa Triết, Trường Đại học KHXH&NV thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM thì cho rằng minh triết Phật giáo ngày nay cần được hiểu như là một sự tương đồng về văn hóa. Ở phương diện này, minh triết Phật giáo như là căn cứ để các quốc gia vùng Mekong hợp tác trên các lĩnh vực khác như kinh tế, chính trị, bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng… trong chiều hướng tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, mâu thuẫn giữa các quốc gia đang còn những tiềm ẩn, nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của nhân loại.
Ở một khía cạnh khác, PGS.TS Trương Văn Chung, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Đại học KHXH&NV TP.HCM) và TS.Trần Kỳ Đồng, Trường Đại học KHXH&NV TP xác định hẳn tính nổi trội của giá trị tư tưởng lục hòa trong minh triết Phật giáo và cho rằng tư tưởng này góp phần rất lớn cho sự phát triển vững bền của vùng Mekong.
“Dù là vùng đa sắc tộc, đa tôn giáo nhưng không một tôn giáo nào có thể so sánh với Phật giáo về tính phổ biến, sự liên tục về địa lý và mức độ sùng tín của tín đồ… Phật giáo với một trong những nội dung xuyên suốt của các hệ phái là lục hòa được xem như nhân tố chủ lực trong quá trình xây dựng hệ hình văn hóa hợp tác, sáng tạo và phát triển vùng Mekong”, hai vị học giả trên khẳng định.
Suy thoái môi trường
Tuy vậy, một trong những vấn đề lớn mà vùng Mekong phải đối mặt đó là suy thoái môi trường và các di sản dần bị hủy hoại. Theo nhiều nhà nghiên cứu, hiện tại dòng sông Mekong bị ô nhiễm nặng, môi trường sống của hệ động thực vật nơi đây bị ảnh hưởng, một số loài có khả năng tuyệt chủng; những di tích văn hóa Phật giáo vùng Mekong có nguy cơ bị mai một bởi thiên tai, sự biến đổi của khí hậu và sự xâm hại của con người.
Tiến sĩ M.P.M. Peiris, Giáo sư Viện Nghiên cứu Phật học và Pali thuộc Đại học Kalaniya (Sri Lanka) trong nghiên cứu của mình cho biết sông Mekong đang bị thay đổi dòng chảy tự nhiên, cùng với sự ô nhiễm đã ảnh hưởng đến môi trường sống của động thực vật cũng như sự tuyệt chủng của một số loài sinh vật quý hiếm.
“Ở một số nơi trong khu vực này, con người đang lạm dụng tài nguyên thiên nhiên, dẫn đến sự suy thoái môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của các thế hệ mai sau. Thông qua tuệ giác Phật giáo, đây là những biểu hiện của cái nhìn và hành động thiếu trí tuệ, làm giảm thiểu hạnh phúc và an lạc”, bà Peiris khẳng định.
Cũng đồng tình với quan điểm trên, TS.Peter Danniels, Trung tâm Kinh tế Xã hội và Môi trường, Đại học Griffith (Úc) cho rằng dòng sông Mekong nuôi sống và tác động trực tiếp đến khoảng 55 triệu người đi qua nhiều quốc gia. Cũng chính vì sự bao bọc này kết hợp với những sinh hoạt thiếu trách nhiệm đã gây nhiều nguy hại dẫn đến những tác động tiêu cực.
“Hiện tượng nước mặn xâm thực, lũ lụt và mất dần những khoảng đất nông nghiệp, trồng trọt và dự trữ sinh thái là những điều cần được quan tâm nếu không đợi đến lúc quá muộn”, học giả đến từ Úc cảnh báo.
Gây sự quan tâm sâu sắc trong nội dung này cần phải nhắc đến phần trình bày của luật sư John M. Scorsine (Mỹ) khi ông cho rằng nếu không cấp thiết thực hiện những hành động cụ thể thì đến năm 2030, phần lớn diện tích của TP.HCM và những vùng lân cận sẽ chìm trong biển nước.
Từ đó các học giả đề nghị cần tiết giảm tình trạng khai thác nguồn tài nguyên trên dòng Mekong, giảm carbon bằng cơ chế phát triển sạch, phát triển công nghiệp và cộng đồng các ngành công nghiệp cần phải tuân thủ những quy định của Liên Hợp Quốc nhằm đảm bảo tính bền vững cho môi trường. Đặc biệt, nhiều học giả còn đưa ra những yêu cầu về việc thực hành lời Phật dạy về bảo vệ môi trường.
Các đại biểu quốc tế tham dự hội thảo - Ảnh: Bảo Thiên
“Giáo lý Tứ diệu đế, Bát Chánh đạo hay những yếu tố khác của Phật giáo sẽ là nền tảng căn bản cho việc thực tập để duy trì sự phát triển vững bền khu vực Mekong. Những tuệ giác này sẽ không giống với các chính sách về đặt nặng lợi ích kinh tế và lối sống thực dụng mà ngược lại sẽ chỉ cho chúng ta nhu cầu về phát triển vững bền bằng việc tiêu thụ những vật chất cần thiết, đảm bảo sự hài hòa giữa con người và tự nhiên”, TS.Peter Danniels khẳng định.
Hiện tượng cải đạo
Một số tham luận đặt trọng tâm vào vùng đất cụ thể của Việt Nam có dòng sông Mekong đi qua là đồng bằng sông Cửu Long. Nơi này, Phật giáo Khất sĩ và Phật giáo Nam tông Khmer đã bén rễ từ lâu và phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển chung của đạo pháp, dân tộc và đất nước. Đối với cộng đồng người Khmer ở Nam Bộ, một nét đẹp vừa mang tính tôn giáo, vừa mang tính văn hóa là sự gắn bó thiết thân với ngôi chùa, vì nơi này bảo lưu và truyền phát văn hóa.
Tuy nhiên, do những thay đổi của xã hội và trong nhận thức đã làm cho sư sãi người Khmer có khuynh hướng chọn đi tu ngắn hạn thay vì trọn đời. Ngoài ra, thanh thiếu niên người Khmer cũng ít đến chùa hơn do bận học tập, làm ăn và tham gia các hoạt động văn hóa khác do đó việc hiểu biết giáo lý đạo Phật và văn hóa truyền thống bị mai một và dần hạn hẹp.
Nghiêm trọng hơn, do cuộc sống kinh tế khó khăn và một vài lý do khác mà một số người Khmer lại cải đạo, từ bỏ truyền thống Phật giáo tự bao đời để theo một tôn giáo khác. Theo khảo sát của ThS.Phan Thuận và ThS.Võ Thị Kim Huệ, Học viện Chính trị khu vực IV, TP. Cần Thơ, có đến 54,9% Phật tử người Khmer cho thấy vấn đề đang đặt ra là sự giảm sút niềm tin, thể hiện qua việc một bộ phận Phật tử bỏ đạo để theo một số tôn giáo khác, ảnh hưởng đến sự đoàn kết của phum, sóc và trật tự an toàn xã hội.
Trên cơ sở đó, các học giả đề nghị một số giải pháp như củng cố Tăng đoàn Nam tông Khmer, hỗ trợ hoạt động của các Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước, giáo dục và tạo niềm tin để người dân quay về với tôn giáo truyền thống.