Chấp nhận thất bại của con

Làm cha mẹ, ai không kỳ vọng ở con cái những điều tốt đẹp. Nhưng không phải lúc nào lòng kỳ vọng ấy cũng được đáp ứng đầy đủ. Và đôi khi cha mẹ phải biết chấp nhận thực tế…

Tôi có chị bạn thân, một hôm tìm tới tôi để… xả stress. Chị khủng hoảng, chị đau khổ, chỉ vì thằng con trai duy nhất của chị. Xin tạm gọi tên cháu là Đức. Một cậu thanh niên đẹp trai, hiền lành, học giỏi cực kỳ, từng đậu một lúc hai trường đại học, là niềm tự hào của chị trong cảnh góa bụa mấy chục năm tự lực nuôi con. Đức đã là sinh viên năm 2 của Trường Đại học Bách khoa, coi như đi được nửa chặng đường. Vậy mà đùng một cái, mọi thứ xáo trộn đến kinh khủng…

anh-2.gif

Ảnh minh họa

Đức uống thuốc ngủ tự tử, may nhờ gia đình phát hiện, cứu kịp. Từ lâu, chị bạn tôi thấy con mình ít ăn, sụt ký, rồi ít nói, không chơi với bạn nào, thỉnh thoảng lại buông những câu nghe hết hồn: “Đời có gì vui! Chẳng có gì đáng sống hết!”. Chị cứ tưởng kiểu triết lý “làm màu” của tụi mới lớn nên cũng bỏ qua. Đến khi sự cố xảy ra, chị đành xin phép cho Đức tạm nghỉ học, và “sơ tán” con về quê ngoại, hy vọng cảnh sông nước yên bình sẽ làm con nhẹ nhàng đầu óc. Hai tháng ở quê, Đức chỉ ăn rồi ngủ, rồi chơi với anh em dòng họ, Đức dần hồi phục, lên cân, tươi tỉnh hơn. Chị bạn tôi mừng quá, mong con trở lại trường học để theo kịp niên khóa.


Nhưng Đức không chịu quay lại trường. Cháu nói: “Con nghĩ là con đã chọn nhầm. Con không hề thích toán như con tưởng, dù ở phổ thông con cũng học toán rất giỏi. Lên đây gặp toán cao cấp, con mới biết mình hoàn toàn bị động. Con lại thích văn chương, thơ phú, thích triết học. Mẹ hãy cho con ôn thi lại để vào khoa Đông phương của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn”. Thế là chị bạn tôi giãy nãy lên. “Trời ơi, hai năm trời tốn biết bao công sức, tiền của, tự nhiên bây giờ mất hết. Có thi trường mới thì cũng ráng lấy cái bằng trường cũ để dành, kẻo uổng. Trường nào thì cũng tự con chọn chứ mẹ đâu có ép con, bây giờ con lại thay đổi lộn xộn. Mà biết thi trường mới có đậu hay không, rủi rớt thì sao? Khổ ơi là khổ, bao nhiêu hy vọng vào con…”. Người khủng hoảng bây giờ lại chính là chị. Chị cuống cuồng đi tìm giải pháp vì niên khóa của Đức sắp kết thúc. Và chị đã tìm đến tôi như một… tư vấn sau cùng.


Tôi bảo chị bình tĩnh nhìn nhận sự việc. Dường như chưa đến mức kinh khủng như chị nghĩ. Thật ra, điều kinh khủng nhất đã xảy ra, và đã trôi qua, đó là việc Đức tự tử. Cứu sống được cháu đã là may mắn lớn nhất, mọi thứ còn lại đều là thứ yếu. Hãy xem tính mạng con mình là tuyệt đối quý giá, đặt trên tất cả mọi bằng cấp, tiền bạc. Nó còn ở bên mình, đã đủ hạnh phúc, cho dù nó không vào đại học, cho dù nó chỉ là một công nhân bình thường. Tại sao khi cấp cứu cho cháu, chị chỉ nghĩ đến hai chữ “sống-chết”, mà khi cháu bình phục chị lại đeo mang thêm quá nhiều thứ như vậy?


Hình như chúng ta đòi hỏi ở con cái quá nhiều năng lực, mà quên rằng nó cũng là một thực thể nhỏ nhoi giữa thế gian này, cũng có những điểm yếu, những sơ suất đáng thông cảm. Ngay cả bản thân chúng ta đã hoàn thiện đâu, cũng đầy nhược điểm đó thôi. Hãy nhớ lại hồi ta mười tám, hai mươi tuổi, ta cũng có những vụng về, nhầm lẫn, thất bại. Cho nên, hãy chấp nhận những vụng về, nhầm lẫn, thất bại của con, để đừng tạo thêm áp lực cho nó. Đôi khi lòng kỳ vọng quá lớn của cha mẹ chính là thứ áp lực đè nặng lên người đứa trẻ, còn hơn cả áp lực nhà trường. Khi nó không làm tròn với lòng kỳ vọng ấy, nó cảm thấy “có tội”, thế là mặc cảm, trầm cảm, có thể tự tử như Đức. Chị đã “thần tượng” con từ khi nó liên tiếp là học sinh giỏi và ngoan ở trường phổ thông, ngược lại, Đức cũng sống trong “hào quang” mà mẹ ban cho. Cả hai mẹ con đều không tưởng tượng nổi có ngày mình thất bại như thế. Con thất bại ở trường, kéo theo mẹ thất bại kỳ vọng. Và cả hai không khéo lại làm khổ nhau, cứ như cái vòng tròn lẩn quẩn.


Cho nên, tôi khuyên chị hãy cho Đức thi lại trường khác như ý cháu. Hãy xem niên học cũ như một sự nhầm lẫn trong định hướng, đừng trách móc gì cháu. Tôi nói vui: “Chị đi mua hàng còn bị lầm kia mà. Chị còn chọn lầm chồng, phải bỏ nhau nữa, so với chuyện lầm trường của nó thì… xi nhê gì. Mình sai sót còn kinh khủng hơn nhiều, tại sao mình dám làm lại cuộc đời mà không cho nó học lại trường khác”. Chị phì cười. Nhưng cũng ráng vớt vát: “Tiếc tiền học phí hai năm, tiếc công sức nó học…”. Tôi lắc đầu: “Môi trường ấy đã không thích hợp, chị tiếc làm gì. Tiền đó, sức đó không nhằm gì với tính mạng và sức khỏe của nó. Chị đẩy nó về chỗ cũ là có nguy cơ nó lại trầm cảm và tự tử. Giữa tiền và mạng của con, chị chọn cái nào?”.


Và có thêm một cái bằng cấp để treo giữa nhà cho oai, là chạy theo hư vọng, không thiết thực. Nếu bằng cấp đó được tạo ra bằng sự say mê, năng lực thật sự, thì không nói, vì chứng minh người học rất đa năng. Nhưng nếu đó chỉ là danh vọng ảo, phải đánh đổi bằng mấy năm trời tiếp tục khổ sở của Đức, thì tội nghiệp quá. Sao mình biết con khổ mà cứ bắt con theo học? Mình thương con hay thương cái bằng cấp? Và chưa chắc cái bằng ấy giúp gì được cho nó, bởi say mê ngành nghề mà ra trường chưa dễ tìm được chỗ đứng, huống chi học để cho có, cho qua, thì cơ hội thành đạt là vô cùng nhỏ.


Chị quay sang e ngại nó chọn nhầm trường lần nữa. Tôi bảo, người ta làm thí nghiệm phải hư hao mấy lần, có khi hàng trăm lần mới thành công. Dĩ nhiên, không thể chấp nhận việc tùy tiện chọn trường, chọn ngành, rồi thất bại mãi. Nhưng ông bà ta nói “Nhất quá tam”, nó chưa thử ba lần thì chưa vội kêu ca nó. Thông cảm cho con, bởi lỗi tại cha mẹ một phần, không theo dõi sát sao năng lực, năng khiếu của con, nên không định hướng giúp con, khiến nó phải lúng túng trên đường đời lạ lẫm. Rất nhiều sinh viên hiện nay thiếu người tư vấn nên chọn sai trường, sai ngành, phải học lại, hoặc ra trường làm ở ngành khác. Đức đâu phải là trường hợp cá biệt.
Tuy nhiên, tôi cũng trấn an chị rằng, Đức chọn văn chương xem chừng thích hợp. Bởi cha của Đức là một nhà thơ có tiếng ở miền Tây, và bản thân chị cũng từng viết văn, làm thơ, sau chuyển ngành làm kinh tế để nuôi con. Cái gien di truyền trong Đức lộ ra hơi muộn, cũng chẳng có gì ngạc nhiên. Hãy thử mọi cách, đến khi nào con tìm ra con đường của nó. Tôi nhắc chuyện mẹ của Mạnh Tử dọn nhà ba lần đến khi tìm được nơi thích hợp nhất cho con ở và phát triển nhân cách. Chúng ta thử làm một bà mẹ như thế xem sao.


Cuối cùng, chị hiểu ra vấn đề, thấy thương con nhiều hơn, nhưng vẫn đọng lại nỗi buồn là không ngờ đứa con trai của mình lại yếu đuối như thế, lại không biết cách ứng xử đến nỗi phải tự tử. Chị từng kỳ vọng một đứa con mạnh mẽ, nghị lực kia mà. Tôi lắc đầu: “Chính khi nó yếu đuối chị phải càng bình tĩnh và mạnh mẽ để nó tựa vào, chứ chị cứ rối lên nó lại càng mặc cảm có tội với mẹ. Ai cũng có lúc yếu đuối, nhất là khi thất bại. Mình chấp nhận thất bại của họ, chính là thông cảm, là đưa tay ra dắt họ trong giây phút bế tắc, thì họ không tới mức phải lao xuống vực. Khi họ có cơ hội làm lại cuộc đời, biết đâu sẽ mạnh mẽ hơn nhiều”.


Quả thật tin vui đã đến. Đức đang ôn thi. Cậu say mê với văn học, ngoại ngữ, tươi tắn, hoạt bát. Tôi nhắc chị, thấy con hạnh phúc là vui rồi, đừng quá để tâm ngày mai nó làm được gì. Quá khứ đã qua, không nhắc nữa, tương lai thì chưa tới, biết ra sao. Hạnh phúc ngay trong hiện tại, hãy yêu con vì nó là nó, chứ nó không phải là cái bóng từ lòng kỳ vọng của mình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày