Mùa hè năm nay, tôi được may mắn tham dự lễ Truyền Giới cùng với người thầy dạy Y Học Truyền Thống Trung Hoa của tôi.
Chúng tôi đến nơi vào xế chiều và trước hết là đến đảnh lễ Hòa Thượng phuơng trượng là Trưởng Lão Đức Lâm. Hòa Thượng Đức Lâm đã 92 tuổi, cao lớn đối với tuổi tác của ngài và nói bằng giọng phương Bắc với giọng nói lớn và rõ ràng. Lúc 19 tuổi ngài đã rời bỏ gia đình giàu có ở Thiên Kinh để đến học hỏi với Thiền Sư Lại Quả nổi tiếng tại Chùa Cao Mân, và từ đó đến nay ngài ở tại đây.
Hòa Thượng Lai Quả là một trong những vị Đại Sư của đầu thế kỷ hai mươi, cai quản Chùa Cao Mân vào một trong những thời kỳ khó khăn nhất tại Trung Hoa, tuy nhiên ngài đã duy trì được tất cả các luật nghi của Thiền Lâm Trung Hoa. Ngài từ chối không tổ chức bất cứ một sinh hoạt nào không liên hệ đến thiền (Phật Sự), những sinh hoạt mà các tu viện khác thường tổ chức để đem lại lợi tức. Thông thường các vị tăng chùa Cao Mân chỉ có cháo để ăn. Có một lần vào ngày Phật Đản, vì không có thức ăn để cúng Phật nên chư tăng phải nấu nước sôi dâng cúng Phật rồi sau đó họ uống nước và trở lại ngồi thiền.
Hòa Thượng Lai Quả viên tịch vào đầu thập niên 1950, vài năm sau khi Trung Hoa “giải phóng”. Dòng Thiền được truyền qua đệ tử của ngài là Thiện Huệ, người mà sau này bị xếp loại “hữu khuynh”. Tôi không biết được chuyện gì đã xảy đến cho Thầy Thiện Huệ, có lẽ ngài đã bị đánh đập đến chết. (Hòa Thượng Hư Vân bị đánh đập rất nặng trong thời gian này, và tác phẩm trước tác duy nhất của ngài là quyển chú giải Kinh Lăng Nghiêm đã bị đốt cháy. Một số đệ tử của ngài bị tử hình sau khi bị xếp loại là “hữu khuynh”).
Trong cuộc Cách Mạng Văn Hoá, Chùa Cao Mân bị tấn công nặng nề cay đắng. Tất cả đều bị phá hủy gồm cả Thiền Đường nổi tiếng là nơi nhiều cao tăng đã giác ngộ và nơi tôn thờ năm Nhục Thân Bồ Tát. Như lời Hòa Thượng Đức Lâm nói với chúng tôi “Chùa Cao Mân đã biến mất!”. Chỗ này được làm thành một xưởng làm áo len. Chỉ có cổng sơn môn nguyên là món quà của vua Khang Hy tặng là còn tồn tại, có lẽ vì làm bằng đá và rất khó phá hủy. Trong thời kỳ cách mạng, mặc dầu có những cuộc phá hoại quy mô, nhiều di vật đã tránh thoát được sự phá hoại nhờ ở vị trí xa xôi, nhờ làm bằng đá, nhờ dùng hình Mao Trao Đông che phủ, hoặc được các vị tăng sẵn sàng tự thiêu để bảo vệ đã làm đám đông quần chúng sợ hãi tránh đi.
Vào năm 1985, nhiều năm sau khi cuộc cách mạng chấm dứt, theo chính sách Cải Cách và Mở Cửa của Đặng Tiểu Bình, chính quyền địa phương quyết định phục hồi Chùa Cao Mân. Trưởng Lão Đức Lâm được mời phụ trách công việc. Lúc đó ngài đã 72 tuổi, Ngài nói “Người ta về hưu vào lúc năm mươi mấy tuổi. Tôi lại bắt đầu làm việc khi bảy mươi mấy tuổi.”
Công việc của ngài là phục hồi Chùa Cao Mân theo đường hướng của Hòa Thượng Lai Quả. Điều này không dễ dàng nếu chúng ta biết rằng Chùa Cao Mân không phải là một tu viện thông thường. Trong đời nhà Thanh, nơi này đã 8 lần đón tiếp Hoàng Đế. Hoàng Đế Khang Hy rất thích Chùa này đến nỗi ông cho xây một cung điện kế cận Chùa. Cung điện nguy nga đến nỗi ông Tào Tuyết Cần - tác giả truyện Hồng Lâu Mộng và ông nội của ông là người giám sát việc xây dựng cung điện này - đã nói: “Cung điện này có nhiều vàng bạc hơn là đất đá”.. Nhưng sau những cuộc chiến tranh và những cuộc cách mạng, nay chẳng còn lại gì nhiều. Điều duy nhất nhắc nhở sự huy hoàng trước đây là hai con sông song song trước cổng sơn môn cũ. Ngay phía trước cổng là con kinh lớn Bắc Kinh - Hàng Châu, nối trung tâm kinh tế của Trung Hoa thời xưa (Hàng Châu) với trung tâm chính trị (Bắc Kinh). Con sông xa hơn từ phía cổng được Vua Càn Long cho đào khi ông ở lại Chùa Cao Mân. Được nghe kể lại rằng vua không ngủ được vì tiếng ồn của những con thuyền qua lại trên dòng Đại Kinh nên ra lệnh đào một con kinh nữa cách Chùa Cao Mân xa hơn.
Việc tái xây dựng đặc biệt khó khăn khi cần phải duy trì truyền thống Thập Phuơng Lâm Tự chỉ dành cho Thiền mà thôi. Một phần trong viễn kiến của Hòa Thượng Lai Quả về Chùa Cao Mân là nơi đây là nơi để người ta giác ngộ.
Hòa Thượng Lai Quả thich so sánh các Khóa Thiền với những cuộc thi cử Trung Hoa ngày xưa. Đối với việc thì cử, người học sinh phải chuyên cần học tập nhiều năm, đến kỳ thi thì cố hết sức mình và …. A! Điều kế tiếp người học trò biết được là vào Triều Đình làm việc với Hoàng Đế và các quan đại thần. Quy luật ở trường thi cần phải nghiêm khắc để mọi người có thể tập trung tâm trí. Tương tự như vậy, Chùa Cao Mân nổi tiếng về các luật lệ. Hòa Thượng Lai Quả cũng nổi tiếng về việc nghiêm khắc trong thiền đường và đánh người bằng thiền trượng để giúp họ tu tập. Có một lần, một bà cư sĩ giàu có đề nghị cúng dường Hòa Thượng Lai Quả 7 thỏi vàng (tương đương 200 ngàn đến 500 ngàn Mỹ Kim) nếu ngài chịu đánh bà bằng thiền trượng để giúp tiêu trừ nghiệp chướng của bà. Ngài từ chối nói rằng "Thiền trượng của tôi chỉ để dành cho những người có tiềm năng trở thành tổ sư".
“Không có những dịch vụ du lịch, không có những tiệm to lớn làm ra vẻ như của Phật Giáo, và không có quầy xem bói để tạo nên lợi tức.”
Ngay cả đến ngày nay, Chùa Cao Mân không có những dịch vụ du lịch, không có những tiệm to lớn làm ra vẻ như của Phật Giáo, và không có quầy xem bói để tạo nên lợi tức. Chùa cũng không tổ chức những lễ Phật Giáo lớn thường nhằm đem lại lợi tức một cách hợp pháp. Tăng chúng sống bằng cách trồng rau cải vào mùa hè và thiền vào mùa đông. Tuy vậy, họ vẫn mở cửa cho những du tăng trú ngụ. Đây là những truyền thống Hòa Thượng Đức Lâm tìm cách duy trì trong khi ngài làm việc để phục hưng tu viện này.
Khi bạn không có tiền, bạn cần uyển chuyển và làm chậm chạp. Hòa Thượng Đức Lâm đã làm công việc phục hưng tu viện Cao Mân trong hơn 20 năm qua. Đây là một tu viện khổng lồ trải ra trên 230 mẫu đất, với hơn 200 tăng ni. Nhưng để hoàn tất tất cả các công trình theo dự trù, Hòa Thượng Đức Lâm phỏng đoán sẽ cần thêm khõang 20 năm nữa theo mức độ xây dựng hiện nay.
Ngòai ra, tại Trung Quốc, khi bạn không có tiền thì chính quyền không thích bạn. Trong nhiều năm qua, chính quyền đã áp lực Chùa Cao Mân để Chùa trở thành địa điểm du lịch. Họ đã kiên trì yêu cầu Hoà Thượng Đức Lâm thâu lệ phí vào cửa. Hòa Thượng nhận xét "Họ bảo tôi rằng tôi cần phải cởi mở Chùa Cao Mân. Tôi nghĩ chúng tôi đã rất cởi mở vì chúng tôi miễn phí. Tôi không biết làm sao chúng ta có thể cởi mở hơn bằng cách tính lệ phí vào cửa".
Một Thầy trụ trì của một "Trung Tâm Giải Trí Phật Giáo" (Buddhist Disneyland) giải thích cho chúng tôi là sự thoả thuận điển hình giữa chính phủ và tu viện là tu viện sẽ được 20% của lệ phí vào cửa và chính phủ sẽ lấy 80% để dùng giới thiệu tu viện qua việc dựng lên những bảng hiệu ngoài đường hướng dẫn đến tu viện, phổ biến bản đồ và chương trình du lịch bao gồm các thông tin về tu viện trên các tạp chí du lịch. Tu viện nếu muốn có thể tính thêm lệ phí phụ trội cho các sinh họat như leo tháp, đánh chuông v.v… và còn có thể cho các cơ sở thương mại thuê mướn chỗ.
Vào dịp Tết, những tu viện nổi tiếng có những đường dây điện thoại nóng (hotlines) để khách có thể gọi giữ chỗ cho những vé mắc tiền. Đánh chuông để được may mắn được đưa ra đấu giá dành cho người ra giá cao nhất. Chính quyền địa phương, theo tôi tin, đánh thuế lợi tức tu viện như là một cơ sở thương mại thông thường. Đây là một sự rộng lượng lớn lao khi so sánh việc các tu viện thường bị đối xử trước đây: chư tăng bị đánh đập và tu viện bị phá sập. Vì vậy hiện nay có rất ít tu viện vẫn còn cho dân chúng đến viếng miễn phí. Tôi nghe rằng ngày nay chỉ có hai tu viện là vào cửa miễn phí. Thầy trụ trì trẻ tuổi của "Trung Tâm Giải Trí Phật Giáo" (Buddhist Disneyland) cho chúng tôi biết rằng ông không có lựa chọn nào khác là phải thâu lệ phí vào cửa và cho các cơ sở thương mại mướn chỗ bởi vì đó là "sự tiến bộ lịch sử không thể nào tránh được". ..
Thầy trụ trì trẻ tuổi tốt nghiệp từ tu viện Phật Giáo chính thức tại Bắc Kinh. Là một vị sư đã thấm nhuần tư tưởng, thầy nói rằng thầy sẽ dùng tiền do tu viện này sinh ra để lo cho cơ sở Phật Giáo và cho các công việc từ thiện. Mặc dầu còn trẻ tuổi (gần 40 tuổi hoặc hơn 40), thầy đang phụ trách hai tu viện nổi tiếng...
Một mảnh đất lớn của Chùa Cao Mân bị các cơ quan khác nhau chiếm dùng vì nhiều lý do khác nhau. Phải mất nhiều năm thương thảo mới lấy lại hầu hết đất đai. Khi con sông chung quanh Chùa Cao Mân bị ô nhiễm nước không uống được, chính quyền từ chối không cho đưa ống dẫn nước vào. Chỉ sau khi được một số "lãnh đạo" nào đó hòa giải, Chùa mới có nước máy. Khi bạn không được chính quyền tôn trọng, thì có vẻ bạn cũng không được những nông dân láng giềng tôn trọng. Một số nông dân dựng nên những bãi đậu xe giả tạo ngày trước cổng sơn môn của Chùa. Khi bạn nói với họ rằng bạn sẽ đậu xe bên trong Chùa thì họ đòi bạn phải trả cho họ lệ phí vào cửa.
Chắc hẳn 20 năm qua thật là gay go đối với Hòa Thượng Đức Lâm. Như thế mới hiểu tại sao ngài nói “Tôi không muốn gặp Bác Sĩ. Mỗi khi tôi gặp bác sĩ nào thì bác sĩ đó cũng luôn bảo tôi rằng tôi cần phải vào nằm bệnh viện.” Thầy tôi nói rằng “Lời khuyên của tôi là Hòa Thượng ít nhất nên nằm trên giường và để người khác phục vụ ngài.” Hòa Thượng Đức Lắm nói khôi hài “Đó chính là điều tôi mơ ước!”.
Sau khi nói chuyện với Hòa Thượng Đức Lâm, Thầy tôi và tôi lấy ra số tiền của những người trong gia đình và bạn bè gởi nhờ cúng dường để trao lại cho Hòa Thượng. Trong quá khứ, một vị A La Hán đã phát nguyện giúp người tạo phước bằng cách sẽ hóa thân đến nơi nào có pháp hội trên một ngàn vị xuất gia, như buổi lễ truyền giới này chẳng hạn. Do đó chúng tôi rất vui mừng ủng hộ. Chúng tôi đảnh lễ Hòa Thượng và đi ra ngoài.
Sau đó chúng tôi đến viếng thăm Thầy Văn Long, người sẽ trở thành vì trụ trì kế tiếp. Do áp lực ngày mỗi mạnh từ phía chánh quyền, Hòa Thượng Đức Lâm đã quyết định sẽ về hưu dưỡng sau buổi lễ truyền giới này. Ngài đã chọn Thầy Văn Long là người đệ tử của ngài hơn hai mươi năm qua sẽ kế vị ngài. Thầy Văn Long là một vị thầy rất khiêm tốn. Khi chúng tôi mới gặp thầy, chúng tôi không biết rằng thầy là phụ tá của Hòa Thượng Đức Lâm. Thầy trò chuyện với chúng tôi và đưa đi thăm quanh chùa. Khi chúng tôi đề cập về chuyện về hưu dưỡng của Hòa Thượng Đức Lâm, thầy nói đừng có lo. Thầy nói Hòa Thượng Đức Lâm là Thầy của thầy, do đó thầy luôn tuân theo chỉ dẫn của Hòa Thượng. Thầy nguyện sẽ chống lại áp lực của chính quyền đòi tính lệ phí vào cổng. Tuy nhiên Thầy Văn Long lại rất bệnh. Một trong những mục đích của chúng tôi khi đến thăm Chùa Cao Mân là để điều trị cho thầy. Thầy bị phong thấp dọc theo cột xương sống và năm ngoái đã nằm liệt giường nhiều tháng. Đây là loại bệnh rất đau đớn. Thầy cảm thấy rằng sức khỏe của thầy có thể sẽ không cho phép thầy đảm nhận trách nhiệm điều hành Chùa Cao Mân. Nhưng sau khi dùng thuốc của thầy tôi cho, thầy đã có thể giảm bớt việc dùng thuốc giảm đau.
Thầy tôi cũng điều trị hai phụ nữ làm việc tại nhà khách. Họ yếu đuối nhưng bệnh tình không phức tạp. Họ chỉ làm việc quá sức và thiếu dinh dưỡng. Hòa Thượng Lai Quả cho phép ăn ba bữa ăn mỗi ngày, nhưng chỉ một đĩa rau cải và cơm. Những người phụ nữ này nói rằng vì bây giờ có nhiều khách nên họ ăn khá hơn một chút, nhưng thông thường họ chỉ ăn cơm trắng với rau cải ngâm chua. Họ đã sống và làm việc tại Chùa Cao Mân được khoảng ba năm và dự định sẽ xuất gia (vào tu chính thức trong chùa). Thỉnh cầu xuất gia của họ năm nay bị Hòa Thuợng Đức Lâm từ chối, ngài nói họ cần được huấn luyện thêm vài năm nữa. Thầy của tôi hỏi họ rằng tại sao họ không thử đến những tu viện khác vì với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc trong 20 năm vừa qua, có rất ít nơi mà người ta chỉ ăn cơm với rau cải chua. Họ chỉ mỉm cười e thẹn và nói “Ở đây thì tốt hơn.”
Ngày hôm sau, chúng tôi đến dự lễ tụng kinh sáng. Hơn 800 sa di từ khắp Trung Quốc đến để thọ Đại Giới trở thành tu sĩ thọ cụ túc giới. Con số ít so với 1000 người như dự trù, có lẽ do thiếu thông báo. Giới đàn và phòng ở cho các sa di chưa được hoàn tất do thiếu phương tiện. Trong suốt những ngày lễ, các vị sa di ở trong những tòa nhà bằng xi măng chưa hoàn tất và ngủ trên những tấm gỗ có trải chiếu. Mặc dầu tiện nghi thiếu thốn, họ vẫn tỏa ra hào quang nghiêm túc. Các vị tăng ni đi trong Phật Điện thành từng nhóm nhỏ tùy theo tu viện liên hệ của họ và mỗi nhóm đều được dẫn đầu bởi một vị tăng thâm niên từ tu viện của họ.
Buổi lễ tụng kinh sáng về căn bản cũng giống như Vạn Phật Thánh Thành tại California . Thật là thích thú khi nghe mọi người tụng chú Lăng Nghiêm với những thổ âm khác nhau, và tôi nhận thức được Phật Giáo Trung Hoa liên kết thật chặt chẽ biết bao. Tuy không có một Giáo Hội trung ương để điều hành giáo pháp, phong tục, nghi lễ, nhưng vẫn có sự đoàn kết giữa các tu viện khác nhau. Không cần phải thay đổi lối sống nhiều, một vị tăng có thể đi đến những tu viện khác nhau để học hỏi và tu tập. Mặc dầu những vị đại sư không được phong thánh, cộng đồng vẫn công nhận họ như những vị thánh. Họ không phải là những nhà thần học chia rẽ con người thành những trường phái tin tưởng khác nhau, mà chỉ đơn giản mang lại những giáo pháp thích hợp cho những người khác nhau tại những nơi khác nhau vào những lúc khác nhau. Những tu viện không liên hệ với nhau vẫn tự nguyện theo sự lãnh đạo của họ. Mặc dầu môi trường như vậy đã suy giảm rất nhiều, khi bạn thấy cả ngàn vì tăng ni từ khắp nước Trung Hoa cùng làm chung một buổi lễ, bạn có thể chứng kiến được dấu ấn của một truyền thống vĩ đại.
Chỉ vừa tụng kinh được vài phút thì một tia chớp khổng lồ lóe sáng lên. Vạn vật sáng lên trong chớp nhoáng, ngay cả bên trong Phật điện. Tiếp theo ngay sau đó là một tiếng sấm lớn nhất mà tôi từng nghe và mưa bắt đầu trút xuống. Tôi cảm thấy như đang ở trên một chiếc tàu giữa cơn bão. Mưa ngừng lại ngay trước lúc chúng tôi bước ra khỏi Phật điện. Cơn mưa chỉ kéo dài chừng hai mươi phút và không mưa trở lại suốt ngày hôm đó. Có vẻ như các vị rồng đến để rửa sách đất đai. Tôi hy vọng cơn mưa là điểm báo một sự khởi đầu tốt đẹp, không chỉ cho việc truyền giới mà còn cho Phật Giáo Trung Hoa. [Trong những lần thăm viếng về sau, tôi đã hỏi hai vị tăng sĩ từ Đài Loan đã thọ giới trong buổi lễ đó, họ nói với tôi rằng trời mưa và sấm động vào ngày đầu tiên của mỗi lần truyền giới trong toàn buổi lễ (Tam Đàn Đại Giới là ba lần truyền giới kết hợp lại trong một kỳ lễ)].
Chùa Cao Mân là nơi ở Trung Quốc tôi được gặp những người tu hành tinh tấn. Truyền thống của Chùa Cao Mân thật vĩ đại, to lớn và đáng kiêu hãnh. Nhưng dầu với sự cống hiến của Hòa Thượng trụ trì cùng những người theo ngài, tương lai của Chùa vẫn không có gì chắc chắn. Các vị Hoàng Để không còn đến thăm viếng nơi này và chính quyền thì không thân thiện về những tư tưởng và sự tổ chức không theo lý tưởng của Đảng. Quốc Gia Trung Tâm - Trung Hoa - có thời được hãnh diện gọi là Quốc Gia Trung Tâm và nổi tiếng về truyền thống phong phú, ngày nay có thể cảm thấy như là vùng đất khô cằn về tâm linh. Tôi tự hỏi Chùa Cao Mân sẽ duy trì là một Tu Viện Thiền Lâm như thế nào. Trong một quốc gia mà hầu hết mọi người không còn có một chút ý niệm về Phật Giáo, sẽ có những vị du tăng từ những vùng núi non xa xôi trở nên giác ngộ tại đây chăng ? Chùa có thể tránh khỏi trở thành một cơ quan thương mại không ? Tôi không biết.
Tuy nhiên tôi có được sự hiểu biết rõ hơn về quyết tâm của Hòa Thượng Tuyên Hóa nhằm bảo tồn Phật Giáo bằng cách mang hạt giống Phật Giáo đến một vùng đất mới để được phát triển tự do. Hy vọng một ngày nào đó Phật Giáo sẽ bắt rễ trở lại tại Trung Hoa.