Chế tác tượng Phật cao nhất Đông Nam Á

Sau từ 3 đến 5 năm nữa, tại Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (xã Đại Đình, huyện Tam Đảo) sẽ sừng sững một tượng Phật bằng đá hoa cương cao 49m với tên gọi Việt Nam hộ quốc Phật đài (Thích Ca Phật Đài). Đây là tượng phật bằng đá hoa cương tỉ lệ 1:1 lớn nhất Đông Nam Á.

Lễ khởi công tạo mẫu đầu tượng Phật vừa diễn ra hôm 6-11, tại Công ty Vĩnh Sơn, xã Tiền Phong, Mê Linh, HN.

Nặng 20.678 tấn

Trước đó, vào ngày 28/11/2008, tại khu di tích danh thắng Tây Thiên, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức lễ đặt đá khởi công xây dựng tượng Việt Nam hộ quốc Phật đài. Từ đó đến nay, Ban Hưng công xây dựng của Thiền viện đã san ủi hơn 10.000 m3 đất đá, đào hố móng sâu 4,7m, rộng 32m, dài 43m, xây 4 bờ ta-luy có độ dài 369m, cao lên đến 8m. Đây chính là nơi ngự của tượng Phật Việt Nam hộ quốc Phật đài sau khi hoàn thiện.

Cụ thể, tượng Phật khổng lồ này sẽ ngự ở độ cao hơn 300m so với mực nước biển, cao 49m là cộng cả đế ốp đá hoa cương (tượng cao 40m, đế cao 9m). Con số 49 là lấy theo ngày Đức Phật ngồi thiền định trong suốt 49 ngày đêm. Lòng tượng Phật được thiết kế rỗng gồm 10 tầng, tượng trưng cho 10 cảnh giới của tâm thức nhà Phật.

Chế tác tượng Phật cao nhất Đông Nam Á ảnh 1
Phác thảo tượng Việt Nam hộ quốc Phật đài

Vỏ tượng Phật gồm 57 thớt đá hoa cương và đá xanh, trong đó đá hoa cương gồm 3.742 viên (khoảng 7.618 tấn), đá xanh là 6.346 viên (khoảng 13.060 tấn). Liên kết giữa các mạch thớt đá, ngoài các mộng thắt được đổ một lớp chì mỏng để làm kín các mạch đá. Sau đó, thớt đá sẽ được đẽo gọt hướng tâm... Sau khi hoàn thành, tổng trọng lượng của Việt Nam hộ quốc Phật đài là 20.678 tấn.

Ban đầu, giới chức Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên dự định sẽ chọn đất thiêng Ba Vì để đặt tượng Phật với lý do ở nơi đó có Thánh Tản Viên còn bên Tam Đảo đã có Phật, có Mẫu Quốc Tây Thiên. Nhưng sau khi xem phong thủy, những người có trách nhiệm đã quay lại với Tây Thiên để chọn điểm đặt tượng. Tỳ kheo Thích Kiến Nguyệt, Trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên cho biết lý do không đặt tượng Phật ở Ba Vì: “Ba Vì nằm ở hữu ngạn sông Hồng nên rất thích hợp với vua, quan. Còn với tượng Phật nằm ở tả ngạn sông Hồng, tức là ở phía vùng núi Tam Đảo, Tây Thiên thì mới hợp với phong thủy”.

Theo đó, tượng Phật Việt Nam hộ quốc Phật đài sẽ được đặt ở ngọn đồi Hữu Bạch Hổ, bên phải chính điện Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên.

Và tốn hơn 199 tỉ đồng

Trả lời câu hỏi của TT&VH về việc kinh phí để thực hiện chế tác bức tượng khổng lồ này, Tỳ kheo Thích Kiến Nguyệt cho biết thêm: “Theo dự toán của các KTS trong dự án thì kinh phí để hoàn thiện Việt Nam hộ quốc Phật đài là vào khoảng hơn 199 tỉ đồng. Còn thời gian hoàn thành và đưa tượng từ đây (xã Tiền Phong) về Tây Thiên dự kiến mất 3 năm, thậm chí, lâu hơn thì khoảng 5 năm, tùy thuộc vào khả năng đóng góp tài chính của nhân dân, của phật tử và các nhà doanh nghiệp khi xem đây là phúc lợi của toàn dân”.

“Chúng tôi quyết định xây dựng tượng Phật Việt Nam hộ quốc Phật đài với tâm niệm sẽ để cho mọi người tìm về, sống đời hướng thiện, thực hành cái tâm từ bi bác ái. Nếu người dân ai cũng hướng thiện, cũng từ bi bác ái thì đất nước tất sẽ thanh bình” - Tỳ kheo Thích Kiến Nguyệt bày tỏ - “Tôi tin rằng, tượng Phật sẽ là điểm nhấn quan trọng trong quần thể kiến trúc mang đậm bản sắc văn hoá Phật giáo của Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, tôn vinh nơi nguồn cội của đạo Phật, góp phần cùng địa phương khôi phục lại chốn Tổ, tạo thêm một cảnh quan du lịch văn hoá tâm linh cho Tây Thiên và khu du lịch Tam Đảo”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày