Cánh cửa giải thoát

NSGN - “Xin chào nhau giữa con đường

Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau”.

(Bùi Giáng)

phat hoc.jpg
Giải thoát là khái niệm đặc thù của triết học tôn giáo, một khát vọng từ ngàn xưa trong nền triết học tâm linh Ấn Độ. Đến thời kỳ của Đức Phật, với trí tuệ siêu tuyệt, Ngài đã thể hiện công việc giải thoát một cách hoàn hảo và xây dựng phương pháp hữu hiệu giúp đỡ mọi người có thể tự mình thực hiện được. Tư tưởng cơ bản giải thoát của Ngài xuất phát từ lòng thương người, đặc trưng nhân bản sâu xa này quán xuyến toàn bộ Phật giáo, bất kỳ tông phái nào, thời kỳ nào, dù xuất thế tiêu cực hay nhập thế tích cực. Đó là sức sống của Phật giáo.

Theo nghĩa sơ cấp nhất hiểu về giải thoát là cởi bỏ mọi trói buộc do mê lầm gây ra, vượt khỏi đau khổ trong ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Như vậy, giải thoát là một cái gì không thật xa xôi, chỉ đến sau khi thân xác này tan rã. Thật ra, giải thoát là một trạng thái tâm hồn thanh tịnh, vượt lên trên mọi vọng tưởng phân biệt, tham đắm, luyến ái vào mọi âm thanh, hình sắc trần thế.

Nhận thức sáng suốt là cội nguồn của hiểu biết, được tôi luyện vững vàng của tự tâm dưới  chánh trí Phật pháp, suy tư kiên trì lâu dài, liên tục đến các vấn đề lớn của đời sống như nguyên lý vô thường, nguyên lý duyên khởi, nguyên lý vô ngã trong mọi hiện tượng, để rút ra một tư thế an nhiên tự tại, vô úy trước sự hoại diệt, biến dịch, tan hợp của mọi hiện tượng quanh mình. Sự quán thấy như vậy là giải thoát hay giác ngộ.

Về giải thoát luận, trình bày suy tư về nguyên lý Niết-bàn hay giải thoát viên mãn, Giáo sư Junjiro Takakusu, nhà nghiên cứu Phật học lỗi lạc người Nhật đã viết như sau: “Vấn đề then chốt của đạo Phật dù chủ hình thức hay chủ duy tâm, quy vào sự diệt tận của phiền não, dục vọng của con người; bởi vì trạng thái méo mó đó của tâm được coi là cội nguồn của tất cả mọi xấu xa trong đời sống của con người. Dục vọng của con người có thể bị diệt tận ngay trong hiện thể.

Do đó, giải thoát sự méo mó như thế của tâm là đối tượng của tu trì trong Phật giáo. Sự diệt tận (Niết-bàn) của phiền não, của dục vọng, của giác năng, của tâm trí, và ngay cả diệt tận ý thức cá biệt, thường hay được nói đến.

Trong tâm của người theo đạo Phật, Niết-bàn không chứa bất kỳ ý tưởng thần thánh hóa nào về Đức Phật. Nó đơn giản chỉ cho sự liên tục vĩnh cửu của nhân cách Ngài trong ý nghĩa cao nhất của chữ này. Nó chỉ cho việc trở về Phật tính bản hữu của Ngài, là thân Chánh pháp của Ngài chứ không phải là thân kinh điển của Ngài như các nhà chủ trương hình thức, quan điểm Pháp có nghĩa là “lý thể” mà Phật đã chứng ngộ trong giác ngộ viên mãn.

Các nhà Duy tâm cho rằng Phật có Pháp thân - thân thể đồng nhất với “lý thể”. Lý thể được diễn tả trong các giáo pháp của Phật, nhưng giáo pháp này luôn luôn bị hạn cuộc bởi ngôn ngữ, bởi cơ duyên và thính chúng. Vì vậy, các nhà Duy tâm chủ trương kinh điển không phải là bản thân “lý thể” của Phật. “Thân” lý thể đó không chịu hạn cuộc nào cả, là Niết-bàn.

Các nhà chủ hình thức, trái lại, chủ trương kinh điển là sự biểu diễn trọn vẹn cho “lý thể” của Phật. Do đó họ quan niệm Phật vĩnh viễn tồn tại trong bản thân giáo pháp, còn Niết-bàn là diệt tận vô dư của Ngài.

Để phác họa thêm nguyên lý Niết-bàn (tức trạng thái tắt lửa) trong ánh sáng không gian và thời gian, J.Takakusu viết: “Đạo Phật chưa từng nói không gian và thời gian là vô hạn vì đạo Phật coi chúng là những thể chất vật lý... không và thời gian luôn luôn nương với nhau”. Vũ trụ hay pháp giới nói theo thuật ngữ là khu vực được chiếm cứ bởi không gian và thời gian và trong khu vực đó chúng kiểm soát những con sóng của hiện hữu. Trên thực tiễn, thế giới không thời gian là đại dương của những làn sóng sinh tử... là môi trường của dục, của sắc và của tâm.

Đối lập với một thế giới như thế, trên phương diện lý thuyết, chúng ta cứ cho rằng phải có một môi trường không không gian và không thời gian, không tạo tác, không nhân duyên và không bị dao động bởi những làn sóng sinh tử. Sẽ không có pháp giới theo nghĩa động, nghĩa là thế giới biểu hiện. Nhưng sẽ có pháp giới theo nghĩa tĩnh, nghĩa là thế giới tự thân, tức chân như hay như thực, trạng thái tối hậu của Niết-bàn, Đại Bát-niết-bàn hay Chánh đẳng Chánh giác.

Pháp giới động hay là thế giới biểu hiện, trong pháp giới này có ba thế giới là dục, là sắc và tâm. Hết thảy các loài tạo vật, cả thánh, cả phàm, nhân và quả đều ở trong pháp giới đó. Chỉ có Phật là ở ngoài mà thôi.

Khi một người không còn lại chút phiền não và còn đang sống thì chỉ đạt được “Hữu dư y Niết-bàn”. Rồi đến khi điều kiện của hữu cũng như phiền não đã diệt tận thì đó là “Vô dư Niết-bàn” hay “Giải thoát viên mãn”. Đây là sự chết của Phật Thích Ca Mâu Ni.

J.Takakusu viết tiếp: “Ngay trong thời tại thế, Phật đã được vẹn toàn trong hoạt động tri thức và khi Ngài còn là con người, Ngài đã giác ngộ vượt lên người. Còn phải có tự do nào hơn nữa để Ngài phải đi vào cảnh giới vô vi của Niết-bàn? Bấy giờ Ngài trở về với bản thân “lý thể” của mình... Phật trong Niết-bàn có tự do toàn vẹn để sống bất cứ nơi nào tùy ý. Ngài có thể làm bất cứ cách nào Ngài muốn, vì rằng Ngài không có trụ xứ cố định nên Niết-bàn của Ngài được gọi là “Niết-bàn vô trụ xứ”. Do đó, theo quan điểm duy tâm, Phật không tồn tại trong thế giới của sống và chết vì Ngài không bị chi phối bởi nhân quả.

Mọi sự trong thế gian đều là những quy ước do con người tạo ra. Nhưng trớ trêu thay, khi đã tạo ra chúng, con người lại đánh mất mình vào trong chúng và không chịu buông bỏ, làm dấy sinh sự bám víu vào những quan điểm, những ý kiến cá nhân. Sự chấp thủ này không bao giờ hết, đó là samsãra (vòng luân hồi), một sự lưu chuyển không ngừng nghỉ. Nếu chúng ta hiểu rõ được chân tướng của thực tại, không phải như thế, ta sẽ biết được giải thoát.

Thật ra, các quy ước chỉ là phương tiện, nếu không có nó chúng ta không thể giao tiếp, sẽ chẳng có gì để nói, chẳng có ngôn ngữ, dù biết rằng có những giới hạn của ngôn ngữ và của kinh nghiệm thông thường. Chấp nhận và không bám víu, buông bỏ - đó là con đường nhẹ nhàng thoải mái và an tâm. Ngược hẳn, sự chấp thủ sẽ phát sinh ngay "cái trở thành” và “cái sinh ra”, nên sự nguy hiểm sẽ có mặt ngay sau đó. Bản  thân chữ “giải thoát” cũng chỉ là quy ước, nhưng nó hàm chứa một sự vượt qua khỏi những quy ước. Thế gian pháp chính là vậy.

Ngôn ngữ cũng như các thế gian pháp khác cũng đều là quy ước, nhưng để làm cho người nhận hiểu được nguyên ủy của sự giải thoát, có thể là điều không dễ. Quy ước và giải thoát có mối quan hệ tương tiếp tương thừa với nhau. Mặc dầu chúng ta phải sử dụng quy ước, nhưng đừng xem đó là thật tướng, chấp vào đó, khổ sẽ dấy sinh.

Đức Phật dạy con người vượt qua mọi khổ đau, phiền muộn phải thông qua nhận thức, thông qua việc nhìn thấy chân tướng của vạn pháp. Ngài đã khuyến khích chúng ta hãy quan sát, suy ngẫm. Sự suy ngẫm này đơn thuần theo hướng là cố gắng giải quyết các vấn nạn nhận thức này một cách đúng đắn.

Chúng ta không nên hãnh diện với cái nhìn mê lầm của tư duy hữu ngã, bám chấp vào đó, dấy lên những tranh biện vô bổ. Để giúp tâm tĩnh lặng, để tìm thấy sự an bình, chúng ta phải suy ngẫm quá khứ, hiện tại và những điều còn chất chứa, cho đến khi hiểu đúng thật tướng của chúng, mọi khổ đau sẽ tan biến, lúc đó sẽ không còn bám chấp vào đó nữa, làm cho tâm khởi sinh trí huệ, thấy được trạng thái giải thoát mà trong Đại tạng có kinh Pháp ân nói về vô thường, vô ngãNiết-bàn rõ ràng có liên hệ đến “không, vô tướng, vô tác” tức là “ba cánh cửa giải thoát”. Vô thường và vô ngã thuộc về thế giới hiện tượng (thế giới sinh diệt) nghĩa là tướng, Niết-bàn thuộc thế giới bản thể hay tánh.

Chúng ta bắt đầu quan sát thông thường một đóa hoa hồng đang nở. Ta gọi tên là hoa hồng theo quy ước để phân biệt với những thứ khác. Nhưng phải thật sự thấy hết, nó hiện hữu đồng thời với thân cây, với đám mây, với ánh sáng mặt trời, với đất cát... kể cả tâm thức. Vậy nó là một hiện tượng có nhân và duyên sinh ra. Theo ngài Long Thọ thì duyên sinh là không. Không này không phải đối đãi với cái có.

Chữ không này có nghĩa là vô ngã, vô thường. Khi quy ước danh từ hoa để gọi tên nó là bắt đầu một sự sai lầm trên thật tướng. Thật tướng của nó là vô tướng, vượt thoát những khuôn khổ của tri giác và của nhận thức phân biệt. Quy ước này là giới hạn của sự vật đó trong không gian và thời gian chia cắt nó với ngoại cảnh, che lấp mất những liên hệ giữa nó với những hiện tượng khác trong vũ trụ.

Tất cả vạn pháp (sự vật hiện tượng) đều không có ngã trong tự thân nên cũng vô thường, do đó gọi là không. Nói đầy đủ là “không có tự ngã” hay không có một sự hiện hữu riêng biệt và độc lập. Vạn pháp tùy thuộc vào nhau, cái này có mặt trong cái kia, trong một có mọi cái.

Quán chiếu rốt ráo như vậy để thấy rằng tri giác của ta vướng quá nhiều sai lầm. Sự sai lầm này đều là những tướng trạng mà tri giác và nhận thức phân biệt đã chụp mũ thực tại, đã giam hãm bởi phạm trù phân biệt. Nói dứt khoát vạn pháp là vô tướng.

Trong Đại trí độ luận có bài kệ:

Nhân duyên sở sinh pháp

Ngã thuyết tức thị không

Diệc danh vi giả danh

Diệc danh trung đạo nghĩa.

Dịch là:

Các pháp do duyên sinh

Tôi gọi chúng là không

Cũng gọi là giả danh

Cũng gọi là trung đạo.

Thật ra, ý niệm về không, trong đạo Phật, cốt yếu là giúp ta thoát khỏi vọng tưởng cho rằng có những thực thể riêng biệt. Nói rốt ráo hơn, đạo Phật diễn tả bằng ý nghĩa Trung đạo, nó hàm ý không phải có mà cũng chẳng phải không. Đó là chìa khóa để mở cánh cửa giải thoát, cánh cửa vào thực tại. Phép quán chiếu về tự tính không hay vô tướng của vạn pháp là một phép quán chiếu mầu nhiệm có thể đưa ta vượt thoát sợ hãi, lo lắng, khổ đau.

 Khi tiếp xúc được thực tại vô thường, vô ngã là đã tiếp xúc với "bản thân thực tại” gọi là Niết-bàn. Niết-bàn có mặt tại đây và lúc này, nó không phải là đối tượng có thể tìm kiếm ở tương lai, ở một miền đất hứa nào cả. Qua chánh niệm và chánh định ta sống trong ý thức về vô thường và vô ngã, ta đạt tới Niết-bàn, đi tới được tình trạng vô úy và an lạc. Đó là giáo lý Niết-bàn mà kinh Pháp hoa nói đến: ”Chư pháp tùng bản lai, thường tự tịch diệt tướng”. Nghĩa là các pháp xưa nay vẫn an trú trong Niết-bàn.

Niết-bàn như thế là sự tắt ngấm (extinction) sự vắng mặt (absence). Sự tắt ngấm của ý niệm sinh-diệt, có-không về một-nhiều, ta-người ta... Qua lời dạy của kinh Pháp hoa "vạn pháp an trú trong Niết-bàn", ta đâu cần muốn gì nữa (vô tác hay vô nguyện), không cần phải đi tìm gì nữa. Chỉ cần trở về tiếp xúc được với bản thể, với tự tâm của chính mình thì tự nhiên đạt an lạc. Nghe mưa rơi, nhìn nắng lên, gió thổi mát mẻ, thấy bình minh ló dạng, thấy hoàng hôn đổ xuống... đều là hiện tượng của sự sống. Ta chỉ có thể tiếp nhận các tặng phẩm này một cách trọn vẹn với tâm vô nguyện hay còn gọi là vô tác thì có an lạc ngay, đó gọi là hiện pháp Niết-bàn.

Ba cánh cửa giải thoát "không, vô tướng, vô tác" là trí tuệ siêu việt của Đức Phật, trao truyền cho con người để học, sống và tu tập. Đây là sự quán chiếu sâu sắc về vô thường, vô ngã và Niết-bàn. Thấy sâu được bình diện hiện tượng là thấy được bình diện bản thể.

Thông thường, con người đi tìm hạnh phúc cá nhân, cho riêng mình quả là điều sai lầm phải tránh. Làm sao thực hiện được điều này, trong tâm tư của ta sẽ mang theo tất cả các thứ mà tàng thức đã chất chứa và chuyên chở theo tất cả mà ta không biết đó thôi. Thế cho nên suy ngẫm vô thường, vô ngã giúp thấy được cách sống, cách hành xử trong cuộc sống như thế nào để xây dựng được an lạc và hạnh phúc. Ba cánh cửa giải thoát là pháp môn rất vi diệu, rất mầu nhiệm. Suy ngẫm, tu tập theo pháp này chắc chắn đạt tri kiến thanh tịnh và thực hiện được giải thoát. Và Niết-bàn có mặt trong sự sống, có mặt trong thực tại, một thực tại đã vượt thoát những khái niệm, vượt qua những khổ đau do khái niệm tạo nên.

Những khái niệm đã vượt qua khái niệm trên đây làm trụ cột cho ngôi nhà Đạo pháp và cũng là những gì khó nắm bắt và thấu triệt nhất trong nền triết học Phật giáo. Có thể thấy rằng đấy là cánh cửa khó mở nhất đối với những ai không kiên trì tu tập để vượt qua. Về phương diện lý thuyết mà nói lúc đó người tu tập chưa lọt được vào cảnh giới của Đạo pháp.

Đặng Công Hanh

* Tài liệu tham khảo

1- J.Takakusu, Tinh hoa triết học Phật giáo, Tuệ Sỹ (dịch). NXB.Phương Đông, 2007.

2- Thích Nhất Hạnh, Đường xưa mây trắng, NXB.Tôn Giáo, 2005.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày