Tuy nhiên, nếu đã có bệnh chúng ta nên đi khám và tham khảo thêm ý kiến của các thầy thuốc chuyên khoa, không nên sử dụng bừa bãi có thể nguy hiểm cho tính mạng.
1. Cây dành dành
Dành dành là một vị thuốc quý, đã được sử dụng từ lâu đời trong y học cổ truyền. Dành dành xanh tốt quanh năm, mọc hoang ở ven suối, có thể trồng làm cảnh hay lấy quả làm thuốc, nhân quả già có màu vàng rất đẹp dùng để nhuộm vàng bánh trái và thức ăn.
Quả dành dành cho ta vị thuốc gọi là "Chi tử"; trong thành phần hoạt chất có chứa một glycosid màu vàng là gardenin, các chất chuyển hóa của gardenosid, acid chlorogenic. Các chất này làm giảm lượng sắc tố mật trong máu, nên tác dụng chữa bệnh hoàng đản (vàng da), nước sắc dành dành còn có tác dụng kháng sinh đối với một số vi trùng.
Theo y học cổ truyền, chi tử có vị đắng, tính lạnh, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tả hỏa, lợi tiểu, chỉ huyết, mát huyết, tiêu viêm, nhân dân hay dùng chữa họng đau, mắt đỏ, da vàng, tiểu tiện khó khăn, thổ huyết, máu cam, lỵ ra máu, tiểu tiện ra máu, huyết áp cao, sốt cao, bồn chồn khó ngủ. Liều dùng: 6-12g quả khô bỏ vỏ, dùng sống hoặc sao vàng, sao đen tăng tác dụng cầm máu, giã nhỏ, sắc lấy nước uống.
2. Nghệ
Trong nghệ có chứa khoảng 0,3% chất màu curcumin có tác dụng thông mật (cholagogue) giúp co bóp túi mật, và 1-5% tinh dầu gồm có curcumen và paratolylmetyl carbinol, tinh dầu này có tác dụng kích thích sự bài tiết mật (cholérétique).
Kết quả nghiên cứu lâm sàng cho thấy nghệ còn có tác dụng giải độc gan, làm giảm lượng sắc tố mật trong máu và nước tiểu. Theo y học cổ truyền, nghệ có vị cay, đắng, tính ôn, chỉ định trong các trường hợp suy thiểu năng và sung huyết gan (bệnh sốt rét), bệnh vàng da, viêm túi mật, thiếu mật, sỏi mật, đau dạ dày, phụ nữ đau bụng sau sinh, nhiễm trùng tiểu.
Dùng ngoài bôi lên vết thương giúp liền sẹo, mau lên da non. Cách dùng thường nên dùng tươi, nếu muốn để lâu thì hấp chín củ nghệ, phơi khô, tán bột. Mỗi ngày 6-10g bột khô, trộn với mật ong thành viên, hoặc pha trong nước ấm uống. Có thể dùng dạng cao lỏng, 20 giọt trước bữa ăn, hoặc viên nén 200-300mg mỗi ngày.
3. Râu ngô (râu bắp)
Được lấy lúc thu hoạch ngô, là vòi và núm phơi khô của cây ngô Zea mays, họ Lúa Poaceae.
Thành phần râu ngô chứa nhiều xitosterol, stigmasterol, tinh dầu, saponin, glycosid đắng, vitamin C, vitamin K, nhiều canxi và kali. Khi uống râu ngô thì thấy lượng nước tiểu tăng lên từ 3-5 lần, nó còn làm tăng sự bài tiết mật, làm giảm tỷ trọng mật, lượng bilirubin trong máu cũng giảm.
Dân gian đã sử dụng râu ngô từ rất lâu để chữa: viêm túi mật, viêm gan vàng da do tắc mật, làm thuốc thông tiểu chữa tê thấp, đau thận, sỏi thận, ngoài ra nhờ hàm lượng vitamin K khá cao nên râu ngô còn có tác dụng cầm máu. Mỗi ngày 10-20g râu ngô cắt nhỏ, đun sôi trong 200ml, uống trong ngày.
4. Cây chó đẻ răng cưa
Còn gọi là diệp hạ châu, chó đẻ, tên khoa học là Phyllanthus amarus, có thành phần hoạt chất gồm alcaloit, flavonoit, vitamin C.
Trong Kinh Vệ Đà của Y học cổ truyền Ấn Độ đã ghi tác dụng chính của cây là giải độc và bảo vệ tế bào gan. Những năm sau này nhiều công trình của các nhà khoa học gồm các nước như Trung Quốc, Nhật, Châu Mỹ La Tinh, Philippines, Cuba, Nigeria, Guam, Bắc và Tây phi, cũng đã công bố cây chó đẻ chữa bệnh vàng da (jaundice) và viêm gan siêu vi B. Các nghiên cứu trên thực nghiệm của các nhà khoa học trong nước và ngoài nước cũng đã chứng minh cơ chế tác dụng của chó đẻ chính là ức chế sự sao chép tế bào của vi rút viêm gan B (HBV = Hepatitis B Virus), không cho virus sinh sản.
Giáo sư S. Jayaram và các cộng sự của Đại học Madras (Ấn Độ) đã tiến hành thử nghiệm trên 28 người tình nguyện đã bị nhiễm virus viêm gan B, uống liều 250mg chó đẻ từ 1 đến 3 tháng, tỷ lệ người khỏi bệnh là 54,5%.
Ngoài hiệu quả tốt trên điều trị viêm gan siêu vi B, mới đây cây chó đẻ còn được chứng minh là có tác dụng điều hòa huyết áp, đó là công trình nghiên cứu kết hợp giữa Nhật và Cộng hòa Paraguay.