Chú voi buồn

Chú voi buồn - Ảnh minh họa
Chú voi buồn - Ảnh minh họa

GN - Có đêm kia tôi lạc vào một phố đi bộ của Bangkok. Nơi đó những con đường nhỏ, các quầy bán áo quần, quà lưu niệm, xe bán thức ăn chen nhau. Người đi tấp nập, người ngồi sì sụp. Các ống cống xả nước lấn lên mép đường, những vũng nước thải loáng dưới ánh đèn xanh đỏ.

Bức tranh nghiêng ngửa ấy nổi trên nền nhạc rần rật từ các quán bar bên đường. Chỉ cuối những con đường nhỏ bóng tối mới thu lại. Tiếng động xa dần tưởng sắp lặng thinh. Nhưng đột nhiên lại tiếp một con phố khác. Sầm sập, chen nhau, cãi cọ, đèn xanh đỏ từ các quán choảng vào nhau, hoa mắt.

Tôi chợt thấy một thanh niên Thái đứng ngay giữa con đường nhỏ, cạnh một con voi nhỏ, trong vòng vây mấy người da trắng. Con voi cao khoảng một thước rưỡi, thân hình nó đảo qua đảo lại, cái vòi cong lên cong xuống. Chàng chủ voi xách một túi nhựa đựng các khúc mía ngắn và nhỏ chỉ bằng đôi đũa ghép lại. Một ông nước ngoài cầm khúc mía quơ đi quơ lại trước con voi để đùa. Khi cái vòi chú voi quơ vô khúc mía để xin thì ông ta lại nhanh chóng chuyền qua tay khác để tránh, hay hất bàn tay cầm mía qua hướng khác, cười khành khạch khoái trá.

Nhờ đứng gần tôi thấy rất rõ, dưới ánh đèn đường, đôi mắt chú voi nhọc mệt đảo theo hướng khúc mía nơi tay người nước ngoài. Đôi mắt nó lờ đờ, như phủ một nỗi buồn không thể nào tả được, có vẻ như vừa lạc lõng, ngơ ngác, vừa van nài, chịu đựng. Chỉ ở ngay điểm giữa con mắt nó có một màu sáng nhỏ bằng đầu cây kim là long lanh, không biết do phản chiếu ánh sáng của đèn đường hay tự con ngươi nó vốn như vậy. Cái điểm sáng lung linh đó thỉnh thoảng tóe lên một sức sống thiết tha, nhưng bao quanh điểm sáng ấy là cả một màu mắt bơ phờ khổ nhọc.

Tôi không biết con voi nhìn con người to hay nhỏ, cũng không biết nó có nhìn ra màu sắc không, chỉ thấy cả cái tròng đen xanh màu lá cây nhạt của nó hiện lên một vẻ thiểu não lạ lùng, khi nó đảo mắt để nhìn khúc mía thì hiện ra một chút lòng trắng ở góc mắt, cái chút màu trắng ấy chạy lên chạy xuống theo khúc mía đung đưa trước cái vòi của nó. Chợt nó quỳ hai chân sau xuống, tôi thấy ngay không phải tự nhiên nó quỳ mà do hiệu lịnh từ người chủ: nó quỳ ngay khi anh ta kéo rịt lỗ tai của nó một cái, hai chân trước vẫn chống, đầu lắc lư qua lại. Liền sau đó anh ta lại rịt lỗ tai nó một cái nữa, chú voi nằm bẹp xuống cả bốn chân, thế rồi anh ta lại rịt thêm một cái nữa, lần này thì chú voi nằm lăn quay ra một bên, người chủ tức tốc ngồi ngay lên trên cổ nó, một tay đè lên má của chú voi. Đến lúc này thì người du khách da trắng mới chịu đưa khúc mía cho chú voi trước khi cười ha hả bỏ đi.

Tôi không nghi ngờ gì, rằng người chủ của chú voi là một người nghèo, đã huấn luyện nó để kiếm sống. Anh ta đã bắt (hay mua) và dắt chú từ một khu rừng nào đó, tập tành cho chú cách xin ăn rồi đưa chú về thành phố, đứng ăn xin giữa những con đường đông nhất Bangkok, trong tiếng nhạc kích động, trong ánh đèn đường nhàn nhạt xanh đỏ nhảy múa, cái đầu nó lúc lắc lảo đảo, cái vòi đong đưa ngơ ngác giữa phố người.

Thái Lan không chỉ là xứ có nhiều chùa và tượng, mà còn có nhiều voi. Ai đi vào các quầy bán quà lưu niệm đều thấy nhiều nhất vẫn là các tượng Phật và hình voi lớn nhỏ. Trong các tua du lịch thì trổi nhất vẫn là các chuyến cỡi voi và viếng chùa.

Cũng như bên Trung Quốc, các chùa dành cho khách du lịch chỉ có mục đích triển lãm. Ở Bangkok có hai chùa nổi tiếng là wat Pho và wat Arun. Trong chính điện của wat (chùa) Pho có một tượng Phật nhập Niết-bàn rất lớn, đi hết các chùa nhỏ và tháp nằm trong khuôn viên của wat Pho phải mất vài tiếng đồng hồ. Có nhiều tượng Phật lớn đặt trong tủ kiếng dọc hiên chùa. Các tháp được xây với một kiến trúc đẹp đẽ và công phu. Còn wat Arun nằm bên kia sông, có một cái tháp cao chọc trời cũng rất đẹp. Nhưng cả hai ngôi chùa này lại nằm trong một bối cảnh có thể coi là phản ảnh sự ‘phát triển không bền vững’ của Thái Lan.

Bên trong wat Pho có một phòng để mát-xa và hai bàn coi bói cho du khách. Bên cạnh cái tháp đẹp đẽ của wat Arun là cột ăng-ten chọc trời, cũng cao bằng cái tháp. Nói chung, hai ngôi chùa nổi tiếng này, và các ngôi chùa khác chỉ thỏa mãn sự tò mò của khách du lịch. Vì vậy, dù cố giữ vẻ trang nghiêm như vô điện phải cởi giày, người địa phương sùng đạo thắp nhang hay khá giả hơn thì dát vàng lá lên tượng Phật, nhưng dường như không có bầu không khí hiền lành trầm lắng của chốn thiền môn.

Tôi đã đến một ngôi chùa lớn ngoài sức tưởng tượng cách phi trường Bangkok độ 20 cây số, chùa Pháp Thân (Dhammakaya). Trên khuôn viên rộng hút tầm mắt, sau chính điện hình vòm vàng rực rỡ dưới ánh nắng là một hội trường rộng mênh mông có sức chứa cả trăm ngàn người. Trung tâm này còn là nơi thường xuyên tổ chức dạy phương pháp tọa thiền, nơi huấn luyện cảnh sát, sinh viên. Hàng nghìn người dân địa phương mặc quần trắng sắp hàng đi vào hội trường sau các vị sư áo vàng. Giữa hội trường là bức ảnh vị sư sáng lập rất lớn. Mọi thứ ở đây đều ngăn nắp trật tự, cả ngàn người mà không ồn ào lắm, tiếng giảng bài trên loa phóng thanh nghe rõ ràng trong hội trường mênh mông. Tôi tin chắc rằng dù không hiểu tiếng Thái, nhưng lời giảng của vị sư trên hệ thống âm thanh ít nhất cũng phải là những lời dạy bảo tốt đẹp.

Một xứ sở có hàng chục ngàn ngôi chùa. Đi đâu cũng thấy các thầy, cũng thấy người ta chào nhau bằng hai bàn tay chắp lại hiền hòa. Ở các nơi buôn bán ồn ào cũng thấy bàn thờ, ở rất nhiều góc đường bàn thờ Phật được tôn trí trang trọng. Ngay cả trong các khách sạn lớn nhỏ cũng tôn trí tượng Phật. Nhiều người dân đi chùa cúng dường bằng cách dát những miếng vàng lá nhỏ óng ánh lên tượng Phật.

Một nơi như vậy nhưng con voi khốn khổ kia vẫn ăn xin giữa chợ người!

Người Thái tát nước lên nhau trong ngày Tết, biểu tượng tẩy sạch cấu uế. Tôi đến Thái trong những ngày cuối năm của họ. Người đi chùa lễ bái đông hơn. Miếu đền rực rỡ hơn. Chỉ vẫn đêm đêm, chú voi còn đó, đầu lắc lư, mắt nhạt nhòa. Dường như thân phận của một sinh linh không được những người đi chùa nghĩ đến.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vô thường

Lá vàng ắt phải rụng rơi...

GNO - Sớm nay, tôi ghé chùa lễ Đức Quán Âm. Tôi thấy ba vị Tăng cử hành một nghi thức trước đài Quán Âm. Một cỗ quan tài nhỏ, thật gọn, có lẽ bằng ván ép được bốn người khiêng nhẹ nhàng, cúi đầu lễ tôn tượng rồi di chuyển ra khỏi cổng chùa. Ra là một vị cao tuổi ở nhà dưỡng lão của chùa vừa qua đời tối qua.

Thông tin hàng ngày