GN - “Hiện tại, tôi làm mướn mỗi ngày chỉ tạm đủ ăn, nếu ngày nào ngưng làm thì đi mua thiếu người ta, rồi làm được tiền trả người ta sau. Nhà ở thì lợp tạm ven lòng hồ điện Thác Mơ nhưng hiện tại nhà máy có yêu cầu di dời, biết là phải chuyển đi nhưng gia đình tôi cũng đang ở lì chưa đi, vì không biết đi đâu bây giờ”.
Đó là chia sẻ của ông Lê Văn Hoài, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập, là ‘Việt kiều’ từ Biển Hồ, Campuchia trở về, khi chúng tôi có chuyến tặng quà cùng với phái đoàn Phân ban Ni giới T.Ư vào ngày 20-10 vừa qua.
“Khổ quá nên phải trở về…”
Chú Hoài cho biết, do nghèo khổ nên chạy đi kiếm chỗ này chỗ khác làm ăn, chạy riết qua tận Campuchia. Ở đó mấy chục năm, gia đình làm ăn không được nên chạy về.
“Về đây, chính quyền có hướng dẫn làm giấy tờ nhưng cũng cần có thời gian. Tôi có 7 đứa con, tới tuổi đi học 4 đứa nhưng không có khả năng cho con đi học hết, nếu đi học hết thì không có đứa nào trông mấy đứa nhỏ, vì mình đi làm nghề lưới, nên chỉ cho 1 đứa đi học. Tôi rất mong muốn được nhập quốc tịch Việt Nam, đăng ký hộ tịch, làm chứng minh nhân dân… để có thể tìm việc làm tại các công ty, rồi có được mảnh đất của riêng mình để Tết nhất, giỗ kỵ có chỗ ra vô cúng ông bà tổ tiên”, chú Hoài mong muốn.
NT.Huệ Từ, NT.Như Như trao quà đến bà con "Việt kiều" tại xã Đức Hạnh - Ảnh: N.Danh
Còn gia đình anh Tăng Văn Hóa, xã Đức Hạnh, H.Bù Gia Mập về đây vào tháng 11-2015. Anh ở Biển Hồ làm nghề đánh bắt cá được gần 40 năm, nhưng hiện đánh bắt rất khó khăn do chính sách mới của chính quyền Campuchia nên không sống nổi, đành đưa cả gia đình gồm 10 người trở về đây sinh sống.
“Ở đó sống dưới nước nên con cái không được đi học, con nít dốt hết trơn, mà người lớn cũng không biết chữ, tôi có biết chữ sơ sơ nhưng không rành rọt lắm. Về đây, chính quyền cũng tạo điều kiện, hướng dẫn cho con đi học, dù chưa có hộ khẩu nhưng các cháu vẫn được đi học”, chú Hóa cho biết.
“Chúng tôi trở về lại Việt Nam mưu sinh vì bên Biển Hồ đời sống khổ quá, ba mẹ không ai biết chữ nên muốn về đây để cho con cái được học chữ, sau này có cuộc đời đỡ khổ hơn mình. Mình đã dốt rồi mà để con dốt nữa thì tội lắm. Gia đình tôi có 5 cháu, hiện có một bé được đi học, nhưng bé vẫn chưa có giấy khai sinh, chính quyền có hỗ trợ làm nhưng cũng phải đợi”, chia sẻ của chị Nguyễn Thị Tánh, về nước từ năm 2007. Gia đình chị hiện đang ở xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh. Ở đây, gia đình chị làm thuê cho một xí nghiệp làm nón lá nên ở không phải trả tiền trọ như nhiều gia đình khác.
Là người di cư lên vùng đất này gần 12 năm, ông Phan Thanh Liêm, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập, hiện là Tổ trưởng nhà bè của bà con ‘Việt kiều’ tại thủy điện Cần Đơn. Năm nay, ông Liêm đã 67 tuổi, từng sống ở Kampong Chnăng - Campuchia làm nghề thợ bạc khoảng 20 năm, rồi về Long Xuyên ở, sau đó có bạn bè rủ về Bình Phước lập nghiệp nhưng đến nay gia đình ông vẫn chưa ổn định.
Ông cho biết, khi về đây bà con không có đất đai nên làm bè sống ven lòng hồ thủy điện Cần Đơn, chỉ sống với nghề đánh bắt cá. Năm nay đánh bắt khó khăn nên bà con đi mần mướn mần thuê, làm điều, dẫy cỏ.. . bất cứ chuyện gì ai mướn thì chúng tôi làm, có chút đỉnh tiền sống qua ngày. Ở đây, do bà con ít biết chữ nên đi đâu cũng phải có hộp mực để lăn tay. Ông Liêm cũng hỗ trợ ghi cho bà con, kiến nghị hỗ trợ về các giấy tờ, chứng minh nhân dân, hộ tịch... để cô bác có thể đi làm công nhân tại các xí nghiệp lớn (ai không có giấy tờ thì không được nhận vào làm).
“Chính quyền ở xã hỗ trợ rất chu đáo, trẻ em ở đây được xin vô các trường công học chữ, không cần giấy tờ gì hết. Chỉ có kẹt giấy tờ thôi, vì hiện tại là mình không có đất ở cố định thì làm sao mà làm giấy tờ, thành thử ở trên họ đang xét”, ông Liêm cho biết.
Tạo mọi điều kiện cho bà con ‘Việt kiều’ sinh sống
Tại xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập - nơi đoàn đến trao quà đầu tiên có 47 hộ từ Campuchia trở về, với 257 nhân khẩu, và 11 hộ mới phát sinh về. Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hạnh cho biết: “Tình hình cuộc sống công ăn việc làm của bà con ‘Việt kiều’ không ổn định. Họ sống bằng nghề sông nước ở bên đất bạn nên khi về đây họ cũng chọn sống ven lòng hồ thủy điện Thác Mơ.
Ngoài đánh bắt cá, họ làm thuê cho các xưởng điều, hoặc làm rẫy… hiện nay bà con có giấy tờ chưa được hợp pháp, mà lại về theo đường tiểu ngạch, nên chính quyền đang đề nghị các cấp, các ngành làm các giấy tờ tùy thân, đăng ký hộ tịch cho bà con”.
Ngoài ra, chính quyền cũng hỗ trợ an sinh xã hội, thường xuyên vận động các mạnh thường quân tặng quà cho bà con ‘Việt kiều’, các cháu nhỏ. Đặc biệt, việc dạy chữ cho các cháu nhỏ được chính quyền rất quan tâm, trong đợt hè vừa rồi hội khuyến học, trung tâm hỗ trợ cộng đồng xã, cùng mạnh thường quân vận động mở lớp học tình thương cho các em từ Campuchia về. Khi vào năm học chính thức, địa phương cũng đã đề nghị với các cấp cho các cháu học bình thường tại các trường.
Một ngôi nhà tạm bợ của bà con "Việt kiều"
ở ven lòng hồ thủy điện Cần Đơn - Ảnh: Trần Tấn Công
Là người đề nghị tặng quà cho bà con ‘Việt kiều’ từ Biển Hồ về Bình Phước sinh sống, NS.Thích nữ Nhật Khương, Phó Trưởng Phân ban Ni giới T.Ư, Trưởng phân ban Ni giới tỉnh Bình Phước cho biết: “Tôi từng qua Biển Hồ, biết được dân Việt mình sống ở đó nhưng đôi khi họ không rõ nguồn gốc của mình ở đâu. Cuộc sống lênh đênh trên một chiếc thuyền, có những chiếc thuyền rách nát, con cái có khi cũng không có áo quần, thương tâm lắm. Khi về định cư tại Bình Phước, họ không có gốc gác, không có hộ khẩu nên làm giấy tờ cũng rất khó. Họ chủ yếu làm mướn, nơi nào kiếm được miếng cơm manh áo thì họ làm, đời sống rất khó khăn”.
Những phần quà nhỏ lần này của chư Ni Phân ban Ni giới T.Ư cũng chỉ là những món quà “chữa cháy” lúc ngặt nghèo cho bà con. “Đó là một đám lửa cháy to, mình chỉ như là tô nước nhỏ thôi. Chúng tôi làm được điều này là một sự cố gắng trong khi cả nước đang hướng về đồng bào khó khăn bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt ở Bắc Trung Bộ”, NS.Nhật Khương nói thêm.
Chuyến từ thiện của Phân ban Ni giới T.Ư đến với đồng bào ‘Việt kiều’ hồi hương tại Bình Phước chỉ là 500 phần quà với tổng trị giá gần 220 triệu đồng. Tuy ít ỏi nhưng đó là tấm lòng của chư Ni, như NT.Thích nữ Huệ Từ, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Phân ban chia sẻ: “Món quà tuy nhỏ, không bao nhiêu nhưng là tình cảm của quý chư tôn đức Ni, Phật tử chắt chiu từ hàng trăm km mang đến tặng cho bà con”.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 1.970 người di cư tự do từ Campuchia trở về cư trú, chưa được nhập quốc tịch, đăng ký hộ tịch, trong đó có 1.020 trường hợp có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam. Hiện có khoảng 239 người cần được hỗ trợ nhà ở, 211 người cần được hỗ trợ đất ở, 180 hộ có nhu cầu vay vốn (8 triệu đồng/hộ), 700 người cần được hỗ trợ học nghề. Đến nay đã có 225 em học sinh được chính quyền các cấp hỗ trợ miễn, giảm học phí và chi phí học tập; hơn 1.000 người cần được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế.
Trình độ dân trí của người di cư tự do thấp, phần lớn không biết đọc, không biết viết, một bộ phận không nói được tiếng Việt do cha mẹ không có giấy tờ tùy thân nên trẻ em không được đến trường. Hầu hết những người di cư tự do không có đất sản xuất và sống trên các ao hồ bằng nghề đánh bắt cá. (Theo báo cáo của ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước).