Câu chuyện về những người hướng thiện

Kỳ 2: Pur Pur Thị Phốn - người phụ nữ ở bản làng

GN - Với kinh nghiệm 20 năm làm công tác Hội Phụ nữ xã Phước Thành, chị Pur Pur Thị Phốn được biết đến là người giúp thanh niên đứng dậy sau vấp ngã.

Làm lại cuộc đời

Chị Phốn là một phụ nữ đảm đang, một tay thu vén kinh tế gia đình, nuôi 5 con nhỏ, đồng thời chị cũng là một cán bộ Hội Phụ nữ xã (Hội) được mọi người tin tưởng. Thế nhưng, chính từ sự tín nhiệm ấy, chị Phốn lại từng có những bước đi lầm lạc để rồi phải ân hận và day dứt.

Kỳ II xh GN 1072.JPG
Chị Phốn vượt qua mặc cảm lầm lạc để giúp đỡ nhiều thanh niên hướng thiện

Đó là vào cuối năm 2003, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bác Ái (Ninh Thuận) triển khai nguồn vốn vay ưu đãi cho đồng bào miền núi có hoàn cảnh khó khăn để cải thiện kinh tế. Được người dân tin tưởng, chị Phốn đứng ra tín chấp cho nhiều chị em phụ nữ trong xã vay vốn.

“Lúc ấy, gia đình tôi cũng khó khăn, tôi thiếu suy nghĩ đã lợi dụng lòng tin của bà con để ăn chặn tiền vay của họ”. Mỗi hộ, chị Phốn chặn một ít, để trả nợ và khai hoang đất rẫy. Khi sự việc vỡ lỡ, chị bị kết án 5 năm 3 tháng tù giam về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Chị Phốn cho biết: “Năm 2009, khi cải tạo xong, được về nhà, tôi vẫn cảm thấy tội lỗi. Tôi muốn chuộc lỗi thì phải sửa, để bù đắp chứ không phải ngồi khóc mãi”. Chị đã làm lại cuộc đời mình, bắt đầu từ việc vay 30 triệu đồng từ chính sách hỗ trợ người tái hòa nhập cộng đồng để đầu tư vào làm rẫy.

Chị Phốn nhớ lại, lúc mới trở về địa phương, chị lúc nào cũng mang mặc cảm, đi lên rẫy cũng phải che mặt, cúi đầu. Nhưng rồi được bà con tha thứ, cán bộ địa phương quan tâm, chị Phốn dần lấy lại sự tự tin. Chị nghĩ mình như cái cây bị tật, bị gãy, giờ phải mọc mầm mới. Nhờ cần cù lao động, gia đình chị từng bước thoát nghèo và đến nay, chị đã mở rộng diện tích canh tác để trồng bắp, chuối và mua thêm vài sào ruộng.

Nhờ mẹ chăm sóc, khuyên nhủ, những đứa con của chị Phốn từng bỏ học đã đến trường trở lại. Chị cũng ra sức vận động con em trong tộc họ không bỏ học, tích cực bài trừ những hủ tục lạc hậu, xây dựng gia đình văn hóa.

Chị cho biết, với người Raglai bảo vệ rừng được coi như là một trong những luật tục không thành văn. Trong những bài ca dao cổ, người Raglai “cấm du canh, du cư nơi rừng sống đất mới”, “cấm chặt phá những cây nhiều tuổi - cổ thụ”, chỉ những người lười nhác, không chịu sản xuất nông nghiệp mới thường hay gài bẫy thú rừng, giết hại các loài chim.

Anh Pur Pur Phiếc, cán bộ thú y nơi đây cho biết, nhờ có chị Phốn lấy bài học của bản thân ra nhắc nhở, các anh em trong gia đình và trong tộc họ Pur Pur không đặt bẫy, săn bắt thú rừng, chỉ bắt cá dưới sông, ăn rau trong vườn. “Chúng tôi được nhắc nhở, những cây cổ thụ rợp bóng, chính là nơi trú ngụ, là đường đi của thần núi (Yàc Chưq). Mỗi gốc cây, mỗi con thú đều có linh hồn cần phải gìn giữ, trân trọng”, anh Pur Pur Phiếc nói.

Giúp đỡ thanh niên lỗi lầm

Năm 2013, xã Phước Thành có chủ trương vận động thành lập tộc họ tự quản về an ninh trật tự (ANTT), chị Phốn được tín nhiệm bầu làm Phó ban vận động. “Tôi làm vì lương tâm thôi, chứ không phải vì lương bổng. Nếu vì tiền, thì tôi chẳng làm. Quan trọng, tôi làm là vì muốn chuộc lại lỗi của mình”, chị Phốn chia sẻ.

Để xây dựng mô hình tộc họ tự quản về ANTT, chị Phốn phối hợp với các ban ngành, đoàn thể vận động, tuyên truyền bà con. Sự cố gắng, nỗ lực của chị đã đơm hoa, kết trái khi xã Phước Thành có 6/11 tộc họ được công nhận là tộc họ tự quản về ANTT. 

“Sau khi lao động cải tạo trở về, gia đình chị Phốn được địa phương ghi nhận là một trong những gia đình nông dân sản xuất giỏi. Từ gia đình mình, chị nhân rộng sự giúp đỡ ra bà con trong tộc họ. Có nhiều đóng góp quan trọng trong việc hình thành mô hình tộc họ tự quản về ANTT ở xã Phước Thành”, ông Chamalea Cầm, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Phước Thành cho biết.

Ngoài ra, chị còn làm tốt vai trò tổ viên tổ hòa giải cơ sở khi đứng ra hòa giải nhiều vụ việc phức tạp ở thôn và nhận giáo dục, giúp đỡ 2 đối tượng có hành vi đánh nhau gây rối, 2 đối tượng chấp hành án phạt tù về địa phương đến nay đã tiến bộ, làm ăn lương thiện.

Ông Phạm Ngọc Sanh, Trưởng Công an xã Phước Thành cho biết: “Việc giáo dục các trường hợp thanh thiếu niên hư ở địa phương là rất khó. Nhưng chị Pur Pur Thị Phốn có nhiều cách riêng để giúp đỡ và vận động các đối tượng ấy, dần dà ANTT trong làng cũng ổn định hơn nhiều”.


Nhiều trường hợp ở xã Phước Thành được ghi nhận bởi công vận động của chị Phốn, điển hình là trường hợp “đại ca Lực” được xưng danh là “đại ca của các đại ca” chuyên tụ tập đánh nhau, gây rối, công an xã rất khó tiếp cận giáo dục. Nhân dịp nhà có đám giỗ, chị Phốn nhờ Lực và các thanh niên khác đến nhà phụ giúp dựng rạp, làm giỗ để khuyên bảo đối tượng. Đến nay, Lực đã chuyên tâm làm ăn, hết nhậu nhẹt, quậy phá.

Với những đóng góp của mình, chị Phốn đã được nhiều cấp, ngành trao tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Tuy thành tích kể trên được xem là niềm vui, sự tự hào của tộc họ, tuy nhiên, chị Phốn vẫn khá khiêm tốn khi nhắc đến những việc làm của mình: “Có những sự ghi nhận, tôi rất vui mừng, đó là cơ sở để những người từng lầm lỗi giống tôi, nhìn vào tôi mà có động lực, dũng cảm làm lại cuộc đời. Ngã chỗ nào, hãy đứng lên chỗ đó, sai chỗ nào, hãy sửa sai chỗ đó. Không ai sai mãi, chỉ cố tình sai thì mới đáng trách. Sai mà biết quay đầu, chuộc lại lỗi lầm thì tôi tin cộng đồng luôn có người dang tay đón nhận, dũng cảm sửa sai, tôi tin con đường đó luôn dẫn đến hạnh phúc”.

Đức Minh - Ngọc Trân

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Con bất hiếu cha mẹ phải làm sao?

GNO - Tôi năm nay 45 tuổi, chỉ có một đứa con gái đang học lớp 11. Từ lớp 8 cháu bắt đầu ương bướng và liên tục ngỗ nghịch với cha mẹ cho đến bây giờ. Vợ chồng tôi ngày đêm nuôi hy vọng cháu lớn lên sẽ biết phải quấy mà ngoan hiền hơn nhưng càng ngày cháu càng tệ.
Niệm Phật nhiệm mầu

Niệm Phật nhiệm mầu

GNO - Ba tôi đã mất gần giáp năm nhưng hình ảnh về ba vẫn in nguyên trong tôi như vừa khi nãy, mới đây thôi. Có thể ba tan hoại thân xác này, không còn của hiện tại đi, đứng, nằm, ngồi nhưng ba hiện hữu trong kỷ niệm và những lời chỉ dạy mang tính lâu xa, chắc thật.
Mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong, Quảng Trị được thiết trí tại chùa An Trú

Ấn tượng mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị)

GNO - Mô hình kỳ đài bằng tre tại chùa An Trú (H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) nổi lên giữa màu vàng ươm của cánh đồng lúa chín như gói ghém tất cả tấm lòng của Phật tử nơi đây hướng về Phật đản, cũng như lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, cảm hứng gìn giữ các giá trị truyền thống của làng quê.

Thông tin hàng ngày