GN - Sau hơn 25 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, tổ chức các cấp chính quyền hiện nay tồn tại giống nhau (tỉnh, huyện, xã). Những công tác quản lý nhà nước đều dựa trên nền tảng chính quyền nông thôn. Do vậy, một số nhiệm vụ quyền hạn về quản lý trên địa bàn đô thị mang tính cấp thiết của một đô thị chưa được giải quyết theo những trình tự đúng mức giữa nguyên tắc quản lý theo ngành (đô thị) và quản lý theo lãnh thổ (nông thôn).
TP.HCM và Đà Nẵng thời gian qua đã đề xuất được áp dụng mô hình chính quyền đô thị.
Trong ảnh: một khu dân cư ở Phú Mỹ Hưng (Q.7, TP.HCM) - Ảnh: Tuổi Trẻ
Từ đầu năm 2013 Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ đề án mô hình tổ chức chính quyền đô thị (CQĐT), trong đó có phương án tổ chức CQĐT là thành lập Tòa thị chính, đứng đầu là Thị trưởng.
Từ năm 2006, TP.Hồ Chí Minh đã thảo luận về việc cần thiết hình thành một CQĐT và sau đó, đề án đã được thiết lập với sự chấp thuận của Chính phủ; cho đến nay, sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung chi tiết, đề án CQĐT đã được Hội đồng Nhân dân và các ban ngành đặt ra công khai với cơ cấu một thành phố và 4 đô thị vệ tinh (thành phố trong thành phố). 4 đô thị vệ tinh được đặt tên TP.Đông, TP.Nam, TP.Tây và TP.Bắc. Mỗi đô thị có khoảng 1 triệu dân. Các thành phố vệ tinh này hình thành từ việc chia tách, sát nhập một số quận, huyện. Riêng TP.Hồ Chí Minh với 13 quận, huyện. Cấp quận, huyện này diện tích và dân số không lớn nên trở thành cấp Ủy ban quản lý hành chính (cấp trung gian) nên không có tổ chức HĐND. Riêng TP.Hồ Chí Minh sẽ trở thành siêu đô thị vẫn duy trì tổ chức HĐND. Nguyên nhân thành phố là siêu đô thị xuất phát bởi sự quy mô về quá trình quy hoạch phát triển kiến trúc, hạ tầng công cộng.
Để một siêu đô thị có CQĐT quản lý theo một bài bản chuyên nghiệp và khoa học, phù hợp với sức phát triển của toàn vùng, dư luận đặc biệt chú ý và đòi hỏi một CQĐT sẽ đạt được những gì cho hiệu quả mà CQĐT sẽ cung cấp cho cộng đồng xã hội. Theo các chuyên gia và các nhà làm luật, tổ chức CQĐT phải bảo đảm sự thống nhất và liên thông trên địa bàn về quy hoạch đô thị và hạ tầng kỹ thuật; hạ tầng xã hội, về đất đai, nhà ở, an ninh trật tự, môi trường, thiên tai…
Song song với việc hình thành CQĐT còn có chính quyền điện tử (e - GOV); bởi vì các cấp quyện, huyện trực thuộc lúc này chỉ đóng vai trò cấp trung gian giữa thành phố và phường, xã. Chính quyền điện tử sẽ giúp các quan hệ nội bộ và dịch vụ hành chính công ứng dụng trên môi trường mạng. Từ đây, đội ngũ công chức được tuyển dụng phải tinh thông và có trình độ chuyên môn cao.
Về phía các cấp Giáo hội PG thì sao, nếu CQĐT được hình thành cũng như quy hoạch đô thị vệ tinh. Hiến chương GHPGVN ghi rõ các cấp Giáo hội có GHPGVN tỉnh, thành phố và GHPGVN quận, huyện. Như vậy, việc quy hoạch TP.Hồ Chí Minh và các đô thị vệ tinh sẽ ảnh hưởng đến sự điều chỉnh của GHPGVN về nhân sự BTS GHPGVN theo hướng quy hoạch chung của TP.Hồ Chí Minh cũng như sắp xếp nhân sự và điều hành cũng theo cung cách CQĐT. Đó là Trưởng BTS PG TP.Đông; TP.Tây…
Trong bất cứ sự thay đổi nào để đáp ứng tiến trình phát triển đi lên của cả nước, đều có những thuận lợi và bất cập trong quá trình khởi phát. Song, đề án CQĐT và việc hình thành CQĐT là vấn đề cho đến thời điểm hiện nay là cấp thiết, từ sự đòi hỏi phát triển của đô thị Việt Nam và phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế.