Chia sẻ của nhị vị nguyên Phó TBT Báo Giác Ngộ

GN - LTS. Cư sĩ lão thành Tống Hồ Cầm là một trong những người tham gia bộ máy lãnh đạo của Báo Giác Ngộ ngay từ những ngày đầu thành lập; HT.Thích Thiện Bảo là vị Tăng đầu tiên làm việc chính thức với báo. Cả hai vị gắn bó với Giác Ngộ cho đến ngày nghỉ việc ở cương vị Phó Tổng Biên tập, nhưng luôn mang trong tâm tư những tình cảm, kỷ niệm, tâm nguyện và niềm tin với Giác Ngộ, như không hề rời xa…
anh yen ha.JPG
HT.Thích Thiện Bảo và cư sĩ Tống Hồ Cầm tại tòa soạn Báo Giác Ngộ - Ảnh: Yên Hà

  • Cư sĩ lão thành TỐNG HỒ CẦM: “Tin tưởng tờ báo sẽ phát triển hơn nữa”

Là người gắn bó từ khi tờ báo được thành lập (11-1975) cho đến lúc nghỉ hưu (12-2012), cư sĩ Tống Hồ Cầm, nguyên Phó Tổng Biên tập vẫn nhớ như in những chặng đường mà báo đã đi qua.

“Thời buổi khó khăn đã qua đi, đây là thời kỳ ổn định và phát triển, Báo Giác Ngộ cũng theo đà đó mà đi lên. Do bắt nhịp được thời đại, tôi nhận thấy báo đã có những điều chỉnh về nội dung lẫn hình thức. Với những thay đổi này, tôi nghĩ báo sẽ tiếp tục con đường ổn định và phát triển trong giai đoạn ảnh hưởng khó khăn về kinh tế nói chung”, cư sĩ tâm sự.

Cư sĩ nói thêm: “Có thể nói, những năm khó khăn ban đầu khi mới thành lập, tòa soạn còn ít về nhân sự cũng như thiếu thốn về cơ sở vật chất nhưng với lòng nhiệt huyết và tâm yêu nghề, vì lý tưởng phụng sự mà Báo Giác Ngộ đã tồn tại cho đến khi chuyển qua giai đoạn do Ban Trị sự GHPGVN (lúc đó với danh xưng là Thành hội Phật giáo) TP.Hồ Chí Minh làm cơ quan chủ quản”.

Từ khi Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM về tiếp quản, HT.Thích Trí Quảng làm Tổng Biên tập thay cho cư sĩ Võ Đình Cường, Báo Giác Ngộ như được mở ra một trang mới, trang thiết bị, cơ sở cũng như nhân lực ngày một hoàn thiện hơn, nội dung lẫn hình thức được cải thiện và nâng lên đáng kể - cư sĩ cho biết.

Ở độ tuổi 96 nhưng với tinh thần sảng khoái, cư sĩ nói: “Với đội ngũ nhân sự đủ các thế hệ với sự có mặt của nhiều vị Tăng trẻ có chuyên môn hiện nay, tôi tin tưởng Báo Giác Ngộ sẽ tiếp tục phát triển, Giác Ngộ không chỉ là một tờ báo Phật giáo của TP.HCM, mà xứng đáng là một kênh thông tin quan trọng của Phật giáo cả nước, luôn sống trong lòng bạn đọc là Tăng Ni, Phật tử và những người yêu mến Phật giáo ở trong và ngoài nước”.

  • HT.THÍCH THIỆN BẢO: “Truyền thông thông tin cũng cần có những dự hướng”

Là một trong những vị Tăng sĩ đầu tiên tham gia công tác tại cơ quan Báo, HT.Thích Thiện Bảo, nguyên Phó Tổng Biên tập, vừa quyết định nghỉ hưu vào tháng 11-2013, kể về nhân duyên gần ba mươi năm trước: “Nhân duyên đưa tôi đến với Giác Ngộ thật kỳ lạ, do một lần tôi được giải nhất trong cuộc thi viết báo tường, trong phong trào được phát động tại trường hạ do Thành hội Phật giáo TP.HCM tổ chức năm 1986 tại tổ đình Vĩnh Nghiêm, rồi được sự gợi ý của chị Thái Thanh (lúc đó là Thư ký tòa soạn) và rồi anh Minh Tâm dẫn đến giới thiệu với cư sĩ Võ Đình Cường, nguyên Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ. Ban đầu tôi nhận phát hành Giác Ngộ tại thư viện THPG (đặt tại dưới lầu chuông chùa Vĩnh Nghiêm), lúc đó tôi là thư viện trưởng. Tôi nhớ việc phát hành lúc đó rất hạn chế, số lượng chưa nhiều. Đến với Giác Ngộ từ một cộng tác viên, rồi sau đó là phóng viên… viết tin, bài, phụ trách trang từ ngữ Phật học”.

Hòa thượng cho biết thêm: “Trải qua nhiều năm tháng công tác ở nhiều bộ phận khác nhau, nhiều lần được phân công đi theo cố HT.Thích Thiện Hào, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, trong những chuyến công tác khắp khu vực miền Nam, rồi làm Phó phòng Trị sự, Thư ký tòa soạn cho đến Phó Tổng Biên tập… lúc nào tôi cũng nỗ lực hoàn thành trọng trách được giao như một sự biết ơn với tờ báo”.

“Những ngày tháng làm việc ở Giác Ngộ, tôi cảm nhận mình trưởng thành hơn, có cơ hội để cọ xát đời sống thực tế mà ở chùa chúng ta khó có thể trải nghiệm, từ cung cách ứng xử với những đồng sự, rồi huynh đệ là người xuất gia lẫn Phật tử, và ngay cả với những cộng sự không phải là Phật tử. Bên cạnh được tiếp cận với các học giả, nhà nghiên cứu làm cho mối quan hệ trong cộng đồng của giai tầng xã hội được mở rộng”, Hòa thượng nói.

Theo Hòa thượng, so với bây giờ thì trước đây nội dung không phong phú, những người viết bài chưa có điều kiện nhiều để tiếp cận và nghiên cứu các nguồn tư liệu. Nhiều người đến với Giác Ngộ như một trạm dừng chân, để tiếp tục hành trình cho những chuyến đi xa khác. Có thể nói Báo Giác Ngộ là một mảnh đất tốt, tôi luyện cho một số nhà văn, nhà báo trẻ như: nhà văn Tiến Đạt, nhà báo Uyên Viễn, nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh… Những người trụ lại Giác Ngộ thì phần đông là do nặng tình cảm và yêu thích mong muốn gắn bó với báo Phật giáo. Đặc biệt là chư Tăng, chư Ni luôn được Ban Biên tập tạo điều kiện để có thể gắn bó với tòa soạn lâu dài.

Có thể nói ngày nay Giác Ngộ đang trên đà phát triển về nội dung lẫn hình thức, do xu thế hội nhập của công nghệ thông tin, kỹ thuật in ấn và chất lượng bài viết cũng được nâng lên do có đầy đủ điều kiện để nghiên cứu tiếp cận các nguồn tư liệu. Tờ báo dần đã tạo uy tín thị phần để đứng vững trong lòng độc giả với số lượng phát hành ổn định và còn có chiều hướng phát triển. “Nhìn ở góc cạnh nào đó, Báo Giác Ngộ đang có khuynh hướng phát triển không chỉ trên lãnh địa Phật giáo mà còn có vị thế trong lòng những người làm báo cả nước, dù Báo Giác Ngộ xếp hạng không cao so với làng báo Việt Nam nhưng lại có một tiềm năng và vị trí không tờ báo nào có thể so bì trong bối cảnh hiện nay”, Hòa thượng bày tỏ.

“Ngày nay, báo chí đang len lỏi vào cuộc sống bình yên của tầng lớp Tăng sĩ, tạo nên những tác động nhiều chiều, mà thời gian qua chúng ta đã ít nhiều thấy được trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thiết nghĩ, những người làm công tác truyền thông của Phật giáo cần phải suy nghĩ, có tiếng nói nhanh nhạy, kịp thời hướng dẫn dư luận cũng như tạo một hiệu ứng khách quan, bình đẳng hơn trong xu thế đa chiều của truyền thông hiện đại”, Hòa thượng ưu tư.

 Kết thúc câu chuyện, Hòa thượng nói: “Tôi nghĩ không quá đáng hay thiên vị khi nhận xét đánh giá Báo Giác Ngộ là cơ quan có trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất đầy đủ, đồng thời đã quy tụ được một đội ngũ những người làm báo gồm các vị Tăng sĩ trẻ có khả năng về nghiệp vụ, có học vị và kinh nghiệm rất tốt mà trong hệ thống báo chí nội bộ Phật giáo hiện nay không thể có. Nếu chúng ta biết khai thác điều tiết dựa vào sở trường và tiềm lực thực sự sẵn có về nội dung, hình thức và nhân sự hiện nay, tôi tin tưởng trong tương lai tờ báo sẽ là cánh chim đầu đàn trong làng báo chí Phật giáo cả nước”.

Quảng Hậu ghi

________________

* Đọc thêm:

>> Giác Ngộ online giao diện hiện đại, truy cập nhanh...
>> Hòa thượng Tổng Biên tập gửi thư tới bạn đọc
>> "Nghề" công quả xếp báo của cô Bảy Quới
>> Tôi sớm có duyên với Báo Giác Ngộ
>> Tuổi 38, Giác Ngộ nhìn lại và hướng tới...
>>
Rơi nước mắt trong buổi họp mặt kỷ niệm 38 năm Báo Giác Ngộ
>> Với tôi, Giác Ngộ là bạn, là thầy...
>>
"Phần đông độc giả hài lòng về báo Giác Ngộ"
>>
Báo Giác Ngộ "dắt" tôi vào nghề
>>
Tôi yêu mến Giác Ngộ dù không là Phật tử
>>
Gửi gắm với Giác Ngộ tuổi 38

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Pháp niệm Phật nào đúng?

Pháp niệm Phật nào đúng?

GNO - Theo Phật giáo Phát triển (Tịnh Độ tông - Đại sư Ngẫu Ích, A Di Đà yếu giải) , niệm Phật nếu đạt nhất tâm bất loạn (Chỉ) thì thành tựu giải thoát, đoạn trừ các phiền não tham sân si..., mà không cần tu Tuệ (Quán). Theo Phật giáo Nguyên thủy, niệm Phật chỉ là một trong các tùy niệm...
Khóa lễ tụng kinh tại chánh điện chùa Tích Sơn

Vĩnh Phúc: Lễ hiệp kỵ chư tổ sư chùa Tích Sơn

GNO - Sáng 20-4, tại chùa Tích Sơn (P.Tích Sơn, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Thượng tọa Thích Giác Minh, Ủy viên Thường trực Ban Pháp chế T.Ư, trụ trì chùa Tích Sơn cùng Phật tử đã trang nghiêm tổ chức Lễ hiệp kỵ chư vị lịch đại tổ sư.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì hội nghị sáng 20-4 tại thiền viện Quảng Đức

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Sẽ mời các bên liên quan để giải quyết tồn đọng của Giáo hội

GNO - Đó là giải pháp giải quyết những khó khăn của Phật giáo tỉnh thành được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận tại hội nghị báo cáo quý I - năm 2024 của Văn phòng II T.Ư, diễn ra tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), vào sáng 20-4.

Thông tin hàng ngày