Châm cứu có phải là trị liệu hiệu quả?

GNO - Châm cứu là một thực hành y khoa bổ sung, kích thích một số điểm nhất định trên cơ thể, hầu hết là dùng kim xâm nhập vào da để làm giảm các cơn đau hoặc để giúp điều trị một số bất ổn sức khỏe.

Châm cứu có tác dụng điều trị đau mãn tính?

Châm cứu được phát triển cách đây vài ngàn năm ở Trung Quốc. Nhiều nghiên cứu gần đây được thực hiện ở châu Âu và Hoa Kỳ đã phát hiện rằng, châm cứu ít nhất cũng có tác dụng nhất định trong điều trị đau và chứng buồn nôn.

chamcuu.jpg


Châm cứu được sử dụng trong nhiều điều trị khác nhau

Điển hình là một công trình tìm hiểu nguồn gốc của châm cứu và tác dụng chữa đau mãn tính của châm cứu, phân tích 29 nghiên cứu có chất lượng có sự tham gia của khoảng 18.000 bệnh nhân. Kết quả báo cáo trên Tạp chí Archives of Internal Medicine tháng 10-2012 khẳng định: Châm cứu có tác dụng trong điều trị đau mãn tính và được xem là một lựa chọn hợp lý.

Các chuyên gia cũng thực hiện các nghiên cứu để xác quyết xem châm cứu có hiệu quả trong điều trị suy nhược tinh thần, lo lắng, các loại ung thư và các biểu hiện liên quan đến ung thư hay không - chia sẻ của bác sĩ Ting Bao, chuyên gia ung thư, Trung tâm Ung thư Memorial Sloan-Kettering (New York).

Đa phần các bác sĩ không thuộc nhóm y dược cổ truyền Trung Hoa không tin rằng châm cứu có thể điều trị các bệnh như tiểu đường, các bệnh về gan, thận như vốn được chỉ định điều trị bằng châm cứu bởi các thầy thuốc Trung Hoa. Theo bác sĩ Bao, châm cứu còn có thể được xem là một trị liệu bổ sung cho bệnh nhân ung thư vú.

“Hiện giờ, châm cứu thật sự được sử dụng để làm giảm các tác dụng phụ của điều trị ung thư hoặc các biểu hiện của ung thư nhưng chưa từng được điều trị trực tiếp cho ung thư”, Bao cho biết.

Châm cứu có tác dụng gì trong điều trị y khoa?

Châm cứu có lịch sử khoảng vào năm 100 TCN, khi có mặt của một hệ thống chẩn đoán và điều trị sử dụng kim được mô tả lần đầu tiên bằng văn tự của Trung Quốc. Tuy nhiên, phương thức này có thể tồn tại trước khi được ghi chép lại, theo bác sĩ Edzard Ernst, chuyên gia nghiên cứu về y dược bổ sung và thay thế.

Nhưng phương thức hiện đại của châm cứu ngày nay đã thay đổi một cách đáng kể so với khi mới xuất hiện ở Trung Quốc, khẳng định của David W. Ramey và Bernard E. Rollin - tác giả của quyển sách mô tả cuộc cách mạng của thuật châm cứu, mang tên Complementary & Alternative Veterinary Medicine Considered (NXB Wiley-Blackwell, năm 2003).

Tuy nhiên, suốt thời gian diễn ra chiến dịch Đại Nhảy vọt (Great Leap Forward) của thập niên 50 và cuộc Cách mạng Văn hóa vào thập niên 60 thế kỷ 20 tại Trung Quốc thì châm cứu được tái phát huy, cùng với các trị liệu cổ truyền khác, được mô tả như là “giải pháp để mang chăm sóc y tế đến cho một lượng dân số khá lớn đang thiếu hụt nguồn bác sĩ y khoa” tại đất nước này. Tuy vậy, không có bằng chứng nào cho thấy sự hồi sinh của châm cứu cổ truyền mang lại sự cải thiện sức khỏe cho người dân Trung Hoa, theo các tác giả quyển sách trên.

Trong y học dân gian Trung Quốc, châm cứu có liên quan đến niềm tin rằng bệnh tật được gây ra do sự tắt nghẽn của dòng năng lượng trong cơ thể, được gọi là khí (qi). Châm cứu kích thích các điểm (huyệt) trên hoặc dưới da, gọi chung là huyệt đạo để giải phóng khí này. Sau đó, khí lưu thông qua các đường kinh (meridians), theo Trung tâm Chữa lành & Tinh thần, Đại học Minnestosa.

Tuy vậy, các điều trị châm cứu được thực hiện tại các bệnh viện và trung tâm y tế ở phương Tây ngày nay không dựa trên cùng những nguyên tắc này - theo bác sĩ Bao. Các nhà khoa học Tây phương nghiên cứu cơ chế của châm cứu trong nhiều năm qua và đưa ra vài giả thiết liên quan.

Các giả thiết về tác dụng của châm cứu

Một giả thiết đó là, châm cứu hoạt động thông qua các đường dẫn thần kinh nội tiết (neurohormonal pathways). Về cơ bản, kim được đưa qua các huyệt nhất định trên cơ thể và kích thích thần kinh. Thần kinh sẽ truyền tín hiệu đến não bộ và não phóng thích các nội tiết thần kinh như các beta-endorphin. Bằng cách này, “bệnh nhân có thể cảm thấy dễ chịu, vui vẻ và điều này làm tăng ngưỡng chịu đau nên họ cảm thấy ít đau hơn” - bác sĩ Bao giải thích.

Chuyên gia về châm cứu và y học cổ truyền Trung Hoa Kylie Study, Bệnh viện Beaumont cũng đồng ý rằng châm cứu có thể kích hoạt các phản hồi sinh hóa trong cơ thể thông qua các dây thần kinh. Bản thân châm cứu không trực tiếp phóng thích ra các chất mang lại cảm giác dễ chịu có thể hỗ trợ cho việc chống viêm nhiễm, stress mà tác động đến tuyến yên để sản xuất thêm các hormone.

Một giả thiết khác là châm cứu hoạt động thông qua việc làm giảm các protein đánh dấu viêm nhiễm trong cơ thể. Theo các nghiên cứu trên động vật và trên người, châm cứu có thể giúp giảm đáng kể sự có mặt của các đánh dấu viêm nhiễm, gồm TNF và IL-1β.

Và thêm một giả thiết khác, châm cứu có thể được sử dụng để điều trị các thần kinh bị phá hủy, như bệnh lý thần kinh ngoại vi do hóa trị liệu, thường gây ra chứng tê liệt hoặc yếu tay, chân. Khi đưa kim vào, chúng ta “kích thích não tiết ra tác nhân tăng trưởng thần kinh và sau đó giúp cho thần kinh tái khởi hoạt”.

Châm cứu được sử dụng trong nhiều điều trị khác nhau

Châm cứu cũng được sử dụng rộng rãi kết hợp với các điều trị hiếm muộn. Châm cứu giúp làm tăng tác dụng của nhiều loại thuốc điều trị hỗ trợ sinh sản bằng cách giúp làm tăng mức nội tiết đi đến buồng trứng một cách tự nhiên. Các nghiên cứu từ năm 2006-2014 cho rằng châm cứu giúp cân bằng các hormone, cụ thể là làm giảm mức testosterone và điều chỉnh sự rụng trứng - giúp tăng 33% khả năng mang thai thành công.

Một nghiên cứu phát hành gần đây cho thấy, sử dụng châm cứu có thể giúp trị rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD). Dù kết quả nghiên cứu này khá hứa hẹn nhưng các chuyên gia khuyến nghị cần nghiên cứu thêm trước khi xem châm cứu là một trong những trị liệu cho người mắc chứng PTSD.

Một nghiên cứu khác của Đức về tác dụng của châm cứu với người bị suyễn dị ứng cho thấy, các biểu hiện của suyễn giảm trong thời gian thử nghiệm 3 tháng.

Trần Trọng Hiếu
(theo Live Science)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày