GN - Thực ra, không phải chỉ có chiều 30 Tết má tôi mới bày mâm cúng trước hiên nhà để “mời những vị trong đường ngạ quỷ đói khát, những vong linh vất vưởng thọ dụng một bữa” mà mỗi tháng, má đều làm vậy - đều đặn hai lần.
Má tôi là vậy, lúc nào cũng tinh tấn, nghiêm cẩn trong việc thực tập Phật pháp lẫn lối sống thường ngày. Tuy nhà tôi chưa thực sự “cải gia vi tự” nhưng trong không gian yên bình ở chốn quê xanh mướt cỏ cây, có đồng ruộng phía trước, đồi núi phía sau ấy, tiếng tụng kinh, chuông mõ vẫn vang đều mỗi sáng tối.
Hướng về cõi u huyền bằng tình thương
Lịch công phu của má tôi giống như ở chùa vậy: sáng 3g30 dậy, thỉnh đại hồng chung, lạy Phật, niệm Phật; 5g sáng chấp tác (nấu cơm, hâm thức ăn), sau đó ăn sáng rồi làm việc nhà hoặc đồng áng; trưa ăn cơm trước ngọ (trước 12g), chỉ tịnh, xong dậy lễ Phật, lạy Phật, nhang đăng (thay nước, rút chuôi nhang, quét bàn Phật, Tổ), rồi chiều lại công phu và thỉnh đại hồng chung; 6g30 tối là thời khóa đọc kinh Pháp hoa, trước khi đi ngủ có khoảng 30 phút ngồi tĩnh tâm, trì chú Đại bi.
Má tôi tu tập theo hướng ấy cũng gần 10 năm nay, kể từ khi tôi và má quyết tâm “biến nhà mình thành một thất nhỏ, để mai mốt, có quý thầy, sư cô nào về gieo duyên Phật pháp cho quê tôi thì sẽ thành kính cúng dường chốn ấy”. Kể từ khi đi vào nề nếp tu tập với công phu đều đặn như vậy má tôi nói: có sự thay đổi, an lạc hơn xưa rất nhiều. Má bảo, mình học Phật, việc công phu, chấp tác là để sửa ý-khẩu-thân chứ không phải để... cầu xin chi hết. Chính vì vậy mà khi có người hỏi, sao lại ăn chay trường, tụng kinh, niệm Phật, bộ có nguyện gì hả, và má luôn trả lời rằng: nguyện cho mình bớt tham, sân, si. Rồi má cười. Người ta ngạc nhiên, nhưng má biết, họ ngạc nhiên cũng phải, vì người thế gian thường sẽ cầu làm ăn được, gia đình hạnh phúc này nọ.
Trở lại việc cầu xin và cúng kiếng “mâm ngoài” (tức cúng cô hồn), má hay kể, trước khi biết đến đạo Phật, gia đình có “đạo ông bà”, cũng cúng đó, nhưng mỗi lần cúng thì cầu xin “quý vị phù hộ cho gia đình chúng tôi tai qua nạn khỏi, con cái học hành chăm chỉ, giỏi giang, mùa màng năm ni trúng lớn...”. Má bảo: “Hồi mình chưa biết thì cúng có chút cháo loãng, gạo muối, mớ giấy tiền-vàng mã mà xin tùm lum, trong khi họ khổ quá trời, họ đang đói, họ đâu có để cho mình. Học Phật rồi, cũng làm việc đó nhưng với lòng thương tưởng, muốn cúng để mời họ thọ thực (theo cách của họ), thông qua mâm cúng của mình, để họ cảm được còn có người nhớ, nghĩ tới. Và biết đâu, qua đó, gieo duyên Phật pháp với họ”.
Má là vậy: chu đáo, lúc nào cũng nghĩ cho người, kể cả những... người khuất mày khuất mặt. Chính vì thế mà cứ chiều 30 Tết, sau khi rước ông bà về an vị xong, má lại bày mâm cúng cô hồn. Mâm cúng mỗi tháng thì thường ít đồ cúng hơn mâm chiều 30 Tết, bởi như má nói, để cho họ cũng có Tết như mình.
Chúng sinh trong cõi Ta-bà đương nhiên còn tham-sân-si, nhưng chắc sẽ cảm được tình thương chân thành. Tôi tin thế, nhất là với những người thành tâm như má tôi.
Sau khi đã dọn xong bàn cúng, chính má là người niệm hương “triệu thỉnh chư vị hương linh”, rồi sau đó là “biến thực biến thủy” theo nghi “Mông sơn thí thực”. Trong niềm giao cảm được kết nối bằng tình thương chứ không phải “cúng rồi xin” theo kiểu đổi chác (như xưa), má nói, mỗi lần cúng xong thấy nhẹ nhàng trong lòng. Dù có thể mình không thấy họ, nhưng má luôn tin họ có tồn tại trong cảnh giới của riêng mình. Nghe má nói rứa, tôi hay chia sẻ với má bằng ví dụ với lời tán thán: “Đúng đó má, như không khí mình hít thở hàng ngày, mình đâu có thấy không khí (oxy) đâu nhưng nhờ nó mình mới thở được”.
Má chia sẻ rằng, má tin Phật, học Phật, làm theo Phật, mình không có tiền bạc nhiều để bố thí cho người sống thì việc “chẩn tế” người cõi âm bằng tâm lành, ý thiện cũng là một cách nuôi lớn tình thương.
Riêng tôi, tôi thương má nên Tết nào về quê, cũng cùng má quét dọn nhà cửa, trang trí bàn Phật, rồi chiều 30 Tết lại cùng má dọn mâm cúng cô hồn, nghe má thì thầm niệm hương và “biến thực biến thủy”...