Tác giả nhấn mạnh, triển khai nhiều về giai đoạn trung ấm (Bardo), tức giai đoạn thần thức rời bỏ thân xác, trải nghiệm cảnh giới tâm linh với những cảnh tượng vốn là phản ảnh của cái tâm của mỗi người khi đang sống. Giai đoạn này được những người được xem là đã chết đi nhưng sau đó hồi sinh (gọi là delogs) tường thuật một cách cụ thể và trung thực. Qua đó, ta thấy những trải nghiệm, các cảnh tượng gây đau đớn, sợ hãi, lo lắng, ưu phiền, thanh thản, mừng vui, hạnh lạc..., tất cả đều là những thể hiện của tâm, những kết quả của nghiệp; và từ đó những trải nghiệm này quyết định con đường tái sinh, thậm chí thoát khỏi luân hồi của mỗi người. Rõ ràng, tất cả những gì chúng ta làm, nói và nghĩ trong đời này và đặc biệt có sự góp phần của thái độ của ta và hoàn cảnh chung quanh khi ta lâm chung quyết định đời sau của ta vậy. Hiểu được điều này tức là hiểu được ta phải sống thiện lành, tạo thiện nghiệp để được chết an bình và tái sinh hỷ lạc.
Tác giả cũng dành khá nhiều trang sách để đề nghị những người thân, những người phụ trách nghi lễ nên làm gì để giúp những người lâm chung hoặc đã chết. Một số nghi lễ được miêu tả theo thể cách Tây Tạng nhưng không phải là phải tuân thủ một cách cứng nhắc mà tùy theo hoàn cảnh, tập tục, văn hóa, tín ngưỡng của từng trường hợp khi thực hiện.
Phật giáo Tây Tạng ngày càng được phổ biến trên khắp thế giới, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực hoạt động của một số khá đông người tại nhiều quốc gia. Đặc tính ưu việt của Phật giáo là hội nhập hài hòa với mọi nền văn hóa, văn minh, mọi xã hội, mọi tầng lớp con người.
Theo dịch giả Nguyễn Văn Nghệ - người chuyển ngữ cuốn sách này từ tiếng Anh sang tiếng Việt, tâm đắc nhất là phần nói về đời người, “những ngày quý báu của chúng ta”, và tiềm năng vĩ đại của đời sống con người (chương 1). Ngài Tulku Thondup đã giúp chúng ta hiểu một cách sâu sắc hơn cuộc đời là vô thường, là khổ đau và là kết quả của nghiệp như thế nào. Chúng ta phải làm gì với cuộc đời của chúng ta để có thể “chết an lành và tái sinh hỷ lạc”. Đó là thông điệp chính yếu mà Ngài Tulku Thondup muốn gởi đến cho mỗi chúng ta qua cuốn sách này.
Ngoài nội dung chính yếu của cuốn sách là về sự chết và tái sinh theo Phật giáo Mật tông Tây Tạng, độc giả cũng sẽ được cung cấp những kiến thức về sự phong phú và đa dạng của những giáo quy và nghi lễ của Mật tông liên quan đến giai đoạn lâm chung và sau khi chết của một người.
Ngài Tulku Thondup là một cao tăng Tây Tạng nổi danh. Ngài sinh năm 1939 ở Golok, Đông Tây Tạng, và từ lúc 4 tuổi đã được công nhận là hậu thân của đại học giả Konme Khenpo. Ngài tu học tại tu viện Dodrupchen nổi tiếng, giữ chức nghi lễ sư. Năm 1958 Ngài sang tỵ nạn tại Ấn Độ rồi sau trở thành giáo sư ở các trường đại học Lucknow và Visva Bharati. Năm 1980, Ngài sang Mỹ và được mời giảng tại đại học Harvard. Hiện nay Ngài tiếp tục nghiên cứu và dịch thuật các kinh điển Tây Tạng. Ngài đã viết trên 10 tác phẩm nổi tiếng, được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó đáng chú ý nhất là The Healing Power of Mind (Năng lực Chữa lành của Tâm, đã được dịch ra 7 thứ tiếng) và Boundless Healing (Độ sinh vô biên, đã được dịch ra 12 thứ tiếng) và cuốn sách này Peaceful Death, Joyful Rebirth (Chết an bình, tái sinh hỷ lạc; Nxb Shambala Publications, 2006).