Cây bưởi nở hoa

GN - Nửa đêm Thi bỗng giật mình thức giấc bởi một tiếng động mạnh. Có thể là mấy chú chó nhà chủ mò ăn đêm đã đánh đổ chiếc nồi từ trên cao xuống. Chắc không phải là kẻ trộm vì nếu có người lạ đàn chó đã sủa lên ầm ĩ. Thi tự trấn an nỗi sợ của mình để mong có thể chìm vào giấc ngủ. Thế nhưng không hiểu sao Thi cứ thấy bồn chồn khó tả.

Tiếng còi xe cứu thương từ đường lớn vọng vào giữa đêm khuya khoắt càng khiến người ta bất an hơn. Thi cảm thấy khó thở, ngực căng tức nên phải ngồi tựa vào tường. Đã gần sáu năm trôi qua mỗi lần nghe thấy thứ âm thanh ấy Thi cũng đều như vậy. Cái chết của Phương ám ảnh Thi dai dẳng đến mức đêm nào cũng trở giấc rồi có khi thức đến sáng không tài nào ngủ nổi. Thi không biết tiếng còi xe cứu thương mà mình vừa nghe thấy là ở thế giới thật hay vọng ra từ tâm thức của mình. Ngoài trời gió mạnh, chớp nhì nhằng, có lẽ sắp mưa. Những tàu lá chuối ngoài vườn kêu lật phật. Cửa sổ quên không đóng giờ bị gió thổi va đập vào tường bật ra những tiếng kêu khô khốc.

hoa buoi 1.jpg

Hoa bưởi - Ảnh minh họa từ internet

Rồi mưa ào tới lộp độp, lào rào trên mái tôn. Thi co người lại, bé nhỏ trong đêm tối bao la của vũ trụ này. Đèn nhà ông bà chủ chợt bật sáng. Từ phòng ngủ, cầu thang đến phòng khách và cuối cùng là căn bếp nhỏ. Có lẽ bà chủ dậy đun nước pha trà. Người già thường khó ngủ, huống hồ mưa gió thế này. Qua cửa kính Thi thấy hai tấm lưng còng ngồi sát lại bên nhau. Có lẽ họ đang nhấm nháp một chút bánh bích quy, đó là sở thích của bà. Biết đâu vừa nãy bà lúi húi ngào bột và giờ cái lò nướng đang hoạt động. Khi có đôi thì ngay cả tuổi già cũng chẳng thể nào ngăn người ta quấn quýt.

Sáng sớm Thi ngồi trước gương trang điểm bớt quầng thâm trên mắt thì bỗng nghe thấy tiếng bà chủ gọi “ông ơi”. Tiếng gọi có gì đó không bình thường, thảng thốt và mất mát. Thi lao ra ngoài. Đập vào mắt Thi là hình ảnh con chó xám nằm thoi thóp cạnh chiếc thang sắt, máu rỉ ra từ mồm và tai nó. Thi rùng mình quay đi. Chỉ trong một vài giây ngắn ngủi ấy hình ảnh đã kịp lưu vào tâm trí Thi, ám ảnh. Tiếng động đêm qua có lẽ là do gió mạnh đã làm thang sắt đổ. Chú chó bé nhỏ tội nghiệp ấy đang say giấc thì bị thang đổ dính đầu, không kêu nổi một tiếng nào. Cả đêm nằm thoi thóp trong đau đớn mà không ai biết, lông nó vẫn còn ướt mưa. Bà chủ quệt nước mắt rên rỉ thương xót con vật nhỏ của mình. Ông chủ đứng thẫn thờ bên cái thang sắt đổ, dằn vặt vì mình đã không cẩn thận để đến nông nỗi này.

Con chó xám vốn to nhất đàn, nó khôn ngoan lắm. Thấy tiếng động là cắn, thấy chủ về là mừng, thường lũn cũn theo chân Thi suốt. Bữa cơm nào Thi cũng nấu dư ra sẻ cho đàn chó nhỏ một ít, lấy cớ bầu bạn cho vui. Ở thành phố này sự ồn ào ngoài kia khiến Thi không thấy an tâm. Chơi với mấy con cún nhỏ, ngắm hoa cỏ trong vườn lại thấy lòng bình yên đôi chút. Vậy mà giờ con xám nằm đó đau đớn không cách nào cứu chữa. “Thôi mày đi đi cho đỡ phải chịu thêm khổ cực. Rồi sẽ sớm được hóa thành kiếp khác”. Thi đưa tay vuốt mắt con xám. Ở hốc mắt của nó rỉ ra hai giọt nước, há mồm ngáp một cái rồi nó tắt thở. Tim Thi thắt lại như bị ai đó thò tay bóp nghẹt. Hệt như lần ấy, đau đớn và bất lực quỳ ôm cơ thể lạnh ngắt của Phương trên hè phố.

Sáu năm trước vào một đêm cuối hè Thi bị đánh thức bởi cuộc gọi từ số lạ. Người ta báo Phương bị tai nạn trên đường đang bất tỉnh. Tai Thi ù đi, lao vội ra khỏi nhà giữa đường phố vắng hoe, mưa tạt thẳng vào mắt cay xè. Lúc đến nơi người ta đã đắp chiếu lên cơ thể người đàn ông của Thi. Mưa đổ xuống ào ào. Không gào khóc nổi một tiếng nào Thi ngã gục xuống đường cố níu lấy bàn tay thân thuộc ấy. Tưởng như chút hơi ấm cuối cùng còn sót lại cũng vừa kịp lạnh. Giữa nhốn nháo mặt người Thi như hạt mưa rơi tan lẫn vào thể xác người mình yêu không còn vết dấu. Những năm tháng về sau Thi sống bằng trái tim chai sạn, không thể nào rung động trước bất cứ người đàn ông nào khác. Cái chết của Phương ám ảnh Thi dai dẳng. Hàng đêm, cứ nhắm mắt lại là ký ức năm xưa lại hiện về.

Quấn quýt như đôi chim cu tưởng chẳng bao giờ rời xa nhau cả vậy mà bỗng một ngày âm dương cách biệt. Ngoảnh tìm hướng nào cũng không thấy nhau đâu. Những người biết chuyện đều khuyên Thi phải sống tiếp quãng đời của mình. Phải yêu đương, lấy chồng, sinh con hoặc là tìm một thú vui nào đó mà đeo đuổi. Thi từng đã cố thử yêu một ai đó khác. Nhưng cái nắm tay đầu tiên của họ luôn khiến Thi nhớ về chút hơi ấm cuối cùng còn sót lại trong những kẽ tay Phương. Ngồi ăn với người ta một bữa cơm, đi dạo cùng nhau trên con phố nhỏ cũng thấy sau gáy mình hình như có cái nhìn bỏng rát. Ngay cả khi đứng giữa chốn đông người cũng có khi thảng thốt giật mình vì một bóng dáng thân quen lấp lóa.

Đã có lúc Thi nghĩ hay là rời bỏ thành phố này đến một nơi nào đó chẳng có gì thân thuộc để làm lại từ đầu. Để lúc đi qua một đoạn đường nào đó không phải buồn vì một tán cây quen, một hàng hiên từng dắt díu nhau vào trú mưa, một quán nhỏ từng nhìn nhau ngấu nghiến ăn vì đói. Thành phố này nhỏ lắm, có tránh mãi thì cũng có ngày phải bước vào đúng siêu thị đó, ngõ chợ nhỏ, hiệu sách cũ năm nào. Đi đâu lòng cũng thấy nhói lên bởi ý nghĩ chỗ này từng chụm đầu bên nhau, chỗ kia từng có lần dằn dỗi.

Con chó nhỏ tội nghiệp được ông chủ đào hố chôn dưới gốc cây bưởi đầu nhà. Ông nói xác động vật sẽ làm cho cây cối ra nhiều quả ngọt. Thi bỗng nhớ đến cây khế cơm trong vườn nhà mẹ. Ngày nhỏ mấy anh em Thi thường chơi đùa dưới tán cây khế với đủ các trò vui. Rồng rắn lên mây, thả đỉa ba ba, que mốt que mai, nhặt lá khế vàng làm tiền chơi bán đồ hàng… Lúc nào quanh quẩn bên tụi Thi cũng là những con vật nhỏ. Từ con chó Bấc, con mèo mướp, đàn gà con lông vàng ươm như nắng đến chú chim chào mào đít đỏ quen hơi người nên không chịu về rừng. Thế rồi từng con vật nhỏ cũng đã từ bỏ lũ trẻ con nghèo.

Con chó Bấc chết già, con mèo mướp chết vì ăn phải chuột bả, đàn gà con lớn dần rồi tan tác, chú chim chào mào nằm chết sau một đêm mưa bão. Tụi Thi từng làm ma cho những con vật nhỏ rồi chôn chúng dưới gốc cây khế ngọt. Có phải vì thế mà năm nào cây khế cũng sai hoa trĩu quả? Từng chùm hoa tím ngắt mọc từ gốc lên ngọn. Cái màu hoa tím ấy rất dễ làm lòng người xao động nên mỗi lần về nhà Thi đều ngồi dưới tán cây năm xưa nghe đâu đó tiếng thầm thì kể chuyện.

Nơi Thi ở là căn nhà cấp bốn cũ của ông bà chủ. Bảy năm trước sau khi dọn về ngôi nhà hai tầng mới xây ngay bên cạnh thì ông bà treo bảng cho thuê. Thi ở từ hồi đó đến giờ, thân thuộc như nhà mình vậy. Có thể cũng bởi vì biết chẳng thể kiếm đâu ra giữa thành phố một nơi yên tĩnh như thế. Nhà nằm giữa một khu vườn rộng gần hai trăm mét vuông.

Nào ổi, xoài, bưởi, mít, vải, nhãn… mùa nào thức ấy. Trong vườn còn có thêm cây thị, đủ thứ rau thơm, bụi hương nhu đun nước gội đầu, mấy khóm mía đốt vàng óng ả. Vài thứ ấy tưởng chỉ có thể tìm thấy ở những mảnh vườn quê, có ai ngờ lẫn giữa thành phố này lại có một góc xanh như thế. Đất thị thành đắt đỏ nhưng ông bà không chạy theo đồng tiền mà cắt xén mảnh vườn như bao nhiêu gia đình khác. Hai người già sớm tối vui vầy bên đàn gà con, mấy luống rau xanh, quả thị rụng cuối vườn thơm môi cười móm mém. Mỗi lần ngó qua cửa sổ thấy hai mái đầu bạc ấy thủ thỉ bên nhau, Thi mong sao cuối đời mình cũng có phúc phần như vậy. Có lần ngồi trò chuyện dưới gốc cây, bà cụ hỏi:

- Hôm nay đài báo có mưa không cháu?

- Chắc là không bà ạ. Cháu thường không để ý nghe dự báo thời tiết.

- Hồi bằng tuổi cháu mỗi ngày bà phải để tâm biết bao nhiêu chuyện. Giờ già rồi chỉ quan tâm mưa hay nắng mà thôi. Để biết đường lùa đàn gà vào chuồng, cất quần áo phơi ngoài sân. Ngày mưa vết thương ở chân ông hay đau, bà biết trước sẽ đun ít nước gừng cho ông ngâm chân.

- Cháu thì chỉ để ý xem hôm nay thứ mấy? Còn bao nhiêu tháng nữa thì hết một năm? Thỉnh thoảng thử ngồi tính tuổi mình và nhớ đến những nỗi đau tưởng chừng đã cũ.

- Rồi sẽ có lúc cháu thấy những điều ấy chẳng có gì quan trọng. Như bà chẳng nhớ nổi chính xác mình đã bao nhiêu tuổi. Chỉ nên nhớ về những điều bình dị trong thực tại. Chuyện ngày xưa hay ngày sau đều có an bài.

Thi ngửa cổ mê mải nhìn vòm cây xanh ngát. Phát hiện ra cây bưởi đã có hoa. Những chùm hoa trắng muốt đang bắt đầu xòe cánh. Vài chú ong đã bay về tìm nhụy. Ông chủ bảo “đúng là kỳ lạ”. Suốt bao nhiêu năm cây bưởi chẳng chịu ra hoa, dù hàng ngày vẫn được chăm sóc tốt. Con cháu đã mấy lần giục chặt quách đi để trồng thay thế một cây nào đó. Nhưng ông nói “giờ già rồi chỉ trồng thêm cây chứ không muốn chặt. Cây không cho quả ngọt thì đã có bóng râm. Hoặc chỉ cần tươi xanh thôi là cũng đủ rồi”. Cuối cùng cây cũng không phụ người khi nở bói những chùm hoa thơm ngát. “Chắc là do xác con chó nhỏ. Như một sự hồi sinh kỳ diệu, bà nó ạ”.

Ông chủ nói phải, có những sự mất mát cần phải quên đi để hạnh phúc được hồi sinh trong một hình hài khác. Thi mỉm cười, tự nhiên thấy lòng mình thanh thản. Cảm giác ấy lâu lắm rồi Thi không có được…

Truyện ngắn Vũ Thị Huyền Trang

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lần đầu tiên tổ chức Khoá bồi dưỡng thiết kế truyền thông hướng đến Đại lễ Vesak LHQ 2025

[Video] Lần đầu tiên tổ chức Khoá bồi dưỡng thiết kế truyền thông hướng đến Đại lễ Vesak LHQ 2025

GNO - Khóa bồi dưỡng diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 21 đến 23-11-2024; với nội dung: Thiết lập truyền thông vào tổ chức sự kiện (Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Square Võ Thành Trung và ông Nguyễn Huy, Giám đốc sáng tạo thuộc Tập đoàn Square đảm trách chia sẻ); Thiết kế đồ họa, nguyên lý và ứng dụng cơ bản...
Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.

Thông tin hàng ngày