Chánh niệm tỉnh thức trong đời sống hiện đại

GNO - Năm 2014 được thế giới xem là năm của đời sống chánh niệm tỉnh thức với các khuyến nghị về lợi ích của đời sống chánh niệm tỉnh thức như giúp giảm stress và suy nhược cơ thể, giảm hiện tượng nghiện công nghệ và kỹ thuật số cũng như các vấn đề bất ổn khác về thể chất và tinh thần.

Các chuyên gia đã khuyến nghị một số cách giúp có được sự chánh niệm và tỉnh thức trong cuộc sống hiện đại như sau:

1 - Đi bộ

Đi bộ là cách đơn giản nhưng hiệu quả nhất giúp điều phục tâm thần, gợi mở suy nghĩ và hỗ trợ quá trình tư duy, nhận thức. Theo một nghiên cứu của Anh năm 2013, đi bộ ngang qua những khoảng không xanh mát thật sự giúp não trở về trạng thái thiền tĩnh.

2 - Biến những nhiệm vụ thường nhật thành những khoảnh khắc thiền định

Thiền không phải chỉ là thực hành 10 phút mỗi sáng mà thiền cần được gắn kết và thực tập trong tất cả các hoạt động thường ngày. 

image.jpg


Đối tượng của chánh niệm là hơi thở và chỉ cần tập trung vào hơi thở

Theo Ứng dụng Thiền Headspace, thiền trở nên thú vị khi được hợp nhất vào các hoạt động sống mỗi ngày. Chánh niệm chính là phút giây hiện tại, trong phút giây hiện tại. Hãy thiền khi ngồi, khi mua sắm, uống trà, khi ăn, ẵm trẻ, làm việc trên máy tính hoặc chuyện trò cùng bạn bè…

3 - Sáng tạo

Chánh niệm và sáng tạo luôn song hành cùng nhau. Thực hành chánh niệm chính là thúc đẩy sự sáng tạo. Thiền giúp đẩy mạnh dòng tâm thức có tính tư duy cao và tập trung.

Các nghề nghiệp như họa sĩ, nhà tư duy và các công việc đòi hỏi tính sáng tạo cho thấy, thiền giúp họ tiếp cận và đạt được trạng thái sáng tạo cao nhất của tư duy. Người ta so sánh thiền định và hiệu quả sáng tạo cũng như năng suất làm việc qua hình ảnh: “Người ta có thể vớt được chú cá nhỏ nơi nước nông, nhưng để vớt được chú cá to thì phải vào nơi nước sâu hơn”.

Nếu muốn tỉnh thức hơn thì phải thiền định sâu hơn. Dù làm gì (nướng bánh, ca hát lúc tắm táp, viết lách) hãy quan sát dòng tâm thức và ta sẽ cảm nhận được độ định tĩnh của dòng tâm thức đó.

4 - Chú tâm vào hơi thở

Hơi thở là “khí áp kế” của tất cả các hoạt động thể chất và tinh thần và cũng là nền tảng của thiền định. Kiểm soát được hơi thở là kiểm soát được sự định tĩnh.

Thiền sư Nhất Hạnh đã từng chia sẻ: “Đối tượng của chánh niệm là hơi thở và chỉ cần tập trung vào hơi thở. Hít vào, tôi biết tôi hít vào. Thở ra, tôi biết tôi thở ra… Bạn không nghĩ bất cứ gì khác. Bạn cũng không cần phải cố gắng để dừng dòng suy nghĩ của mình, bạn hãy mang sự tập trung vào trong hơi thở vào ra của mình…”.

5 - Không đa tác vụ

Đa tác vụ (làm nhiều việc cùng một lúc) là kẻ thù của sự tập trung. Nhiều người mất thời gian nhiều ngày trong trạng thái sự tập trung bị phân tán và thường xuyên đa tác vụ. Điều này ngăn cản chúng ta sống với hiện tại.

Các nghiên cứu cho thấy rằng nếu sự tập trung của chúng ta bị gián đoạn hay bị phân tán thì chúng ta mất hơn 50% thời gian và năng lượng để hoàn thành nhiệm vụ, cũng như có đến 50% nguy cơ mắc các sai phạm trong khi thực hiện nhiệm vụ.

Hiệu quả nhất là tập trung hoàn toàn vào một nhiệm vụ cho đến khi hoàn tất trong khoảng thời gian đã định trước, sau đó nghỉ giải lao trước khi tiếp tục hoặc bắt đầu một nhiệm vụ mới.

6 - Sử dụng điện thoại một cách thông minh

Người biết sống chánh niệm có mối quan hệ thân thiện với các thiết bị di động. Họ có định mức nhất định trong việc sử dụng chúng. Đó có thể là có những lúc họ không dùng đến điện thoại trong ngày, thậm chí để điện thoại ở một nơi khác khi ngủ hoặc tắt điện thoại vào cuối tuần hoặc kỳ nghỉ.

Quan trọng hơn là khi gần gũi người thân, hãy để điện thoại sang một bên. Việc dán mắt vào màn hình điện thoại quá lâu thật sự ảnh hưởng đến sự tương tác và kết nối của chúng ta với người khác.

7 - Hòa mình vào thiên nhiên

Gần gũi với tự nhiên là một trong những cách hiệu quả nhất để giải tỏa stress cũng như phục hồi năng lượng, trí nhớ và sự tập trung. Hãy khám phá tự nhiên. Biển trời, núi non không bao giờ là hữu hạn đối với sự khám phá của chúng ta.

8 - Chấp nhận xúc cảm

Chánh niệm không phải lúc nào cũng là cảm giác của hạnh phúc mà đó chính là sự chấp nhận những thời khắc, cảm xúc trong thời khắc đó mà không có sự kiểm soát hay phản kháng nó. Không nên tránh né các xúc cảm không phải là hạnh phúc. Cũng không nên chỉ nhìn vào mặt tươi sáng của sự việc. Hơn hết là chấp nhận cả xúc cảm tích cực và không tích cực, hãy để những xúc cảm khác nhau ấy cùng tồn tại như là những thách thức vốn đang diễn ra trong cuộc sống.

Thiền định được xem là giải pháp đối trị và điều chỉnh các xúc cảm như lo lắng, suy sụp tinh thần và stress. Một nghiên cứu năm 2013 kết luận, người sống trong chánh niệm thì có sự ổn định hơn về mặc cảm xúc và có giấc ngủ ngon hơn.

chanh niem 2.jpg
Nên học cách lắng nghe cơ thể mình để biết mình nên ăn gì là tốt cho cơ thể - Ảnh minh họa

9 - Thiền định

Bạn có thể chánh niệm bằng nhiều cách khác, ngoài thiền định. Nhưng các nhà khoa học chỉ ra rằng thiền định là giải pháp chắc chắn nhất giúp mang lại sự chánh niệm. Thiền tập thường xuyên giúp giảm stress, cải thiện chức năng tư duy và thúc đẩy sức khỏe thể chất.

10 - Chánh niệm trong ăn uống

Khi ăn, chúng ta thường không quan tâm đến thức ăn ta đang ăn vào và ăn thế nào là đủ no. Nên học cách lắng nghe cơ thể mình để biết mình nên ăn gì là tốt cho cơ thể. Ăn trong chánh niệm là ăn có giờ giấc, thời gian ăn, để tâm đến mùi vị và các giác quan liên quan chứ không phải các việc khác.

11 - Không nghiêm trọng hóa vấn đề

Có nhà báo viết rằng: “Thiên thần có thể bay được là do họ nhẹ.” Để có được chánh niệm, ta không nên “gói mình” và để mình sống trong những mớ cảm xúc. Hãy cười to và duy trì trạng thái cảm xúc, tinh thần ổn định trong mọi tình huống. Đó là một trong những con đường dẫn ta đến chánh niệm tỉnh thức.

Có nhiều phiền muộn đến từ nội tại - chúng ta “nhai lại”, lo lắng và sống với chúng. Nghiên cứu do Đại học Berkeley và Zurich cho thấy cười to giúp giải phóng cảm xúc, làm người ta vui vẻ hơn và giúp tăng tính hài hước. Đại học Loma Linda cũng vừa đưa ra kết luận khi cười to hoặc khi thiền định, não bộ chúng ta ở cùng một trạng thái.

Ngoài ra, người sống trong chánh niệm phải “kiêng” truyền thông. Họ kiểm soát tốt định mức thời gian dành cho tivi, truyền thông, game… Quá nhiều thời gian trên internet dễ gây chứng ngủ thiếu về đêm và làm tăng nguy cơ suy nhược tinh thần.

Trần Trọng Hiếu (Theo The Huffington Post)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày